Tổng cục Du lịch tổng hợp về lượng khách đi lại dịp 2/9. Do kỳ nghỉ lễ sát ngày khai giảng năm học mới nên du khách có xu hướng lựa chọn những điểm đến gần nhà, chủ yếu đi theo nhóm gia đình, bạn bè. Khách phía Nam thích du lịch tại: Vũng Tàu, Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng…; du khách phía Bắc chọn: Ninh Bình, Pù Luông (Thanh Hóa), SaPa (Lào Cai), Mù Căng Chải, Tú Lệ (Yên Bái), Hà Giang…
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, hầu hết các tỉnh/thành phố đều cơ bản đạt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch so với cùng kỳ những năm trước, đặc biệt có những địa phương tăng gấp 3, 4 lần. Một số địa bàn du lịch trọng điểm có lượng khách đông như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Kiên Giang, Lâm Đồng…
Nhiều sự kiện lễ hội thu hút du khách.
Tổng lượng khách tham quan TP. Hồ Chí Minh đạt 920.000 lượt, trong đó có 130.000 lượt khách lưu trú; công suất cơ sở lưu trú du lịch đạt hơn 75%. Trong 4 ngày nghỉ lễ, Hà Nội đón 422.700 lượt khách, công suất buồng phòng đạt 40,2%.
Tổng lượng khách tham quan, vui chơi tại các khu điểm du lịch tại Đà Nẵng trong 4 ngày nghỉ lễ ước đạt hơn 219.000 lượt, tăng 38,1% so với năm 2019. Tổng số khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ước đạt 157.143 lượt, trong đó khách lưu trú đạt 53.391 lượt, tăng nhẹ so với ngày thường. Lâm Đồng cũng đón khoảng 85 nghìn lượt.
Quảng Trị ghi nhận lượng khách tăng mạnh.
Quảng Trị cũng ghi nhận lượng khách tăng mạnh, đặc biệt là khách từ thị trường miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Khách tham quan nội tỉnh đến các khu, điểm du lịch sinh thái miền Tây Hướng Hoá, Quảng Trị và các bãi biển tăng mạnh, ước tăng 200% so với năm ngoái.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhận định, nhờ sự chủ động chuẩn bị và tổ chức nhiều sự kiện có quy mô lớn của các địa phương, trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, cung cấp nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của các doanh nghiệp đã thu hút số lượng đông đảo du khách, thúc đẩy hoạt động du lịch sôi nổi, bùng nổ. Tuy nhiên, do lượng khách đông nên tình trạng ùn, tắc cục bộ trên các tuyến đường tới khu, điểm du lịch chưa được cải thiện.
Do năm nay chủ yếu khách lựa chọn các điểm tham quan, nghỉ dưỡng gần, tự di chuyển bằng xe cá nhân nên số lượng xe lưu thông tăng đột biến, tình hình thời tiết có mưa giông nhiều nơi khiến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vẫn xảy ra (TP.HCM, các tỉnh miền Tây). Trong những ngày nghỉ lễ, thời tiết tại một số địa phương trọng điểm du lịch không ủng hộ (tại Đà Lạt, Lâm Đồng mưa lớn) khiến tình trạng ngập, úng cục bộ xảy ra, ảnh hưởng tới lịch trình và các hoạt động du lịch. Lượng khách du lịch tới Đà Lạt, Lâm Đồng cũng bị ảnh hưởng, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.
Khách quốc tế tăng mạnh
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch tăng mạnh là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound của Việt Nam từ tháng 10 tới: Hà Nội đón hơn 22.700 lượt khách quốc tế; TP.HCM đón 32.484 lượt; Đà Nẵng đón 16.800 lượt khách quốc tế… Chủ yếu là khách mang các quốc tịch như: Âu, Mỹ và Úc, với thời gian lưu trú khoảng 5 đêm. Sản phẩm du lịch được du khách ưa chuộng hơn cả là du thuyền trên sông, vịnh và các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển.
Ngoài các điểm đến trong nước, các tua du lịch nước ngoài đã dần sôi động trở lại sau dịch COVID-19. Singapore, Malaysia, Indonesia, Lào, Thái Lan… vẫn là các điểm đến được du khách Việt Nam lựa chọn hàng đầu với mức giá khá hợp lý, từ 8-10 triệu đồng/người.
Ở trong nước, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, các khu, điểm du lịch đã trở lại hoạt động sôi nổi, sẵn sàng đón lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa.
Nguồn Báo Tiền Phong