So với chính Cửa Lò 10, 15 năm trước thì không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của thị xã. Tuy nhiên phát triển du lịch Cửa Lò thời gian qua đang với một tinh thần: đưa đến thị trường những gì mình đang có mà chưa đưa đến những cái thị trường đang cần. Bằng nhận thức thẳng thắn đó, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò đã, đang trăn trở, quyết tâm đổi mới làm du lịch, nhằm biến cái mình có thành cái thị trường cần với sự đa dạng các dịch vụ.
Du lịch Cửa Lò phải có cách làm và cạnh tranh bằng thương hiệu riêng của mình theo chiều sâu nhằm đáp ứng được tất cả nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch từ hạng sang đến bình dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Bên cạnh thu hút các dự án du lịch lớn và thúc đẩy triển khai các dự án đã thu hút để tạo động lực lan tỏa thì Cửa Lò tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thị xã; trong đó trọng tâm là cấu trúc lại hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ “2 sao”, “3 sao” ở khu vực phía Bắc thị xã thông qua vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên minh, liên kết đầu tư phát triển, gắn với chỉnh trang đô thị.
Thị xã cũng đã hoàn thành việc xây dựng quy hoạch khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh bằng việc giải tỏa hết các ki-ốt kinh doanh dọc bãi biển, trả lại không gian bãi biển đẹp và quy hoạch, xây dựng thảm cỏ, công viên cây xanh tạo không gian xanh phục vụ du khách dạo chơi, thưởng ngoạn; quy hoạch khu tắm tráng, bãi để xe và một số quán bar, cà phê sang trọng phục vụ du khách du lịch.
Cùng với đó là phát huy thế mạnh của mảnh đất chỉ có hơn 28 km2, nhưng có đến 11 di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh để xây dựng Cửa Lò thành điểm đến du lịch tâm linh của du khách trong cả nước.
Để tăng chiều sâu của du lịch Cửa Lò, thị xã cũng đã, đang đặt ra quyết tâm đổi mới tư duy, sáng tạo nhằm đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đến với Cửa Lò không chỉ có dịch vụ tắm biển, nghỉ dưỡng mà còn là nơi tổ chức các sự kiện, hội nghị lý tưởng; sản phẩm ẩm thực đa dạng mang tính đặc trưng, đặc hữu của địa phương, chứ không phải khách Hà Nội vào Cửa Lò ăn sáng bằng phở Hà Nội hay phở gia truyền Nam Định mà phải là các sản phẩm bún – cháo cá, cua, ngêu…
Ở phường Nghi Hương, theo chia sẻ của đồng chí Trần Minh Lương – Bí thư Đảng ủy phường, ngoài chung tay hiến đất, phá dỡ bờ rào, cổng xây để mở rộng một số tuyến đường; đóng góp xây dựng hệ thống đường điện chiếu sáng, đường cờ; người dân cũng đã tích cực tự chỉnh trang cổng ngõ, tường rào, vườn tược, công trình vệ sinh của nhà mình để đảm bảo hài hòa, xanh, sạch, đẹp.
Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, thị xã Cửa Lò xác định 4 mũi kinh tế trọng tâm. Ngoài phát triển kinh tế du lịch đó còn là kinh tế cảng biển; kinh tế nghề cá và hậu cần nghề cá; kinh tế nông nghiệp. Với nghề cá và hậu cần nghề cá sẽ quyết liệt chỉ đạo nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt cho người dân phường Nghi Thủy; đồng thời khôi phục nghề biển ở 2 phường Nghi Tân, Nghi Hải lâu nay đã mai một thông qua tạo điều kiện để người dân tiếp cận về vốn, tổ chức các lớp đào tạo nghề, hình thành một lực lượng lao động thanh niên làm nghề biển ở Cửa Lò.
Đây là hướng phát triển bền vững, tạo sự ấm no cho người dân và thực tiễn 2 năm nay, ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân làm du lịch bị ảnh hưởng, nhưng hơn 2.800 lao động làm nghề cá và các dịch vụ nghề cá ở phường Nghi Thủy vẫn có thu nhập ổn định. Về kinh tế nông nghiệp ở Cửa Lò không đi theo sản lượng mà hướng sản xuất sạch, hữu cơ có giá trị kinh tế cao phục vụ du lịch thông qua liên kết với các doanh nghiệp, hộ gia đình để sản xuất.