Tính độc đáo của Quyết định này là ở chổ trong lúc hầu như phần lớn các nước trên thế giới chưa hề quan tâm đến vấn đề dân số, đến yếu tố dân số trong phát triển, thì Việt nam, một nước vừa trải qua 9 năm chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh và đang chung sức xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, đồng thời chi viện cho miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để thống nhất đất nước, lại đặt vấn đề điều chỉnh việc sinh đẻ, hay nói một cách rộng hơn, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cho tương lai trước mắt và lâu dài.
Một đặc điểm nổi bật của Quyết định 216-CP là tính nhân văn và tính nhân bản của văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đó là trong Điều 1 của Quyết định trên đã khẳng định: “ Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”.Tính nhân văn thể hiện rất rõ ở chỗ mục tiêu hàng đầu được nhấn mạnh tới không chỉ là những yếu tố về số lượng, mà là những yếu tố về chất lượng như sức khỏe người mẹ, việc nuôi dạy con cái… Đáng lưu ý, văn bản trên còn nhấn mạnh tới quan hệ qua lại giữa việc sinh con đẻ cái với hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, với hàm ý rằng số con trong mỗi gia đình phải phù hợp với điều kiện sức khỏe, điều kiện kinh tế, khả năng chăm sóc và nuôi dạy thì gia đình mới hòa thuận, mới hạnh phúc.
Điều 3 của Quyết định 216-Cp nêu rõ: “Các đoàn thể quần chúng: Hội LHPN, Đoàn thanh niên Lao động, Tổng Công đoàn và Bộ Y tế sẽ cùng nhau thảo luận chương trình hoạt động nhằm thực hiện tốt đẹp chủ trương trên” Như vậy, ngay từ thủa ban đầu của Chương trình, tính xã hội hóa đã được nhấn mạnh.
Từ văn bản đầu tiên, Quyết định 216-CP ngày 26/12/1961, đến các văn bản mang tính toàn diện hơn: Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV BCH TW Đảng Cộng sản Việt nam khóa VII ngày 14/01/1993, Chiến lược Dân số Việt nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22 tháng 12 năm 2000 , Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của BCH TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ, Pháp lệnh Dân số, sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số, Nghị định 104, Kết luận 44KL/TW của Bộ chính trị…Đây là cả một quá trình phấn đấu gian khổ và bền bỉ của nhân dân ta trong lĩnh vực Dân số-KHHGĐ-CSSKSS dưói sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước.
Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam năm 2010 với chủ đề là: “Kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh-Trách nhiệm của chúng ta” với ý nghĩa là Tập trung phân tích nguyên nhân và hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và những biện pháp, việc làm cụ thể mà các cấp, các ngành, mọi tổ chức, cộng đồng và cá nhân cần thực hiện trong việc kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Cần tiếp tục động viên khuyến khích tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, nhất là đối với cán bộ DS-KHHGĐ cơ sở, tiếp tục huy động các cấp các ngành và toàn xã hội tham gia các hoạt động chương trình DS-KHHGĐ, cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan về Dân số-KHHGĐ cho các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng và nhân dân thấy được những thành tựu đạt được trong những năm qua cũng như thách thức của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực tham gia thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.
Chương trình dân số đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng, các mô hình về nâng cao chất lượng dân số đang được triển khai hoat động có hiệu quả càng minh chứng cho việc chúng ta đang chuyển dần từ những mục tiêu thuần túy về DS-KHHGĐ sang những mục tiêu rộng hơn về dân số – phát triển và chất lượng cuộc sống./.
Theo: Hoàng Phương(GĐ Trung tâm DS-KHHGĐ Cửa Lò)