Tôi về Nghi Hòa trong những ngày cuối năm Mậu Tuất, cái lạnh mùa đông không làm tan đi bầu không khí rộn ràng nhộn nhịp của cuộc sống người dân nơi đây.
Qua những câu chuyện thân tình với các chị trong ban chấp hành Hội phụ nữ phường, tôi được giới thiệu đến nhà chị Lê Thị Hà ở khối Tân Diện. Dù đã được biết sơ qua về hoàn cảnh gia đình chị nhưng tôi vẫn vô cùng bất ngờ khi đứng trước chuỗi các ki ốt kinh doanh buôn bán tấp nập người vào ra của gia đình.
Để có được cuộc sống sung túc đầy đủ như bây giờ,trước đây chị đã trải qua không biết bao ngày “ Cơm chan nước mắt”.
Năm 1986 chị kết hôn với anh Hoàng Văn Dũng- một người lính trở về từ chiến trường miền Nam. Khi đó, anh Dũng đang mang trong mình di chứng nặng nề của chiến tranh- đó là trong đầu anh vẫn còn một mảnh đạn găm sâu.
Những năm đầu mới kết hôn cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cứ thế yên bình trôi đi và cũng như bao người phụ nữ miền biển khác,chị ngược xuôi chợ búa, buôn tôm bán cá, tự tay chế biến tương ớt, muối thêm dưa cà tất bật với cuộc sống mưu sinh, còn anh làm thợ may tại nhà. Nhưng khi hai con thơ lần lượt chào đời thì vết thương do cuộc chiến năm xưa để lại bắt đầu hành hạ anh và cũng từ đây cuộc sống gia đình nhỏ của chị rơi vào những ngày đầy sóng gió.Từ một người chồng chăm chỉ,hiền lành anh đã trở nên một người nóng nãy, khó kiểm soát hành vi. Hàng ngày, những khi không tỉnh táo anh không chịu lao động mà sa vào vào rượu chè,cờ bạc, thậm chí anh còn đánh đập vợ con. Bao hàng hóa chị lấy về nếu để anh biết được thì tất cả chỉ còn là một đống đồ bỏ đi. Nhiều lúc anh còn đuổi mẹ con chị ra đường giữa trời đông lạnh giá.
Có nỗi cơ cực, đau đớn nào hơn khi thân phận người phụ nữ bé nhỏ, yếu đuối lại bị chính người chồng mình yêu thương, đầu ấp tay gối đối xử như vậy. Nhưng chị biết tất cả những hành động của anh đều do di chứng nặng nề của chiến tranh gây ra, chị không trách anh, trái lại càng thương anh hơn và tự nhủ lòng mình sẽ quyết tâm sát cánh bên anh xây dựng cuộc sống gia đình đầm ấm.
Chị thấy nếu cứ “Buôn thúng bán mẹt” mãi thế này sẽ không thuận, bởi giờ anh đã không còn khả năng lao động, nhà bốn miệng ăn chỉ nhìn vào tay chị, nếu lỡ những mớ tôm mớ cá, hũ dưa, lon cà rơi vào tay anh ngày nào thì ngày đó coi như “Mất cả chì lẫn chài”, chưa kể lấy tiền đâu để lo cho các con ăn học, để chữa bệnh cho anh.
Thời bấy giờ đang có phong trào buôn bán hàng thùng, chị mạnh tay vay mượn bạn bè chuyển sang kinh doanh mặt hàng này. Làm công việc nói trên tuy kiếm tiền dễ hơn, nhiều hơn nhưng đồng nghĩa với việc chị phải thường xuyên xa nhà, có khi ra tận Quảng Ninh, Hải Phòng hàng tuần để thu gom hàng, những lúc như vậy chị đành rứt ruột nhờ anh em bà con trông chừng, chăm sóc chồng và các con để tự mình tìm kế sinh nhai. Vất vả ngược xuôi cũng cốt kiếm lấy đồng tiền về nuôi chồng bệnh tật, nuôi con ăn học nên người, nhưng có nhiều chuyến hàng đổi bằng mồ hôi nước mắt của chị vừa về anh đã dùng kéo cắt phăng hàng loạt. Xót xa, tủi hờn vô cùng nhưng không làm chị nhụt chí. Sau một thời gian ngược xuôi vất vả, khi trong tay đã có được đồng vốn kha khá, chị đã có tiền để đưa anh đi chữa trị và lo cho các con cuộc sống tốt hơn.
Những năm 2000, khi các mặt hàng đặc sản biển được thị trường ưa chuộng chị lại chuyển hướng sang buôn bán hàng hải sản, chị vừa thu mua vừa chế biến hải sản tươi sống thành hải sản khô. Chất lượng các mặt hàng hải sản do chị làm chủ luôn được các khách hàng và đối tác đánh giá rất cao. Chính vì thế đã lấy được uy tín của không chỉ thị trường địa phương mà ra cả thị trường Lào, Trung Quốc.
Năm 2008, khi thị trường buôn bán hải sản có xu hướng bão hòa, chị lại tìm phương thức làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chị đã đầu tư một số vốn hơn 6 tỷ đồng để mở ba ki ốt kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp và một ki ốt buôn bán chăn ga gối đệm.
Nói với tôi về chị Hà, chị Lê Thị Hằng – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường Nghi Hòa nói:“ Cuộc đời chị Lê Thị Hà có thể viết thành tiểu thuyết, chị đã trải qua không biết bao nhiêu là thăng trầm để có được kết quả như ngày hôm nay. Dù chồng ốm đau bệnh tật hàng chục năm nay, tinh thần anh lại có lúc không bình thường, đã có những lúc anh đối xử với chị và các con rất bất công nhưng không vì thế mà chị coi thường, khinh khi anh. Khi còn khổ cũng như khi khấm khá chị vẫn một lòng bên cạnh chăm sóc cho anh, không điều tiềng,dị nghị. Chị sống chan hòa, thân thương với bà con làng xóm. Chị là một người phụ nữ có tấm lòng nhân ái, đã giúp đỡ rất nhiều chị em gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, đặc biệt vừa qua chị đã giúp cho gia đình chị Vương Thị Trường- một hộ nghèo lâu năm thoát khỏi nghèo đói bằng cách hỗ trợ tiền điện hàng tháng và cho vay vốn làm ăn. Trong tất cả các phong trào của đia phương khi có sự phát động chị đều chủ động tích cực đi đầu, nhiệt tình ủng hộ tiền bạc và cả thời gian.Chị không chỉ giúp bản thân mình và gia đình có của ăn của để mà chị còn giúp đỡ, tạo công ăn việc là thường xuyên cho 8- 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương, mỗi tháng trả chi phí cho nhân công lao động 5- 6 triệu/ người.Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần và phẩm chất của chị, hiện chị còn là chi hội phó của chi hội phụ nữ khối Tân Diện”.
Anh Nguyễn Tuấn Anh- một khách hàng của gia đình chị Hà cho tôi biết thêm:“Chị Hà là một người kinh doanh,buôn bán có tâm, chị luôn đặt chất lượng của các mặt hàng lên hàng đầu cũng như nhanh nhạy trong việc nắm bắt kịp thời xu hướng của thị trường nên luôn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tôi và người thân trong gia đình cũng như cơ quan nơi tôi công tác khi nào cần các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ, chăn ga gối đệm đều đến tiệm của chị để trao đổi mua bán”.
Bằng nghị lực kiên cường và tinh thần tự lực không chịu khuất phục trước hoàn cảnh,đến nay chị Lê Thị Hà đã làm chủ cả một chuỗi các cửa hàng đồ gỗ mĩ nghệ, chăn ga gối đệm có tiếng trên địa bàn khu vực Cửa Hội. Chị xứng đáng với vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới: Đảm đang- trung hậu- năng động- giám nghĩ giám làm./.
Phan Thành