Nói là 25 năm thành lập nhưng Cửa Lò đã tồn tại hàng trăm năm lịch sử với nhiều dấu tích, nhiều sự kiện và con người được ghi danh vào sử sách. 25 năm bao sự đổi thay đi kèm song cái hồn và những nét thăng trầm của một vùng biển quê mặn mòi sóng gió thì vẫn còn đó, trong âm hưởng những tiếng sóng vỗ hay bản nhạc cất lên đưa ta về Cửa Lò trong những ngày xưa cũ.
Về Vạn Lộc – Về với cội nguồn
Cảm giác lắng đọng, xưa cũ, tha thiết nhưng rất riêng sẽ tràn về trong lòng mỗi chúng ta khi trở về vùng đất Cù Lao Vạn Lộc, nơi từng biết đến là đại danh thắng địa linh nhân kiệt, nơi có ngôi đền linh thiêng là điểm tựa tâm linh cho người dân Cửa Lò.
Đền Vạn Lộc thờ thái úy quận công Nguyễn Sư Hồi, người có công to lớn khai cơ lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc xưa. Đền hướng mặt ra phía bắc, soi bóng xuống dòng sông Cấm, 3 bề 4 bên là núi non sơn thủy hữu tình.
Vạn Lộc là tên chữ của làng do Thái úy quận công Nguyễn Sư Hồi đặt với ý nghĩa lớn lao là mong muốn cho “muôn lộc đổ về vùng đất này”. Đúng với cái tên ấy, ngày nay nhờ ngài phù hộ, chở che mà con dân đã biết vươn mình làm giàu, biến một vùng đất hoang sơ thành trù phú, giàu giá trị truyền thống văn hóa đặc thù của người xứ Nghệ. Lễ hội làng Vạn Lộc trở thành một tên gọi thân thuộc mà người Cửa Lò ai cũng biết, đó chính là nết làng, là nét sinh sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây.
Một làng chài ven biển vươn mình đổi khác
Ngày ấy với những con thuyền, chiếc thúng nhỏ bé, đơn sơ, người đi biển đồng hành cùng nó giữa muôn trùng khơi xa. Cái đói, cái nghèo đã thôi thúc những trai làng ra khơi chinh chiến cùng biển cả.
Quê nghèo còn tạm bợ những mái nhà thấp nhỏ nằm sâu trong những con ngõ hun hút, chật chội. Bên thềm nhà, người đàn bà nhỏ bé đang cặm cụi khâu lại những mảnh lưới, người con trai phụ chẻ những thanh tre nứa ra cho đều nhau để buộc vào tấm lưới đan thành những chiếc xìa để phơi cá, những chiếc múng đi biển thì dùng nhựa đường nấu rồi bôi lên bịt kín những lỗ thủng. Giữa mênh mông biển trời nắng cháy, công cụ thô sơ nên bao vất vả cứ đè lên sức người. Kéo những mé lưới cũng đổ bao nhiêu mồ hôi, xương máu. Thuở trước, những ngư dân cùng chiếc múng chèo mỏng manh lênh đênh trên sóng nước giăng lưới, buông câu góp nhặt cá tôm. Mắt họ dõi theo con sóng bạc đầu, những vầng mây trắng pha sắc hồng cùng những cánh chim lướt gió để dò đoán bão giông. Nghề đi biển cũng chỉ đủ ăn vào những ngày trời yên biển lặng, còn những hôm “trời động” mưa gió phải tạm ở nhà với những lo toan miếng cơm cho ngày đông gió rét.
Quê xưa cũ, có những trai tráng với ước mong thoát nghèo, thoát ly khỏi nghề đi biển cực nhọc đã lên đường vào tận miền nam xa xôi lập nghiệp để thêm tiền trang trải cho gia đình.
Ngó từ bến lạch cạn, nơi những con thuyền neo đậu sau mỗi hành trình đi biển. Ta lại mừng vui vì một làng chài bây giờ đã khác. Những mái ngói đỏ tươi, những ngôi nhà cao tầng, những người phụ nữ chẳng còn quần ống cao ống thấp, mang vẻ mặt khắc khổ cũ kỹ mà bây giờ dường như họ trẻ hóa trở lại bởi một lý do là kinh tế giờ đã khác, họ đã có của ăn của để, có thời gian chăm sóc cho bản thân mình.
Nghề đi biển vẫn cuốn hút bao người gắn bó bởi đó chính là cái hồn quê thân thuộc, yêu biển như yêu lời ru câu ca trên nôi của mẹ, gắn bó thân thuộc với những âm thanh lao xao mỗi sáng mai thuyền về, hay yêu tha thiết cái mùi tanh nồng từ biển.
Hôm nay, ngư dân dám nghĩ dám làm hơn, những con tàu công suất lớn được thay dần những con thuyền nhỏ. Được sự quan tâm của Chính phủ, của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ vay vốn, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm tàu lớn, học tập thêm nhiều phương pháp đánh bắt, vận hành máy móc nên năng suất ngày càng cao. Trước đây, người dân vẫn giữ nghề truyền thống đi vây mực, vây cá, manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm thì bây giờ đã biết hợp sức người sức của đến khơi xa để “săn” nguồn hải sản có giá trị cao hơn.
Từ nghề cá kéo theo nghề dịch vụ, thương mại phát triển. Chính quyền đã nâng cấp, sửa chữa mở mang cảng cá thuận lợi cho thuyền neo đậu, tránh trú bão. Các khu chợ dần sớm được quy hoạch và đưa vào sử dụng như chợ đêm ở Nghi Thủy, Nghi Thu….
Lao xao chợ bến cá sáng mai người mua kẻ bán. Vào mùa du lịch, chợ cá trở thành nơi mua bán rộn rã của người dân và du khách về nghỉ mát tại Cửa Lò. Không khí vui tươi, phấn khởi sau chuyến đi biển bội thu đã hiện rõ trên khuôn mặt hồ hởi của những người đàn ông làng chài. Cùng với vẻ đẹp hiếm có của bãi biển nơi đây thì các loại hải sản đang trở thành một thương hiệu thu hút du khách của thị xã du lịch Cửa Lò.
Những ngư dân ở thị xã du lịch biển này đang hàng ngày bám biển đảo quê hương vừa để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vừa để mang về những sản phẩm thu hút du khách, góp phần đẩy mạnh sự phát triển du lịch.
Không còn hình ảnh một làng chài nghèo, đơn sơ. Thay vào đó là sự phồn thịnh, sầm uất, tấp nập, đông vui..
Một bãi biển đẹp, nên thơ, đầy cảm xúc
Cửa Lò nằm giữa hai cửa sông Lam và sông Cấm, độ mặn vừa phải của nước biển làm cho nguồn hải sản ở đây luôn thơm ngon, đậm đà hơn nơi khác. Nơi đây, tụ hội của bao núi và đảo, có ngọn Lô Sơn cao chất ngất, trông ra biển, có núi cờ, núi Voi, núi Mão ở Nghi Hợp, Nghi Quang, có núi Kiếm, hòn Thỏi Mực ở Nghi Tân….gợi nhớ đến quá khứ văn thao võ lược của vùng đất ven biển này. Có đảo Lan Châu, đảo Ngư kỳ vỹ.
Nơi đây thời Pháp thuộc là nơi nghỉ mát lý tưởng của người Pháp. Vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại cho đem giống hoa cúc về trồng và trở thành loài hoa biểu tượng của Cửa Lò: Hoa Cúc biển.
Bao thăng trầm cùng với chiến tranh khốc liệt nhưng Cửa Lò vẫn vươn mình đứng dậy trong đống đổ nát hoang tàn của chiến tranh, vẫn kiên cường đi lên như bông hoa cúc vàng nở trên cát.
Cửa Lò ngày ấy hoang sơ một miền cát trắng, mùa hè gió lào ràn rạt thổi, mùa đông đến hàng phi lao lạnh lẽo, cô liêu run rẩy co ro ôm lấy làng bãi ngang ven biển. Nhưng điều quan trọng nhất, qua bao tháng năm Cửa Lò vẫn giữ được cái hồn hậu, mộc mạc.
Qua thời gian, con người nơi đây đã làm sống lại một Cửa Lò vốn dĩ tươi đẹp. Chính người dân nơi đây đã có công mài dũa viên ngọc vốn xù xì, lấm lem trở nên long lanh, rực sáng. Đã thấy những ngày hội người đùa vui về với biển, những du khách yêu thích nô đùa cùng con sóng, có những đôi tình nhân hò hẹn, những chiều đắm mình trong dòng nước mát, đêm về lưu luyến, tâm tình dưới vầng trăng sáng vằng vặc giữa biển đêm hay cảm nhận sự mới lạ trên những chuyến câu mực đêm gần bờ.Thênh thang dạo bước trên con đường đầy ánh đèn cùng ngắm những khách sạn cao tầng được trang trí lấp lánh, nghe âm thanh của tiếng chuông gió bên những hàng lưu niệm, cảm nhận những rộn ràng của ngày hè sôi động, hay đơn giản ngồi tán ngẫu, nhâm nhi hạt hướng dương, bên ly trà đá ở quảng trường Bình Minh, tham gia một vài trò chơi cảm giác mạnh ở công viên Hoa Cúc biển, thử một ly kem mát, tan chảy cùng nụ cười vui.
Những khách sạn, nhà hàng thi nhau mọc lên
Thời mới sơ khai bước vào làm du lịch, số lượng khách sạn, nhà hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, vậy mà giờ đây, trên 300 khách sạn, nhà hàng mọc lên vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu du khách về với Cửa Lò càng đông vào giờ cao điểm.
Đã có sự chuyên nghiệp hơn trong cách phục vụ, đáp ứng được nhu cầu giải trí cho du khách. Các khách sạn đạt chất lượng cao như Summer, Mường Thanh, khu nghỉ dưỡng Vingroup…..sắp tới có thêm nhiều khách sạn tham gia dịch vụ du lịch như khách sạn Holyday, khách sạn Song Ngư Sơn….hứa hẹn sẽ đáp ứng hơn nhu cầu ăn nghỉ của du khách khi về với Cửa Lò.
Một Lan Châu, Song Ngư nô nức mùa biển gọi
Một Lan Châu nằm im bên những con sóng ngày ngày không thôi vỗ, ngó trên cao một lầu Nghinh Phong nơi vua Bảo Đại thường ngồi ngắm nhìn biển trời non nước, đủ để hiểu được vẻ đẹp tiềm ẩn vốn dĩ đã tồn tại và được người xưa khai phá.
Bên những bông hoa sim tím chín mọng quả những ngày hè đỏ rực sắc trời. Thủy triều lên, Lan Châu huyền thoại như bị thu nhỏ lại, được biển ôm trọn vào lòng, say giấc nồng tình ái cùng biển đêm.
Nay, đã thấy dáng của nhà hàng nằm trên đỉnh núi, có nhiều dịch vụ nghỉ ngơi, vui thú. Món quà vô giá của thiên nhiên được gọt giữa bởi bàn tay của con người. Chuyến dạo chơi khám phá Lan Châu chắc chắn là một sự lựa chọn lí tưởng và thú vị với những người say lòng với biển.
Ngày ngày, biển vẫn cứ vỗ vào bờ, đẩy những tâm tình vào đá. Những vách đá theo tháng năm được sóng gió biển khơi bào mòn tạo thành những hình thù kỳ thú. Người ta đến đây tò mò về những con sóng biển khơi, tò mò về những rặng đá, vách đá bám lấy thềm biển. Lan Châu đẹp mộng mơ trước đại dương bao la, rộng lớn và trong lòng người.
Từ Lan Châu, có thể nhìn thấy một đảo Ngư sừng sững, đầy bí ẩn. Với những động dơi, với những vách đá ồn ã sóng vỗ, những viên đá cuội nhẵn bóng, nhiều màu sắc, làn nước xanh trong biếc như tạo thành bờ cong ôm trọn lấy đảo. Hai cây lộc vừng ngót 700 năm tuổi như minh chứng cho sự trường tồn lâu dài. Nơi thanh tịnh, linh thiêng thờ Phật và Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn – vị tướng thủy quân có công đánh thắng giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII. Những người đi biển thường đi qua đảo Ngư, lên chùa thắp hương xin cầu may mắn cho chuyến đi biển của mình và luôn được các thần chở che, phù hộ.
Đảo Ngư so với những năm trước đây đã được nhiều người biết đến, du khách có cơ hội du ngoạn ca nô, thưởng thức cảm giác lênh đênh sóng nước để vượt 4km hải lý ra vãn cảnh đảo thơ mộng. Để rồi không khỏi bất ngờ, suýt xoa trước một nơi “tiên cảnh” giữa trần thế. Nhẹ lòng, vui tươi là tất thảy du khách cảm nhận được khi đến đây. Trong một ngày không xa, với dự án Vingroup đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi tại đảo, hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới đầy sinh động, hấp dẫn.
Đảo Ngư chính là một lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi cho Cửa Lò phát triển. Càng đi lên theo thời gian, hi vọng Cửa Lò sẽ phát triển xứng đáng với những ưu thế của mình. Vươn xa để thấy mình đổi khác là như vậy!
Ẩm thực là một trong những yếu tố thu hút khách
Từ lâu, người ta đã quá ấn tượng bởi nguồn hải sản phong phú, thơm ngon và có vị rất riêng của biển Cửa Lò. Theo thời gian, nhờ có sự đổi thay và phát triển đi lên không ngừng, trong đó hệ thống khách sạn, nhà hàng mọc lên san sát, phương thức phục vụ và chế biến đã có nhiều thay đổi hơn, ngày càng chuyên nghiệp và có sự đầu tư hơn. Nhờ vậy mà món ăn của biển Cửa Lò được chế biến đa dạng theo nhiều phương thức, phải nói là ngon và có sức hấp dẫn đặc biệt. Theo ý kiến của đa số du khách, họ đi một lần và muốn đến Cửa Lò thêm nhiều lần nữa chính là để được thưởng thức hải sản tươi ngon ở đây. Mực nhảy hấp, bề bề rang me, mọc cua bể, cháo nghêu, cá thu nướng…..đó là tất cả những món hải sản ưa thích của du khách, trở thành thương hiệu và có trong danh sách thực đơn tại các nhà hàng, khách sạn.
Việc du khách có thể mua về làm quà, kể cả hải sản tươi và khô đều đảm bảo và có sẵn tại chợ Bến cá, làng chài…Người dân phục vụ chu đáo, đóng gói cẩn thận, đảm bảo độ tươi ngon ngay kể khi du khách trở về đường dài.
Về Cửa Lò hôm nay, du khách sẽ không thể quên những con đường đưa họ vào tham quan làng nước mắm lâu đời Hải Giang 1 hay một làng chài ven biển rộn rã, tất bật những ngày hè chào đón khách.
Dẫu biết rằng hành trình đi lên còn nhiều thách thức và khó khăn, nhưng chúng ta tự hào về những gì đã làm được cho quê hương mình có được như ngày hôm nay. Bức tranh Cửa Lò sẽ có nhiều nét chấm phá và đổi khác theo thời gian, nhưng vẫn giữ mãi hình ảnh người Cửa Lò hồn hậu, hiếu khách, những người con xứ biển kiên cường, dũng mãnh, vượt qua bao khó khăn vẫn vững tay chèo đưa thị xã ngày một to lớn, đẹp giàu./.
Nguyễn Hương