Chỉ số đã đạt chuẩn
Báo cáo tại hội nghị, GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – đại diện nhóm các nhà khoa học, cho hay nhóm nghiên cứu đã quan trắc nước biển, bao gồm tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy trầm tích, màng bám keo tụ, hệ sinh thái và sinh vật biển tại hơn 200 điểm để lấy mẫu.
Kết quả quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển, hệ sinh thái và ven biển 4 tỉnh miền Trung cho thấy, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn khu vực nằm trong giới hạn quy định quy chuẩn Việt Nam, đạt chuẩn với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
“Hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm. Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay bắt đầu có sự phục hồi tích cực”, báo cáo cho biết.
Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ ngày 28/4 đến tháng 8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian.
“Đến thời điểm hiện tại, các thông số đặc trưng của môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh”, báo cáo cho biết.
TS. Friedhelm Schroeder, người tham gia đoàn quốc tế điều tra môi trường biển sau sự cố cho hay, chương trình giám sát, phân tích lần này được thực hiện công phu, phương pháp đánh giá ngang bằng với các phương pháp ở Mỹ, châu Âu đang sử dụng.
Tiếp tục giám sát
Đại diện Bộ Y tế có mặt tại hội nghị cho biết, trong thời gian qua Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy mẫu hải sản, giám sát chất lượng. Theo đó, từ tháng 6 đến nay, kết quả giám sát bước đầu cho thấy chất ô nhiễm trong các mẫu đã giảm dần, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Y tế, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ báo cáo các vùng biển an toàn, còn với hải sản phải có độ trễ đào thải chất ô nhiễm tích tụ, nghĩa là không phải cùng thời điểm biển an toàn thì hải sản cũng an toàn theo.
Do đó, thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh giám sát chất lượng hải sản, khi có kết quả sẽ công bố rộng rãi.
Đại diện một số nhà khoa học để nghị hoạt động giám sát Formosa cần phải chặt chẽ, đảm bảo chắc chắn không xả thải tiếp, nếu không các quá trình nghiên cứu sẽ không còn ý nghĩa.
“Hầu hết chất nguy hiểm đã giảm, tuy nhiên một số điểm như các hố vẫn còn tích tụ màng phenol, vẫn chưa hết hẳn, vì thế chúng ta phải tiếp tục giám sát các điểm này xem đã an toàn chưa.. Với nỗ lực quản lý, giám sát môi trường như hiện nay, tôi tin biển miền Trung dần dần sẽ được trở lại như ngày xưa”, TS. Trịnh Văn Tuyên nói.
Trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã thừa nhận việc xả thải gây ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Doanh nghiệp này đã xin lỗi công khai và chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả. Hiện một nửa số tiền đền bù đó đã được phía Formosa chuyển cho phía Việt Nam.
Nguồn Báo Mới