Các điểm đến ở Nghệ An chuẩn bị cho mùa du lịch mới

Đăng ngày 03/04/2024

(Baonghean.vn) – Chuẩn bị cho mùa du lịch 2024, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đang tích cực hoàn thiện cơ sở vật chất, điều chỉnh và làm mới hình thức cũng như nội dung các dịch vụ để sẵn sàng đón tiếp du khách…

Khắc phục thiệt hại do thiên tai

Cuối tháng 9/2023, lũ lụt lớn xảy ra tại các huyện miền Tây Nghệ An, tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng điểm đến du lịch nói riêng. Tại huyện Quế Phong, tuyến đường dẫn vào thác Sao Va, thác Bảy tầng và bản Thái cổ – du lịch cộng đồng Long Thắng (xã Hạnh Dịch)… bị mưa lũ làm hư hại. Các lán trại nghỉ ngơi, ăn uống tại quần thể thác Bảy tầng cũng bị hư hỏng, cuốn trôi.

Chuẩn bị cho mùa du lịch năm 2024, tuyến đường dẫn vào thác Sao Va, thác Bảy tầng và bản du lịch cộng đồng Long Thắng đang được sửa chữa. Tuy nhiên, ô tô gầm thấp gặp khó khăn lưu thông. Thế nên, dự báo lượng khách về thác Bảy tầng để “giải nhiệt”, tham quan và khám phá bản Thái cổ sẽ sụt giảm nhiều so với trước.

Đứng trước những khó khăn do khách quan mang lại, các hộ làm du lịch tại xã Hạnh Dịch đã và đang có những tính toán để “liệu cơm gắp mắm”. Theo đó, các hộ kinh doanh sẽ thu hẹp diện tích lưu trú, không thực hiện đầu tư dàn trải mà chú trọng nâng cao chất lượng phòng nghỉ, ẩm thực. Ở khu vực thác, các lán trại cũng được tái xây dựng nhằm mang lại sự tiện ích cho đông đảo du khách khi về nơi đây nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

Du lịch cộng đồng bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Ảnh Đức Anh (2).jpg
Homestay ở bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch. Ảnh: Đức Anh

Anh Lữ Thành Long – chủ cơ sở Homestay Lâm Khang ở xã Hạnh Dịch cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các đội văn nghệ, biểu diễn các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái; cố gắng nâng cao chất lượng và làm đa dạng thêm các món ăn… để du khách có thể hài lòng, có thêm những trải nghiệm thú vị khi về du lịch tại thác Bảy tầng và bản Thái cổ Long Thắng”.

Tại huyện Quỳ Châu, cơn lũ lịch sử năm qua đã “xóa sổ” một số điểm đến, điểm check-in đẹp. Để kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt, nâng cao chất lượng dịch vụ, các hộ làm du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến 1, 2 của xã Châu Tiến cũng đang nỗ lực khắc phục chuẩn bị cho mùa du lịch mới.

Cọn nước ở Quỳ Châu. Ảnh Quang Dũng (1).jpg
Cọn nước ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Quang Dũng

Chị Sầm Thảo Trang – chủ cơ sở Homestay Bích Trang, chia sẻ: “Năm nay, ngoài việc tu bổ lại toàn diện cơ sở vật chất, phòng ốc thì các hộ làm du lịch cộng đồng ở xã cũng làm lại hệ thống cọn nước đã bị lũ cuốn trôi năm ngoái. Hàng năm, mưa lũ đã làm hư hại các điểm check-in, sau mỗi đợt như vậy, chúng tôi lại phải xây dựng mới”.

Điểm mới du lịch cộng đồng Hoa Tiến năm 2024 này là đã có thêm 1 đội văn nghệ được thành lập, phục vụ nhu cầu văn hoá, văn nghệ của du khách, khắc phục tình trạng bất cập “một đội chạy nhiều nhà” như trước đây… Là điểm du lịch trọng điểm của huyện Quỳ Châu, hàng tuần, bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến 1, 2 vẫn thường đón hàng trăm lượt khách về tham quan, trải nghiệm. Bước vào mùa du lịch 2024, lượng du khách về đây dự kiến tăng cao.

Năm 2024, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu đón tổng lượt khách du lịch có lưu trú đạt 5.500.000 lượt, trong đó, 120.000 lượt khách quốc tế, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 9.000 tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu này, các địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang nỗ lực kiến tạo các sự kiện, điểm đến, sản phẩm cho năm du lịch mới.

Kiến tạo sản phẩm mới

Du lịch Cộng đồng bản Khe Rạn. Ảnh Thành Cường.jpeg
Du lịch cộng đồng bản Khe Rạn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Con Cuông đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón du khách về dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) và 30/4, 1/5. Chị Vi Thị Hoa – chủ cơ sở Homestay Hoa Thụ tại bản Nưa, xã Yên Khê cho hay: “Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đón du khách dịp nghỉ lễ. Bao gồm dịch vụ lưu trú, ẩm thực, văn hóa, văn nghệ; cũng như hướng dẫn du khách khám phá các điểm du lịch, các điểm trải nghiệm về sản xuất nông nghiệp, dệt thổ cẩm, làm rượu cần men lá”.

Được biết, bước vào mùa du lịch mới, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tại bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) đều đã được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng du lịch do tỉnh, huyện Con Cuông tổ chức. Bên cạnh việc nâng cao kỹ năng về phục vụ lưu trú, các hộ còn được trang bị kỹ năng nấu nướng, tổ chức mâm cơm gồm các món ăn đặc sản của địa phương, kỹ năng pha chế đồ uống, giải khát, đồng thời, tham gia thuyết minh cho khách du lịch… Nhờ đó, các hộ kinh doanh homestay đều có sự thay đổi đáng kể về mặt tư duy du lịch cũng như cách thức tổ chức dịch vụ.

bna_Ảnh Thành Cường (2).jpg
Mùa du lịch năm 2024, thị xã Cửa Lò đã tiến hành chỉnh trang, nâng cấp 7 dự án với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng. Ảnh: Thành Cường

Năm nay, du khách khi về nghỉ dưỡng tại thị xã du lịch biển Cửa Lò chắc chắn sẽ cảm nhận được sự khác biệt khi chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch đã được nâng cao đáng kể. Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng trên địa bàn thị xã Cửa Lò, giai đoạn 2021 – 2025”, các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn đã không ngừng đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ tiện nghi theo quy định. Nhiều cơ sở đã “mạnh tay” bỏ ra hàng tỷ đồng để cải tạo cơ sở lưu trú như Khách sạn Minh Châu Cửa Lò (trên 6,5 tỷ đồng) hay Nhà nghỉ Xuân Dương (trên 1 tỷ đồng)…

ÔNG HOÀNG VĂN PHÚC – PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ CỬA LÒ

Để phục vụ người dân và du khách trong mùa du lịch năm 2024, thị xã Cửa Lò đã tiến hành chỉnh trang, nâng cấp 7 dự án với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng. Chào đón Năm du lịch 2024, Cửa Lò sẽ có rất nhiều điểm nhấn mới để thu hút du khách. Đó là khu phố đêm Nguyễn Huệ – phường Nghi Thu, dự kiến đi vào hoạt động ngày 20/4; Khu vui chơi, giải trí Cửa Hội (dự kiến mở cửa đón khách vào ngày 30/4).

bna_Ảnh Thành Cường (1).jpg
Khu vui chơi, giải trí Cửa Hội dự kiến mở cửa đón khách vào ngày 30/4. Ảnh: Thành Cường

Từ nay đến ngày khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò năm 2024, thị xã tổ chức chuỗi hoạt động khởi động như cuộc thi “Nữ thanh niên thanh lịch Cửa Lò năm 2024, “Trang trí điểm check-in hoa cúc biển” để thu hút du khách. Trong chương trình khai mạc du lịch Cửa Lò năm 2024 (ngày 18/4) có sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước. Năm nay, ngoài chương trình nghệ thuật và màn bắn pháo hoa đặc sắc, thị xã đang nghiên cứu kết hợp trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng hàng trăm drone.

Tương tự, ông Vi Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cũng cho hay: Huyện đã triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 7 vào thác Khe Kèm (cơ bản hoàn thành); nâng cấp, mở rộng tuyến đường Môn Sơn – Lục Dạ; xây dựng bến thuyền Phà Lài 2… Hiện nay, huyện đang tiếp tục thực hiện việc tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Vi Văn Khang tại xã Môn Sơn; lên phương án nâng cấp phục dựng quần thể Di tích lịch sử bia Ma Nhai và thành Trà Lân; kêu gọi các dự án đầu tư về du lịch theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Dệt thổ cẩm ở bản Nưa. Ảnh Cảnh Hùng.jpg
Dệt thổ cẩm ở bản Nưa. Ảnh: Cảnh Hùng

ÔNG VI VĂN QUÝ – PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CON CUÔNG

Huyện Con Cuông cũng đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh, đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh; tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, đặc biệt là tại các điểm làm du lịch cộng đồng. Trước mùa du lịch mới, huyện Con Cuông đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống… với tiêu chí an toàn, văn minh bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn tại huyện Quỳ Châu, bước vào mùa du lịch 2024 này, huyện cũng đang tích cực triển khai xây dựng, chỉnh trang, cải tạo các điểm du lịch (nhất là các điểm đã bị hư hại do lũ lụt năm 2023) để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Các điểm được chú trọng xây dựng, tôn tạo là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc, bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến, hang Bua, đền Chiêng Ngam, thác Khe Bàn…

ÔNG LÊ THANH HÀ – PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN QUỲ CHÂU

Huyện đã và đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An tại huyện Quỳ Châu; Đầu tư ban đầu hạ tầng một số khu danh thắng như thác Khe Bàn, thác Khe Mỵ, làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến để sẵn sàng tiếp đón du khách; đầu tư nâng cấp Khu Di tích mộ Đốc binh Lang Văn Thiết tại xã Châu Hội; rà soát quy hoạch tổng thể Di tích hang Bua và đền Chiêng Ngam để điều chỉnh phù hợp, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư… phấn đấu thu hút lượng khách du lịch về địa phương ngày một đông hơn; hướng đến đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.