Thực tế trong nhiều năm qua ngành dulịch đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinhtế, cơ cấu hạ tầng của thị xã Cửa Lò, cải thiện đời sốngngười dân, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động…Công tác hỗ trợ phát triển ngành du lịch – công nghiệp không khói theo theo đó cũng rất được Cửa Lò quan tâm đầu tư. Trong đó vấn đề vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan du lịch luôn là mối quan tâm hàng đầu của TX trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch biển bền vững.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng các công trình xây dựng của Nhà nước và tư nhân trên địa bàn Cửa Lò khá nhiều, đồng nghĩa với lượng rác thải xây dựng rất lớn. Và Cửa Lò cũng đang ngày càng thu hút đông đảo du khách tìm đến lưu trú và nghỉ dưỡng (nếu như năm 2007, Cửa Lò mới chỉ đón được 1,3 triệu khách thì năm 2016 đã đón trên 1,6 triệu khách du lịch, đặc biệt trong năm 2015 đón trên 2,4 triệu lượt), do vậy, lượng rác thải sinh hoạt từ các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ du lịch ngày càng lớn. Điều này tạo sức ép rất lớn lên môi trường thị xã, bởi nếu không sẽ gây ra hình ảnh phản cảm cho du khách, “đe dọa” đến thương hiệu, hình ảnh của du lịch Cửa Lò.
Nhận thức mối lo trước mắt để chủ động cho lâu dài, đề án bảo vệ môi trường do UBND Thị xã Cửa Lò phê duyệt được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, đồng thời còn quy định thêm chủ trương “5 không” trong đó có tiêu chí “không làm tổn hại đến cảnh quan, môi trường”. UBND thị xã cũng ban hành quy định về quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Theo đó, 7/7 phường trong toàn thị xã cũng đã xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, trong đó đặt ra yêu cầu riêng cho từng khu vực.
Xác định rõ việc giữ gìn môi trường du lịch chính là giữ gìn sự phát triển bền vững của thị xã. Với mục tiêu này, bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm chung và cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Bên cạnh duy trì công tác vệ sinh môi trường thường xuyên, hàng năm cứ vào mùa du lịch, Thị xã Cửa Lò đã phát động tất cả cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường trên toàn thị xã, nhất là khu lâm viên bãi tắm.
Bên cạnh quy hoạch, bố trí các điểm tập kết rác, giao thời gian cho các nhà hàng, khách sạn tập trung rác thải để thu gom, chính quyền các địa phương đã tổ chức tuyên truyền và giao trách nhiệm cho các hộ kinh doanh đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực kinh doanh và bãi tắm trước địa điểm kinh doanh, tự giác trồng cây xanh đảm bảo các tiêu chí về môi trường.
Đầu tư xây dựng các thùng rác mini theo mô hình thùng rác trang trí để tạo thuận tiện cho du khách bỏ rác, thành lập 71 tổ thu gom rác trên toàn địa bàn. Theo đó việc thu gom, vận chuyển xử lý hết rác thải và duy trì vệ sinh sạch đẹp các tuyến đường, ngõ xóm, khu dân cư là nhiệm vụ chính và thường xuyên của công nhân viên công ty cổ phần du lịch môi trường TX Cửa Lò. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TX Cửa Lò.
Hàng năm, ngân sách của Thị xã đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường hàng chục tỷ đồng phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý hàng chục ngàn m3 rác thải sinh hoạt. Tổ chức cho các đơn vị kinh doanh trên địa bàn lập đề án, bản cam kết bảo vệ môi trường nhằm tổ chức và quản lý tốt hơn việc bảo vệ môi trường ở các cơ sở, nhà hàng, khách sạn. Hiện tại trên địa bàn Thị xã đã đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải toàn thị xã do Vương quốc Bỉ tài trợ với tổng số tiền trên 495 tỷ đồng; triển khai xây dựng dự án mương tiêu nước dọc đường số III với số vốn trên 100 tỷ đồng nhằm chống ngập nước cho khu dân cư, khu du lịch…
Là một thị xã du lịch, từ những ngày đầu thành lập, Đảng bộ, chính quyền Cửa Lò đã nhận thức rất rõ việc tạo ra cảnh quan môi trường phục vụ du lịch là nhiệm vụ “sống còn” của thị xã. Chính vì vậy, sau mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ Thị xã Cửa Lò, UBND thị xã đều ban hành đề án bảo vệ môi trường cho từng giai đoạn cụ thể, trong đó có nhiệm vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ hệ thống cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ”. Đồng thời có nhiều cơ chế quản lý và chính sách đi kèm, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị được ban hành, trong đó đặt ra nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cây phi lao dọc bờ biển phía Nam và Bắc thị xã để vừa phục vụ cho công tác phòng hộ ven biển, vừa giữ gìn cây đặc trưng vùng bãi biển.
Đặc biệt, hiện nay Cửa Lò đang tích cực lập phương án đánh số và lắp đặt biển số cho cây xanh bóng mát ở 3 tuyến đường đô thị đó là đường Bình Minh, đường Sào Nam và đường Nguyễn Sinh Cung; đồng thời quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở trồng mới cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ cây xanh, thảm cỏ và hoa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch biển.
Đảng bộ, chính quyền Thị xã Cửa Lò cũng đã chỉ đạo kiên quyết để đảm bảo diện tích xây dựng 70% và dành 30% diện tích cho cây xanh, thảm cỏ ngay trong các cơ quan công sở, nhà chung cư, khách sạn, nhà nghỉ và hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn thị xã.
Trên các trục đường nội thị, các công viên, những cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ được chăm chút cầu kỳ, để lại rất nhiều ấn tượng cho du khách. Hiện tại, Cửa Lò duy trì trên 10 km rừng phòng hộ; quản lý, chăm sóc và bảo vệ gần 8,7 ngàn cây xanh bóng mát trên lâm viên phía đông đường Bình Minh và các trục đường nội thị; gần 6,8 ngàn cây cảnh các loại; trên 122,7 m2 diện tích thảm cỏ; trên 24,4 ngàn m2 diện tích thảm hoa và gần 7,8 ngàn m2 diện tích cây viền các loại.
Để tạo một trường xanh bền vững, hàng năm Thị xã Cửa Lò đều duy trì đều đặn phong trào trồng cây đầu xuân nhằm bổ sung cây xanh hàng năm cho thị xã. Việc trồng và bảo vệ cây xanh đảm bảo tỷ lệ phủ xanh khoảng 30 – 40%, Cửa Lò không chỉ thể hiện vai trò tích cực trong việc chống lại biến đổi khí hậu, tạo vành đai xanh phòng hộ ven biển mà Cửa Lò đã tạo ra một lá phổi xanh khổng lồ, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân và “hút” khách tham quan, nghỉ dưỡng về với Cửa Lò ngày một nhiều hơn. Chính vì vậy mà cảnh quan môi trường ở khu du lịch biển Cửa Lò luôn xanh- sạch đẹp, được du khách đánh giá cao.
Với những kết quả trên đã góp phần đưa TX Cửa Lò trở thành đô thị du lịch biển đầu tiên trong cả nước. Và có thể nói, công tác bảo vệ môi trường đã, đang và tiếp tục được Thị xã Cửa Lò kiên trì thực hiện.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường, trước hết cần phải thấy rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể là rất cần thiết; Từ đó phải đồng thời tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra môi trường… Mở các lớp tập huấn phổ biến Luật Du lịch, Luật Môi trường và các Nghị định hướng dẫn cho cộng đồng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi biển. Mở rộng diện tích cây xanh, thảm thực vật vùng ven biển. Có quy chế quản lý riêng quy định về kiến trúc, diện tích khuôn viên, thảm thực vật… đối với các khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch biển. Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phẩm du lịch biển hấp dẫn, thân thiện môi trường để đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững./.
Thanh Bình