Thưa ông, để phát triển kinh tế du lịch và các ngành dịch vụ, TP.HCM cần có những chính sách như thế nào để thu hút các nguồn lực và các nhà đầu tư?
– Tiến sĩ Trần Du Lịch: Kinh tế du lịch là một trong những ngành dịch vụ mà UBND thành phố chú trọng để tạo nên một diện mạo mới của bức tranh kinh tế thành phố. Thành phố có vị trí khá thuận lợi về đường hàng không, đường biển, giao thông cơ sở hạ tầng phát triển là một lợi thế.
Nhưng những lợi thế ấy biến thành động lực để phát triển kinh tế là một bước chuẩn bị, để có một chiến lược phát triển kinh tế trong tương lai. Thành phố cần phải tạo dựng thành trung tâm lưu chuyển khách trong khu vựcĐông Nam Á và trong cả nước, liên kết vùng và liên kết tỉnh, bởi vì du lịch không thể bó hẹp trong một địa phương, mà phải tạo nên sự tổng thể trong khu vực.
Một điều nữa cần phải làm là du lịch thành phố cần có sản phẩm du lịch độc đáo, để có thể bán sản phẩm. Trong những năm qua, các công ty lữ hành cũng như các cơ quan chức năng của thành phố đã làm rất tốt. Nhưng cũng cần tốt hơn nữa, tạo dựng hình ảnh trong mắt du khách, đó là tạo dựng hình ảnh nước Việt Nam. Bởi vì, du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ thì thành phố cần huy động các nguồn lực, giao thông, an ninh trật tự, an ninh môi trường, văn hóa ứng xử, và những động thái khác để tạo một ngành du lịch tốt hơn.
Còn về chính sách phát triển, ngoài việc cải cách hành chính, thành phố cần có những chính sách mở để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư các khu du lịch, các nhà hàng khách sạn lớn tại thành phố
Công tác quảng bá và phát triển du lịch của thành phố chưa được chú trọng đúng mức, vậy cần phải làm gì để công tác này đạt hiệu quả?
– Sở Du lịch thành phố đã kết hợp với các doanh nghiệp, tạo nên sự liên kết và đã tạo dựng hình ảnh du lịch thành phố. Tuy nhiên cần phải tuyên truyền cho người dân thành phố sống tốt hơn, mọi người ra đường không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, không níu kéo du khách. Những ứng xử không tốt như vậy sẽ làm xấu đi hình ảnh văn hóa của người Việt Nam, gây tác hại không nhỏ tới ngành du lịch nước nhà.
Một vấn đề khác là các doanh nghiệp phải biết tận dụng lợi thế của đất nước mình, như vừa qua Việt Nam gia nhập WTO, là một lợi thế. áo là thời cơ, điều kiện để chúng ta quảng bá du lịch thành phố, với những hình ảnh riêng và du lịch cả nước nói chung.
Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng đội ngũ nhân viên của mình chuyên nghiệp hơn, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo và vươn ra những thị trường rộng lớn. Cần có một chiến lược tổng thể, để mỗi địa phương có những điểm đặc trưng để phát triển du lịch. Phát triển du lịch đồng thời phải phát triển văn hóa giáo dục, giao thông vận tải cũng như các cơ sở hạ tầng khác.
Bên cạnh đó quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế để du khách biết đến Việt Nam như một điểm đến an toàn và thân thiện, con người Việt Nam hiền hòa và mến khách…
Theo: Hoàng Hùng (Thực hiện)