Nếu chỉ nhìn mà không uống, người không biết khó mà phân biệt được đâu là nước chè xanh, đâu là nước chè Dung, bởi cả hai cùng có chung một màu óng vàng. Vậy nhưng khác với vị chát, vị đặm của chè xanh, chè dung chỉ mới uống vào một ngụm nhỏ đã thấy ngọt và mát nơi đầu lưỡi. Thứ nước này cũng không quá ngọt như nước nhân trần của phía Bắc hay nhân nhẩn đắng như chè vằng, chè vối. Chè Dung còn là một phương thuốc chữa bệnh, đặc biệt là bệnh dạ dày, bệnh tá tràng. Chè Dung còn là liều thức ăn vì nó có thể làm dịu đi những cơn đói bụng.
Gọi chè Dung là đặc sản của đất Quỳnh, nhưng trên thực tế chè Dung chỉ có ở một số xã miền núi của huyện Quỳnh Lưu. Chè Dung không ai trồng, nó mọc tự nhiên trên rừng và phải đi vào khá sâu mới hái được. Chè Dung có thể uống khi đang còn tươi hoặc khi phơi khô, vì thế nhiều người ở xa ngang qua Quỳnh Lưu vẫn hay mua để làm nước uống dần. Cái hay của chè Dung là có thể làm nước uống chung cho cả nhà vì vị của nó mát, ngọt và rất dễ uống, lúc đói có thể uống một lúc hai ba cốc vẫn bình thường.
Chủ nhà hàng Hoàng Nhân (nằm trên quốc lộ 1A) có cách “quảng cáo” rất sáng tạo, đấy là khách sau khi ăn cơm xong sẽ được mời một cốc chè Dung. Nếu khách thích thì nhà hàng sẽ giới thiệu và mời mua. Chè Dung được đóng gói với lời giời thiệu khá hấp dẫn: Chè Dung ngon ngọt và thơm tới giọt cuối cùng”.
Theo: Theo websie báo Nghệ An