“Mở cửa” đón gió biển
Gần 1 tuần kể từ khi chính thức mở cửa hoạt động du lịch và đón khách quốc tế trong điều kiện “bình thường mới” (từ 15/3), các khu, điểm du lịch ở Nghệ An đẩy nhanh quá trình nâng cấp, chỉnh trang sẵn sàng đón, phục vụ khách trong những ngày sắp tới. Các điểm du lịch biển, du lịch sinh thái và cộng đồng đều đang náo nức chờ đợi sự trở lại của du khách.
Các di tích lịch sử quốc gia như Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương) và các di tích lịch sử cách mạng lâu nay vẫn hoạt động bình thường. Khi thực hiện mở cửa hoạt động du lịch, các điểm đến này luôn ở tư thế sẵn sàng vì nguồn nhân lực ổn định, hệ thống cơ sở vật chất luôn được bảo vệ, tôn tạo và nâng cấp.
Thị xã Cửa Lò là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh Nghệ An, là địa phương đóng góp lớn nhất về doanh thu du lịch. Sau hai năm gần như “nằm im” vì đại dịch Covid-19, những ngày này phố biển như đang “trở mình” thức giấc, chuẩn bị cho Lễ hội Du lịch diễn ra từ 9/4 sắp tới.
Hiện công tác chỉnh trang đường phố, lắp đặt trang thiết bị, nâng cấp cơ sở lưu trú và các cơ sở kinh doanh dịch vụ gần như đã hoàn tất, phố biển Cửa Lò đã thực sự đã được trang hoàng, chỉ chờ bước chân của du khách đến với miền quê “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”.
Theo ông Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, mùa du lịch năm nay Cửa Lò có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Trước tiên là đổi mới về tổ chức Lễ hội Du lịch, Lễ hội khai trương sẽ diễn ra vào đêm 9/4 và kéo dài đến dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 với các hoạt động phong phú, đa dạng.
Thị xã xác định 5 nhóm hoạt động trọng tâm gồm: Tổ chức văn hóa ẩm thực, các loại hình âm nhạc, hội chợ, hội thi và các hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng như Chương trình “Về miền Ví, Giặm”, Âm nhạc đường phố được tổ chức vào các buổi tối cuối tuần. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận chuyển, vui chơi giải trí, thông tin hướng dẫn để phục vụ khách tốt nhất.
“Với tinh thần chủ động, đổi mới và những chủ trương mới, cách làm mới, sản phẩm mới, quyết tâm cao, thị xã Cửa đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa du lịch năm 2022. Đổi mới và nâng cao chất lượng để cạnh tranh là hướng đi của khu du lịch biển Cửa Lò, hướng tới mục tiêu từng bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, góp phần vào thành công chung của ngành Du lịch Nghệ An”.- Ông Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò
Cùng với thị xã Cửa Lò, các điểm du lịch biển ở thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Nghi Lộc cũng đang đẩy nhanh quá trình chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để phục vụ du khách đến “giải nhiệt” trong mùa nắng nóng sắp tới.
Hấp dẫn những điểm đến, sản phẩm mới
Xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch sẽ thay đổi, du khách sẽ đi thành từng nhóm nhỏ, tập trung theo nhóm gia đình, bạn bè hoặc cơ quan, đơn vị. Các chuyến đi sẽ ngắn ngày hơn, hướng về các di sản văn hóa, thiên nhiên, tránh những tụ điểm đông người.
Nắm bắt xu hướng này, ngành Du lịch Nghệ An đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp nên các huyện miền Tây sẽ là địa bàn trọng điểm để phát triển và thu hút du khách. Hiện các khu, điểm du lịch ở miền Tây đã cơ bản hoàn tất việc chỉnh trang, nâng cấp các hạng mục cần thiết; chính quyền địa phương đã bám sát chủ trương, tích cực phối hợp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Nổi bật là Khu du lịch sinh thái Phà Lài (Con Cuông) đã quy hoạch bài bản và gần đây đã đón, phục vụ một số đoàn khách đến chèo thuyền khám phá vẻ đẹp sông Giăng, đại ngàn Pù Mát; lên tận đầu nguồn trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Đan Lai. Các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn Con Cuông như bản Xiềng (Môn Sơn), bản Nưa (Yên Khê) và Khe Rạn (Bồng Khê) cũng đã được đầu tư xây dựng các hạng mục nhằm phục vụ khách du lịch tốt hơn.
Với huyện Tương Dương, khu rừng săng lẻ nguyên sinh được đánh giá đẹp nhất Đông Dương bước đầu đã được xây dựng điểm dừng nghỉ với khu nhà giới thiệu sản phẩm truyền thống, điểm ngắm cảnh, check-in và tuyến đường đi bộ leo núi khám phá nếu du khách có nhu cầu. Cách rừng săng lẻ không xa là điểm du lịch cộng đồng bản Quang Phúc (Tam Đình) đã sẵn sàng đón, phục vụ du khách có nhu cầu khám phá, trải nghiệm đời sống văn hóa dân tộc Thái.
Đặc biệt, những khu, điểm và sản phẩm du lịch mới được xây dựng ở miền Tây Nghệ An đã bắt đầu hút khách như sản phẩm Khám phá đỉnh Puxailaileng và Mường Lống (Kỳ Sơn). Ở đây ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị quân đội và lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn trong việc đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ khách du lịch. Nhờ đó, dù ở xa nhưng vẫn nhiều du khách đến với vùng biên cương đất Nghệ.
Ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Ngay từ khi có chủ trương mở cửa hoạt động du lịch, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã đẩy mạnh công tác phối hợp, tạo điều kiện đón tiếp và phục vụ du khách. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển ở các xã Na Ngoi, Mường Lống và Mỹ Lý”.
Cùng với đó là các điểm đến mới được hình thành như Farmstay Nhật Minh, Homestay Cọ Muồng và Homestay Lâm Khang (Quế Phong), Khu du lịch sinh thái Hòn Mát (Nghĩa Đàn)… gần đây cũng đã đón một lượng khách đáng kể. Các điểm đến này hấp dẫn khách du lịch ở sự mới lạ, vẻ đẹp phong cảnh non nước hữu tình, dịch vụ khá đa dạng và có sự gắn kết giữa các điểm đến.
“Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tổ chức thực hiện hiệu quả, an toàn, khoa học và đem lại những kết quả cao nhất trong quá trình mở cửa hoạt động du lịch. Điều này đòi hỏi sự chung tay, phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các khu, điểm du lịch”.- Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An