Ấn tượng những khúc hát về Cửa Lò

Đăng ngày 28/08/2024

Cửa Lò đón chào du khách không chỉ bằng dải cát dài phẳng lặng, hay những hay tiếng sóng vỗ bờ tung bọt trắng xóa, mà còn bằng vẻ đẹp của thời khắc ban mai, khi bình minh lên và mặt trời ló rạng…Mảnh đất này đã là nguồn cảm hứng cho nhiều thi sĩ, nhạc sĩ viết nên nhiều ca khúc da diết, lắng đọng.


Vùng đất thị xã biển xinh đẹp này còn có những con người hào sảng “ăn sóng nói gió” đầy nghĩa tình. Và nơi vùng biển đẹp đẽ ấy cũng là miền nhớ của những người con xa quê. Với Cửa Lò, đã có biết bao nhà thơ, nhạc sĩ gửi gắm tâm sự qua những thi phẩm, ca khúc, nhưng có lẽ ấn tượng nhiều hơn cả là chùm 5 ca khúc gồm: Nhịp cầu yêu thương, Chiều nghiêng Cửa Lò, Cùng hòa nhịp bay lên, Nhịp cầu Cửa bể, Cửa Hội quê tôi.

Điều đặc biệt là cả 5 ca khúc này đều được phổ thơ của nhà thơ Nguyên Hùng. “Chiều nghiêng Cửa Lò” nhạc Đặng Trung, “Cùng hòa nhịp bay lên” nhạc Võ Xuân Hùng, “Cửa Hội quê tôi” nhạc Đỗ Tiến Lập; “Nhịp cầu cửa bể” nhạc Đỗ Tiến Lập; “Nhịp cầu yêu thương” nhạc Phan Thanh Chương.

Nhà thơ Nguyên Hùng từng nói: “Cửa Lò đối với tôi không chỉ là một thị xã biển sôi động đẹp và nên thơ, mà còn là nơi tôi thấm được tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp”. Ông nói rằng, các nhạc sĩ đã lấy những tứ thơ đẹp nhất trong các bài thơ của ông về Cửa Lò để chắp cánh bằng những nốt nhạc trữ tình, hào sảng.

Bài hát “Chiều nghiêng Cửa Lò” thu hút nhiều lượt nghe trên mạng. Nguồn: CSCC

Chiều nghiêng Cửa Lò là bài thơ tả về cảnh đẹp lúc bóng hoàng hôn sắp buông trên mặt biển. Với những ráng chiều đỏ rực trên mặt biển yên bình đôi lứa sánh bước bên nhau hạnh phúc. Bức tranh tình yêu được đặt trong bối cảnh đó thật sự làm rúng động bao con tim và nhạc sĩ Đặng Trung đã viết nên ca khúc “Chiều nghiêng Cửa Lò” bằng một cảm xúc mộc mạc trong trẻo nhất, khi anh bắt gặp ý thơ của Nguyên Hùng. Tiếng hát của NSƯT Vũ Tiến Lâm như chắp cánh cho bài hát bay lên. Với quãng âm thanh rộng chắc khỏe nhưng không kém phần mượt mà sang trọng của Tiến Lâm đã khiến bài hát được chú ý ngay từ những nốt nhạc đầu tiên.

“Cùng hòa nhịp bay lên” được NSƯT Quế Thương thể hiện xuất sắc, nhiều người dân Cửa Lò rất xúc động khi nghe bài hát này. Nguồn: CSCC

Với ca khúc Cùng hòa nhịp bay lên, nhạc sĩ Võ Xuân Hùng cũng chọn giai điệu hòa thanh nhẹ nhàng giàu chất tự sự, thấp thoáng đâu đó làn điệu dân ca ví, giặm lúc ẩn lúc hiện khiến cho bài hát thêm phần thi vị, hấp dẫn người nghe. Người nghe thấy thấp thoáng đâu đây đôi bờ dòng Lam hiền hòa thơ mộng, dòng sông nơi cửa bể hiện lên thơ mộng trữ tình.

“Cùng hòa nhịp bay lên” nói lên tình cảm của tác giả với cây cầu bắc qua đôi bờ dòng Lam nơi cửa bể, cây cầu Cửa Hội vừa là điểm nhấn cho thị xã biển, là nơi hò hẹn lứa đôi, vừa là nơi giao thương kết nối, khiến cho bao người đi qua nơi đây đều vấn vương nhung nhớ. Với chất giọng tenno sáng và giàu cảm xúc, NSƯT Quế Thương trình bày trọn vẹn ca khúc với đầy đủ cung bậc tự hào thương nhớ. Chất giọng đẹp của cô cũng khiến bài hát được người nghe ngấm nhanh, tạo nên cho bài hát một sức sống mới mãnh liệt hơn, tươi vui hơn.

Nhà thơ Nguyên Hùng đặc biệt có duyên với những vần thơ về những cây cầu. Ông viết về cây cầu Cửa Hội với tình yêu đặc biệt dành cho dòng Lam nơi ngọn nguồn cửa bể. Ông nói: Cầu Cửa Hội hoàn thành được chúng tôi gọi là “biểu tượng Cửa Hội”, vì nhìn từ xa rất giống 2 ngọn đuốc rực sáng giữa dòng sông Lam, cũng phần nào tượng trưng cho tinh thần kiên cường, quật khởi, chịu khó vươn lên trong khó khăn, gian khổ bao đời nay của người dân ở mảnh đất Nghệ An, Hà Tĩnh”. Cầu không chỉ là biểu trưng cho chí khí của người Nghệ Tĩnh, mà còn là biểu tượng của nơi hẹn hò nơi để người đi xa thương nhớ, người ở lại tự hào.

Nhịp cầu cửa bể nói về cây cầu Cửa Hội biểu trưng tự hào của người dân nơi đây. Nguồn: CSCC

Với Nhịp cầu cửa bể cũng nói về cây cầu thương nhớ ấy của nhà thơ Nguyên Hùng, nhạc sĩ Đỗ Tiến Lộc lại dùng chất liệu dân gian đậm đặc hơn, những điệu ví, câu giặm phảng phất khiến người cảm giác gần gũi, bâng khuâng khi nhớ về dòng sông con đò xưa. Nếu như trong các bài thơ “Nhịp cầu yêu thương”, cùng hòa nhịp bay lên Nguyên Hùng tả thực cây cầu với tình quê tình người, thì trong ca khúc này ông lại đưa người nghe về những kỷ niệm cũ, hồi ức cũ, khiến dòng sông thơ mộng này một lần nữa lại đẹp đến nao lòng.

Cửa Hội quê tôi cũng được NSƯT Quế Thương thể hiện xuất sắc. Nguồn: CSCC

Với Cửa Hội quê tôi, nhạc sĩ Đỗ Tiến Lộc khắc sâu tình người, tình đất của con người Cửa Hội ăn sóng nói gió đầy chí khí nghĩa tình. Sau bao cách xa bao thăng trầm người con Cửa Hội lại về với biển, biển như lòng mẹ, biển như tình cha nuôi ta lớn tự bao đời. Và trong ca khúc này một lần nữa cầu Cửa Hội lại xuất hiện như một biểu trưng cao đẹp của người dân vùng cửa biển này. Cầu Cửa Hội ơi, ta đứng ngắm từ đây/ Để được thấy Hòn Mắt, Hòn Ngư xinh đẹp/Nhìn dòng cáp treo dập dềnh vượt biển/ đang kéo dài vươn tới khơi xa/Cho hôm nay Cửa Hội quê ta, vững niềm tin vươn lên từ Cửa biển.

Nhịp cầu yêu thương nhạc của Phan Thanh Chương thấm đẫm những giai điệu ví, giặm. Nguồn: CSCC

Nhịp cầu yêu thương được Phan Thanh Chương thả vào hồn thơ những nét nhạc duyên dáng, hòa quện với tiếng hát của NSƯT Quế Thương khiến người nghe có cảm giác say đắm đê mê. Bài hát có đoạn “Ngày xưa, chiều xưa giữa mịt mùng gió…, dòng sông mịt mờ xa cách, người yêu người không thể đến bên nhau… mà hôm nay đây đi giữa cây cầu mới anh xây/… cho lời ca bài ca về với Mai Trang, ra bến Giang Đình/ em khúc khích câu ví, giặm như gọi mời”. Ý thơ tuyệt đẹp này được nhạc sĩ Phan Thanh Chương sử dụng nhiều chất liệu ví, giặm khiến bài hát đi vào lòng người nghe một cách tự nhiên và neo đậu với họ bằng nối nhớ thương quê nhà, hay hồi ức tuổi thanh xuân rực rỡ.

Nhạc sĩ Phan Thanh Chương nói rằng: Khi gặp được ý thơ của Nguyên Hùng, ông thấy đây mới là bài thơ về con sông nơi cửa bể đẹp nhất, chất thơ có nhạc có cả bức tranh họa đồ, và ngay lập tức khuôn nhạc đã đến trong ông. Ông viết bài hát chỉ vỏn vẹn trong một ngày và hầu như không sửa nốt nào. “Tôi vô cùng tâm đắc với bản phối khí này và cho rằng đây chính là bài viết về thị xã biển đi vào lòng người, neo đậu trong lòng khán thính giả bởi chất mộc mạc chân tình như chính con người nơi đây” – ông nói.

Cửa Lò không chỉ là niềm nhớ của những người con xa quê, mà đó cũng là niềm tự hào của những người đang được sống nơi vùng biển xinh đẹp này. Bởi thế, không chỉ có những ca khúc được phổ thơ của nhà thơ Nguyên Hùng được nhiều người lắng nghe đón đợi, mà còn có nhiều bài hát được phổ thơ rất hay như chùm ca khúc của nhạc sĩ Lê An Tuyên “Cửa Lò tình yêu và nỗi nhớ”, “Về Cửa Lò cùng em” (phổ thơ Xuân Việt) và “Hương cúc biển” (phổ thơ Trần Tiến Dũng). Hay nhạc sĩ Mạnh Chiến cũng vừa cho ra mắt ca khúc “Hương sắc biển Cửa Lò” cũng ngay lập tức gây được tiếng vang lớn.

Nguồn: Thanh Nga- Báo Nghệ An