Nghệ An sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại

Đăng ngày 17/03/2022

(Baonghean.vn) – Thực hiện phương án mở cửa trở lại để đón khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022, Nghệ An đã sẵn sàng các phương án và cơ sở vật chất để đảm bảo nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng cho du khách.

SẴN SÀNG ĐÓN KHÁCH

Từ ngày 15/3/2022, hoạt động du lịch nội địa và triển khai đón khách du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển sẽ được thực hiện trở lại đối với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Việc đón khách được thực hiện theo đúng quy định nhằm bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Lê Thành Đô – Trưởng phòng VH-TT huyện Con Cuông cho biết, tính đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, điểm nghỉ dưỡng, tham quan để phục vụ cho khách du lịch trong nước nói chung và khách quốc tế nói riêng đã được hoàn tất. Trước thời điểm mở cửa đón khách quốc tế trở lại, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị, các điểm du lịch cộng đồng dọn dẹp vệ sinh, sửa sang lại không gian cảnh quan.

Hiện tại trên địa bàn Con Cuông có 3 thôn, bản đã được công nhận là điểm du lịch cộng đồng, bao gồm bản Nưa, xã Yên Khê có 3 homestay, bản Xiềng, xã Môn Sơn có 3 homestay và bản Khe Rạn, xã Bồng Khê có 6 homestay, cũng đều đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế.

Ông Lê Thành Đô – Trưởng phòng VH-TT huyện Con Cuông

Các tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông sẵn sàng đón tiếp khi khách du lịch quốc tế tới thăm. Ảnh: T.Đ

Tại TX.Cửa Lò sau một thời gian bị đình trệ, hiện nay địa phương này cũng đã sẵn sàng phương án khôi phục lại hoạt động du lịch. Đặc biệt, năm nay, Lễ hội du lịch Cửa Lò sẽ được triển khai sớm hơn, bắt đầu từ ngày 9/4 (tức ngày 9/3 âm lịch), và sẽ kéo dài trong vòng 1 tuần, trùng vào dịp nghĩ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương.

Ông Võ Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND TX.Cửa Lò cho biết: Hiện tại thị xã đã bố trí lại các điểm ăn sáng, bán hàng lưu niệm, nước giải khát… đảm bảo mỹ quan đô thị. Đồng thời quy định về giờ bán và giờ thu dọn, vệ sinh môi trường, không để tình trạng sử dụng các điểm kinh doanh để ở và sinh hoạt; hết thời gian du lịch phải tháo dỡ và vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, còn hoàn thiện khu ẩm thực ven sông Lam, khu ẩm thực phường Nghi Hòa, Nghi Thủy để tạo thêm điểm đến giữ chân du khách, đảm bảo không gian vui chơi, giải trí cho du khách trong thời gian lưu trú trên địa bàn.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 885 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 20.000 phòng, trong đó, có 3 khách sạn 5 sao, 8 khách sạn 4 sao, 18 khách sạn 3 sao. Sau một thời gian dài bị gián đoạn do dịch Covid-19, hệ thống cơ sở hạ tầng, các điểm đến và sản phẩm du lịch trên địa bàn đã được sắp xếp, sửa sang lại để nhằm phục vụ cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.

Khách du lịch quốc tế thăm cánh đồng hoa hướng dương tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Quang Dũng

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách trở lại, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Sở đã phối hợp với các huyện, thành, thị đề xuất các dự án hạ tầng du lịch từ nguồn đầu tư công cũng như danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2.

Dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của ngành, tuy nhiên, khoảng thời gian đó cũng đã giúp ngành Du lịch nhìn nhận lại những ưu điểm, hạn chế, đồng thời tìm tòi, khám phá, sáng tạo ra những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn đối với du khách.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An

Du khách Nhật Bản trải nghiệm dệt thổ cẩm tại miền Tây Nghệ An. Ảnh: tư liệu

Đặc biệt, trước thời điểm mở cửa trở lại, ngành Du lịch Nghệ An phối hợp với các chuyên gia du lịch hoàn thành việc khảo sát, hoàn thiện sản phẩm du lịch mới mạo hiểm “Chinh phục đỉnh Puxailaileng”, du lịch sinh thái trải nghiệm “Chèo thuyền kayak – đi bộ, leo núi (trekking) – đạp xe địa hình leo núi (mountain bikking)” từ Phà Lài, bản Xiềng đi bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông; xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu… và các sản phẩm du lịch trải nghiệm vườn hoa tại các huyện miền Tây Nghệ An.

Mới đây, vào ngày 27/2, Nghệ An cũng đã đăng cai tổ chức Hội nghị kích cầu du lịch năm 2022, tại đây ngành Du lịch Nghệ An đã giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch Xuân, Hè năm 2022; giới thiệu Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Nghệ An và các chương trình, chính sách kích cầu du lịch năm 2022. Cũng tại hội nghị này, CLB UNESCO Hà Nội đã phát động Chương trình “Trở lại Bắc Trung Bộ 2022” và công bố tour canavan “Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An”.
Ký kết hợp tác chương trình trở lại Bắc Trung Bộ tại Hội nghị kích cầu du lịch năm 2022. Ảnh: tư liệu

ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Trước thách thức của việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại dù dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như người dân địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch và đón khách du lịch quốc tế đến Nghệ An.

Theo đó, khách du lịch khi nhập, xuất cảnh thông qua các cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường sắt phải tuân thủ các quy định an toàn theo cấp độ dịch của Việt Nam và của Nghệ An tại thời điểm thực hiện chuyến đi.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn theo các hướng dẫn của ngành Du lịch và ngành Y tế địa phương. Chuẩn bị các điều kiện đón, phục vụ khách du lịch an toàn, dự phòng phương án sẵn sàng xử lý sự cố, có biện pháp hỗ trợ khách du lịch, bố trí phòng cách ly đối với du khách nhiễm bệnh tại cơ sở lưu trú theo quy định.

Người dân tại khu vực miền núi phía Tây Nghệ An đã sẵn sàng để đón khách du lịch quốc tế. Ảnh: Tiến Đông

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, hỗ trợ khách du lịch kiểm tra y tế sau khi nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo khoa học, nhanh chóng, thuận lợi. Phổ biến, quán triệt, hướng dẫn người lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của ngành Du lịch, ngành Y tế và các cơ quan chức năng. Bảo đảm chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ; đầu tư cải thiện, nâng cấp các khu vực xuống cấp; tăng cường, mở rộng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ phục vụ khách, đáp ứng yêu cầu theo các điều kiện và tiêu chuẩn hiện hành. Chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ kịp thời đáp ứng mở cửa lại hoạt động du lịch.

Ngày 15/3, Bộ Y tế đã có Công văn 1265/BYT-DP về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh. Theo đó, đối với người nhập cảnh cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp test nhanh được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm chứng nhận.
Riêng đối với các trường hợp nhập cảnh bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt nếu chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì phải thực hiện xét nghiệm kể từ khi nhập cảnh.
Công văn này cũng yêu cầu người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, đồng thời theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng bệnh Covid-19 theo quy định hiện hành.
Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Cũng trong ngày 15/3, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Phương án số 829/PA-BVHTTDL về việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, ngoài các yêu cầu về công tác phòng dịch và đảm bảo các điều kiện về xuất, nhập cảnh thì Bộ VH-TT&DL yêu cầu khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.