Xây dựng dòng họ văn hóa ở Cửa Lò – Việc làm thiết thực và ý nghĩa

Đăng ngày 12/12/2018

Trong sự phát triển chung, mỗi dòng họ xác lập những nét văn hóa riêng, đặc điểm riêng về phong cách và uy thế đối với làng xã cũng như đối với dòng họ khác. Dẫu bản sắc có khác nhau song những nội hàm về nghi lễ, đạo lý uống nước nhớ nguồn thì đều giống nhau. Tổ tiên nhà thờ họ là chỗ dựa vững chắc cho con cháu dòng họ.

Tên và họ của con người như là một sự định vị cố kết và chắc chắn đối với một cá thể. Tên là biểu thị của một con người riêng biệt, còn họ là biểu thị của cộng đồng có tính huyết thống và mang nhiều tính chất lịch sử. Nhà thờ họ, gia phả, trưởng nam, giỗ tổ là một trong những yếu tố mang tính biểu tượng của văn hóa dòng họ.

bna_35966390_23102018

Ở Cửa Lò mặc dù các dòng họ đã và đang phát huy một cách nổi bật song những năm vừa qua để đưa ra những tiêu chí xây dựng và biểu dương một dòng họ văn hóa chưa được chú trọng. Năm 2018, Ban chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã đưa ra những tiêu chí cơ bản để xây dựng một dòng họ văn hóa đạt chuẩn. Triển khai trên địa bàn 7/7 phường và tiến hành đăng ký đầu năm các dòng họ văn hóa, bao gồm: dòng họ Chế ở phường Nghi Thu; dòng họ Trần ở khối Hải Tân, Võ văn ở khối Hải triều, Hoàng Văn ở Hải Giang 1 phường Nghi Hải; họ Lê Trung khối 5, Nguyễn Văn ở khối 7 phường Nghi Tân; dòng họ Nguyễn Cảnh, họ Lê, họ Trịnh ở Nghi Thủy.

ho le

Nhà thờ họ Lê Trung – khối 5 – phường Nghi Tân

Những tiêu chí để công nhận một dòng họ văn hóa bao gồm: đoàn kết họ tộc gắn kết với đoàn kết dân tộc; thực hiện các gia phong, gia đạo, gia lễ, gia quy gắn liền với việc tạo phúc đức, xây dựng lòng hiếu thảo cho con cháu. Thực hiện quan – tôn – táng – tế chu đáo, nghiêm trang. Dựng gia phả, xây tự đường và chăm lo mồ mả tổ tiên nghiêm túc. Thực hiện thượng tôn pháp luật mẫu mực; đoàn kết họ tộc – đoàn kết dân tộc, ân cần lo việc nghĩa, khuyến học, khuyến nghiệp và khuyến tài sôi nổi; 100% số hộ gia đình trong dòng họ có phương tiện truyền thông nghe nhìn, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% và không có hộ đói; trên 80% số hộ trở lên được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% trẻ em đang độ tuổi đi học được đến trường, không có người bỏ học, không có người mù chữ; thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Trong những năm gần đây, tại Thị xã xu hướng trở về nguồn cội, phục hưng các sinh hoạt dòng họ diễn ra sôi nổi và có nhiều nét nổi bật, nhiều dòng họ ở Cửa Lò được trùng tu, xây mới, nhiều gia phả được sưu tầm, các hoạt động và nghi lễ thờ cúng tổ tiên được thể hiện bài bản theo nguyên tắc truyền thống. Những thế hệ con cháu  giàu có hay khá giả đóng góp vật chất, những người nghèo khó hơn thì ủng hộ về tinh thần như tham gia xây dựng, sửa chữa nhà thờ họ. Có những dòng họ lập các địa chỉ website riêng để con cháu theo dõi, là địa chỉ để các hệ thống dòng họ khắp nơi trên cả nước giao lưu, học hỏi, cập nhật, chia sẻ thông tin. Không khí dịch gia phả, chắp nối phả hệ đang trở nên phổ biến và dần trở thành những nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Qua đó, tăng cường ý thức tôn kính tổ tiên và quý trọng anh em họ hàng gia tộc.Văn hóa dòng họ như mạch nước ngầm, tưới mát tâm hồn và làm giàu vốn liếng văn hóa cho các thành viên trong dòng họ. Văn hóa dòng họ không trống, không chiêng nhưng nguồn sống tràn trề, sung mãn.

Nhà thờ họ là để thờ cúng tổ tiên, đây là yếu tố đặc sắc của văn hóa dòng họ Việt Nam nói chung và ở Cửa Lò nói riêng. Đây là tập quán tốt đẹp lâu đời, mang yếu tố tâm linh, nó là một hiện hữu sống động của dân tộc. Đây là một loại tín ngưỡng phổ biến, ở một dòng họ, bên trên là thờ các vị tiên tổ của họ mình, có bậc “cửu huyền thất tổ”. Trong mỗi nhà, thờ đến bậc cố (4 đời), trên nữa thì thờ ở từ đường v.v….Lòng tôn kính này nảy nở trong tâm hồn người Việt từ rất sớm, thành các yếu tố, phẩm chất đạo đức truyền thống. Thể hiện bằng hình thức thờ tự, có bàn thờ gia tiên, đặt nơi trang trọng trong nhà, có bộ đồ tam sự, ngũ sự hoặc thất sự. Tùy thời gian, gia đình tiến hành các lễ “quan hôn tang tế” theo tập tục của dân tộc mình. Dẫu đi đâu, làm gì thì cứ đến dịp lễ, tết, ngày rằm, mồng một hay ngày đặc biệt nhất là ngày giỗ tổ con cháu khắp nơi lại trở về quê hương, thắp nén nhang tỏ lòng thành kính trước tổ tiên. Tính huyết thống như là liều thuốc tinh thần giúp gắn kết con cháu giữa nhiều thế hệ.

Để duy trì và phát huy công đức tổ tiên, truyền thống của dòng tộc trong việc giáo dục, răn dạy lớp con cháu hậu sinh, các chi phái trong dòng họ đã bầu ra “Hội đồng gia tộc” gồm những người có uy tín nhất dòng họ để chỉ đạo các công việc lớn của dòng họ như: Việc thờ phụng, tế lễ tổ tiên, tôn tạo, sửa sang di tích, duy trì quỹ khuyến học, khuyến tài. Qua đó, giáo dục con cháu ghi nhớ và phát huy ân đức tổ tiên, truyền thống của dòng tộc trong lao động, học tập và công tác.

Thiết nghĩ, xây dựng và biểu dương dòng họ văn hóa cái đích cuối cùng là  phụng sự dân tộc. Văn hóa dòng họ giúp con người sát lại gần nhau nhờ điều thiêng liêng bậc nhất chính là chung huyết thống. Văn hóa dòng họ ở các làng quê đang vun bồi ý thức về lịch sử, lòng yêu nước, yêu quê hương. Hiểu thêm về cuội nguồn để yêu thêm gấm vóc quê hương. Lịch sử chỉ đi vào lòng người khi những biến động xưa cũ được trao truyền nhẹ nhàng tự nhiên như lời mẹ ru, như lời cha dặn. Gắn kết gia tộc giúp con người không quên lịch sử. Họ sẽ là những người cầm bánh lái định mệnh của dòng họ.

             Nguyễn Hương