Tây Hòa là khối được UBND phường Nghi Hòa chọn làm điểm để thực hiện công tác Dồn điền đổi thửa. Toàn khối có 32 hộ có đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 10ha, được chia thành 222 thửa. Trong đó, thửa lớn nhất có diện tích gần 2.000m2 và thửa nhỏ nhất là 90m2. Hộ ông Hoàng Văn Phong có 7 thửa, nằm rải rác ở nhiều vị trí khác nhau. Mỗi khi đến mùa vụ, gia đình lại mất nhiều thời gian cho việc di chuyển và canh tác. Nhưng kể từ năm 2015 này, sau khi công tác Dồn điền đổi thửa đã hoàn thành, những diện tích đất manh mún của gia đình ông Phong cũng như các hộ sản xuất nông nghiệp khác đã được quy hoạch, trở thành cánh đồng mẫu lớn. Ông Hoàng Văn Phong – khối Tây Hòa – phường Nghi Hòa phấn khởi nói: “Trước đây, tôi là 7 nơi manh mún, mỗi nơi mỗi tỉu. Nhưng hôm nay chuyển về đây, chỗ này của tôi là 6 sào. Gần nhà, canh tác dễ làm. Toàn bộ vừa rộng, làm thoải mái. Đường cày, đường bừa, rồi thu hoạch, cây rơm cây rạ cũng thoải mái. Cho nên Nhà nước quy định về Dồn điền đổi thửa rất đúng, rất cả ơn Nhà nước. 7 nơi mà giừ về một nơi thì quá sướng rồi”.
Để thực hiện thành công công tác Dồn điền đổi thửa, Ban chỉ đạo của phường và tiểu ban chỉ đạo của khối Tây Hòa đã tổ chức hơn 40 cuộc họp lớn nhỏ nhằm vận động, tuyên truyền, khuyến khích nhân dân hưởng ứng chủ trương, đồng thời lấy ý kiến lựa chọn phương án dồn điền, đổi thửa phù hợpvới người dân. Qua bàn bạc, Ban chỉ đạo và người dân đi đến thống nhất chọn phương án “vận động các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ở trong khối tự chuyển đổi cho nhau”. Kết quả, từ 222 thửa ban đầu, sau khi thực hiện Dồn điền đổi thửa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của khối Tây Hòa đã được quy hoạch về 159 thửa, thuận tiện cho nông dân sản xuất. Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, Ông Hoàng Văn Thành – Bí thư chi bộ khối Tây Hòa – phường Nghi Hòa cho biết: “Tư tưởng của dân là phải thông. Nhân dân hiểu được Dồn điền đổi thửa là đem lại lợi ích: thứ nhất là tích tụ ruộng đất. Thứ hai, nhân dân thâm canh cây trồng cũng dễ. Thứ ba là sự quản lý để xây dựng các mô hình sản xuất cũng thuận tiện hơn. Do đó, chúng ta cần làm tốt công tác Dồn điền đổi thửa”.
Theo như chia sẻ của ông Hoàng Văn Thành – bí thư chi bộ khối Tây Hòa, để giải bài toán về Dồn điền đổi thửa trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng cho người nông dân. Bởi tâm lý chung của họ là không muốn rời bỏ mảnh đất đã canh tác lâu nay. Hơn nữa, một số người dân còn trông chờ vào việc diện tích đất của mình sẽ nằm trong diện quy hoạch các dự án. Sau khi làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, Nghi Hòa phải đẩy mạnh công tác tác thủy lợi và các chính sách hỗ trợ sản xuất để người nông dân yên tâm sản xuất. Đây cũng là yếu tố khó khăn đối với Nghi Hòa khi triển khai công tác dồn điền đổi thửa trên 10 khối dân cư còn lại. Ông Lê Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND phường Nghi Hoà cho biết thêm: “Một số hệ thống kênh mương của Nghi Hoà đã xuống cấp trầm trọng. Muốn làm được công tác dồn điền đổi thửa thì trước tiên phải làm tốt công tác thuỷ lợi. Bên cạnh đó, ngân sách của phường rất khó khăn. Do đó, để làm hoàn chỉnh được 11 khối, thì chúng tôi cần sự vào cuộc, sự hỗ trợ của nhà nước về giao thông thuỷ lợi và hỗ trợ về giống kịp thời cho nhân dân”.
Theo Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc “dồn điền, đổi thửa”, toàn thị xã Cửa Lò sẽ hơn 250 ha diện tích đất sẽ triển khai dồn điền đổi thửa, tập trung ở 3 phường Nghi Hòa, Nghi Thu và Nghi Hương. Đây là con số nhỏ so với các địa phương khác, nhưng để thực hiện được thành công là một quá trình khó khăn đối với một địa phương mà thế mạnh là hoạt động du lịch dịch vụ.
Thanh Vân – Duy Quý