Những năm gần đây, sự chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở Cửa Lò trong việc triển khai thực hiện các đề án của Ngân hàng CSXH Nghệ An về cho vay và quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Các chương trình cho vay phù hợp với thực tế, phù hợp với nhu cầu và khả năng thực hiện của hộ vay, phát huy được mục đích, hiệu quả cho đối tượng vay vốn, đồng thời góp phần bảo toàn vốn cho Nhà nước.
Năm 2016, ngay sau khi có đề án của NHCSXH Tỉnh, NHCSXH thị xã Cửa Lò đã tích cực tham mưu, tranh thủ tốt sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với hoạt động tín dụng chính sách. Nhờ đó, nhiều người dân được vay các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và phát huy tốt hiệu quả vốn vay. Đến thời điểm này trên địa bàn thị xã, các tổ chức ủy thác hiện đang phối hợp quản lý trên 151 tỷ đồng dư nợ, chiếm 100% tổng dư nợ cho vay của đơn vị. Nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức ủy thác rất rõ ràng, sự vào cuộc của cấp ủy và các tổ chức đoàn thể ngày càng cho thấy rõ sự quyết liệt và có trách nhiệm cao, đặc biệt là chất lượng tín dụng ủy thác thường xuyên ổn định và có chuyển biến tốt, việc thực hiện các khâu công việc theo văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác ngày càng chủ động hơn.
Tuy nhiên, một số địa phương sự vào cuộc của các tổ chức hội nhận ủy thác còn hạn chế, thiếu chủ động, quản lý mạng lưới tổ thiếu chặt chẽ, chưa theo dõi sát sao tình hình hoạt động tín dụng ủy thác do đơn vị mình quản lý.
Đến quý III năm 2018, trên địa bàn có 123 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), trong đó có 97,6% số tổ xếp loại tốt và 2,4% khá, 100% số tổ đã được ký hợp đồng ủy nhiệm đúng quy định, hoạt động cơ bản đảm bảo được yêu cầu công việc đặt ra. Công tác củng cố, kiện toàn tổ luôn được Ngân hàng và các tổ chức hội các cấp quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục.
Trong giai đoạn tiếp theo, quy mô tín dụng tiếp tục được mở rộng cả về nguồn vốn và đối tượng phục vụ, tính chất công việc ngày càng phức tạp hơn, thực tế đòi hỏi sự hiệu quả trong công việc ngày càng cao, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, đồng nghĩa với việc hạn chế tăng cán bộ biên chế làm việc trực tiếp trong hệ thống NHCSXH. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu đặt ra, ngoài phát huy tốt nội lực, Ngân hàng CSXH thị xã mong muốn cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tích cực chung tay, góp sức vào hoạt động tín dụng chính sách để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.
Theo đó, NHCSXH Cửa Lò sẽ chủ động hơn trong việc tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền và Ban đại diện HĐQT các chỉ tiêu, nội dung và các giải pháp thực hiện; Đồng thời, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của các ngành và các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động tín dụng chính sách sao cho kịp thời, hiệu quả nhất; tăng cường mối quan hệ và phối kết hợp chặt chẽ, thống nhất cao với các tổ chức chính trị – xã hội nhằm nâng cao hiệu quả của phương thức tín dụng ủy thác dưới sự tham gia chỉ đạo, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ TK&VV dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền cấp phường để đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:
Về khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Tăng nguồn lực từ ngân sách địa phương và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương… để mở rộng cho vay thêm một số đối tượng chính sách đặc thù trên địa bàn (ngoài các chương trình chỉ định của Trung ương).
Hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được Trung ương giao cho hàng năm. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,25%/tổng dư nợ; thực hiện quy trình xử lý nợ đảm bảo chính xác, kịp thời.
Phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Phối hợp, lồng ghép hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật như: khuyến nông, lâm, ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của khách hàng, đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn. Đồng thời, tối đa hóa việc công khai, minh bạch trong hoạt động tín dụng; nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng đối với khách hàng.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp trên:
Thứ nhất: cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội ủy thác trong việc triển khai tín dụng chính sách cũng như việc giám sát, quản lý nguồn vốn này. Từ đó cần coi trọng và tăng cường mỗi quan hệ gắn bó, mật thiết đặc biệt với các tổ chức Hội nhận ủy thác cùng cấp; thường xuyên quan tâm sát cánh, phối hợp chặt chẽ và cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về hoạt động ủy thác giúp cho các tổ chức hội bám sát cơ sở để chỉ đạo. Bám sát Chỉ thị số 40-CT/TW, Chỉ thị số 29-CT/TU và Kế hoạch 463/KH-UBND của UBND tỉnh để tham mưu cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi; tham mưu cho Mặt trận các cấp phối hợp với Ngân hàng, chính quyền địa phương và các tổ chức hội nhận ủy thác tăng cường hoạt động giám sát về đối tượng cho vay, chính sách cho vay, sử dụng và thu hồi vốn đảm bảo công khai, dân chủ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Thứ hai: chủ động tham mưu, đề xuất và phối hợp thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong việc nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, trong khâu kiểm tra giám sát nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc của các tổ chức hội cấp trên đối với cấp dưới. Chú trọng công tác giao ban định kỳ với tổ chức hội các cấp. Hoạt động giao ban phải được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về nội dung báo cáo, tài liệu phiên họp, thông tin cung cấp rõ ràng, cụ thể; nội dung làm việc có trọng tâm, trọng điểm theo sự chỉ đạo của cấp trên và theo Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT.
Thứ ba: Tham mưu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát qua kênh của tổ chức hội nhận ủy thác. Kiểm tra, giám sát là một trong những khâu quan trọng trong các khâu công đoạn nhận ủy thác với NHCSXH của tổ chức hội . Để tổ chức hội làm tốt công tác này, tham mưu cho tổ chức hội làm tốt ngay từ khâu xây dựng kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra.
Thứ tư: Chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã để thường xuyên có giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và các hoạt động nghiệp vụ của NHCSXH cũng như chất lượng hoạt động của tổ TK&VV. Chỉ đạo trưởng thôn giám sát bình xét đối tượng vay vốn, giao trách nhiệm cho trưởng thôn giám sát vốn tín dụng chính sách và hoạt động của tổ. Thường xuyên rà soát, bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi và trình UBND cấp thị phê duyệt vào Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo hàng năm làm cơ sở để NHCSXH cho vay kịp thời, tạo thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Thứ năm: Tham mưu cho chính quyền cấp xã làm tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương chính sách liên quan đến tín dụng ưu đãi để người dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương khi được thụ hưởng.
Lê Trung – Giám đốc NHCSXH Cửa Lò