Giải pháp đảm bảo chất lượng các công trình trên địa bàn Cửa Lò

Đăng ngày 17/02/2018

Thị xã Cửa Lò được tỉnh Nghệ An xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch, đồng thời là một trong hai cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của Tỉnh. Do đó, Thị xã thường xuyên được tỉnh quan tâm kêu gọi thu hút đầu tư dự án, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng, thị xã Cửa Lò đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biết luôn coi trọng công tác giám sát chất lượng công trình.

d

Chất lượng công trình xây dựng không những có liên quan trực tiếp đến an toàn sinh mạng, an toàn cộng đồng, hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương. Xác định vai trò quản lý chất lượng công trình là hết sức quan trọng, do vậy Ban quản lý các dự án ĐTXD thị xã Cửa Lò đã áp dụng các quy trình đầu tư theo đúng Luật xây dựng cũng như các quy định về quản lý đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Năm 2017, Ban quản lý các dự án ĐTXD Thị xã đã triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình như: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải giai đoạn 1; Kè Nghi Tân giai đoạn 2; Đường ngang số 12; Đường ngang số 4; Hệ thống điện chiếu sáng quốc lộ 46 từ Đại học Vinh (cơ sở 2) đến ngã tư chợ Sơn, đang khẩn trương thông tuyến đường Nguyễn Huệ đến đường Nguyễn Xí; Hệ thống mương tiêu úng nội vùng phường Nghi Hải…

Tuy nhiên, do việc cắt giảm nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương và ngân sách Tỉnh trong thời gian qua, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Thị xã, chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như nguyện vọng của các nhà đầu tư và sự mong đợi của nhân dân. Đứng trước thách thức đó, Thường trực Thị ủy, HĐND, UBND Thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp để huy động mọi nguồn lực như: Đề xuất Thường trực tỉnh ủy cho cơ chế khai thác quỹ đất để lại 100% tiền đấu giá cho Thị xã làm nguồn vốn để đầu tư các công trình trọng điểm, cấp bách; đề xuất thu hồi các dự án được giao đất mà không triển khai theo quy định; vận động tìm kiếm nguồn vốn vay ADB, tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương; thu hút tập đoàn Vingroup… Chính cách làm sáng tạo, quyết liệt của UBND thị xã, đến nay đã có rất nhiều dự án lớn đầu tư vào Thị xã, sẽ làm thay đổi toàn diện đô thị Cửa Lò, có thể khẳng định rằng năm 2018 sẽ là một năm tập trung quyết liệt, đồng bộ để thực hiện các dự án trọng điểm như:

–  Dự án Nâng cấp mở rộng đường Bình Minh và dự án Đường vào Cảng Cửa Lò bến số 5, bến số 6 sẽ được đầu tư theo hình thức đầu tư công.

– Dự án đường trục dọc số V, từ đại lộ Vinh Cửa Lò đến đường Sào Nam (thêm 2 nhánh là kéo dài đường 14 đến đường trục V và nâng cấp đường Sào Nam từ đường Quốc lộ 46 đến đường trục dọc sốV) sử dụng vốn vay của ngân hàng phát triển châu Á – ADB;

– Dự án Kè Nghi Tân giai đoạn 2 sau khi hoàn thành sẽ di dời toàn bộ các tàu cá neo đậu ở khu vực cảng Cửa Lò về nơi neo đậu mới.

Các dự án lớn trên được triển khai sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị Cửa Lò, giúp Cửa Lò phát triển nhanh hơn, hiện đại hơn. Để các dự án đó sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, không những phải đảm bảo tiến độ thi công mà còn phải quan tâm hơn đến việc đảm bảo chất lượng công trình. Ban quản lý dự án ĐTXD đã đề ra các giải pháp cần phải thực hiện như:

Một là, xây dựng hệ thống bộ máy quản lý chất lượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Chất lượng công trình xây dựng được hình thành từ khâu khảo sát, thiết kế. Chất lượng khảo sát, thiết kế càng rõ ràng, cụ thể chi tiết thì càng góp phần đẩy nhanh tiến độ vì do không phải phát sinh khối lượng.

Hai là, xây dựng hệ thống quy trình quản lý chất lượng của Ban, từ đầu vào của vật liệu, thí nghiệm vật liệu, quy trình nghiệm thu hạng mục công trình; ngoài việc một công trình được giao cho một cán bộ của Ban thường xuyên giám sát thi công, thì nay hàng tháng sẽ có một tổ kiểm tra công việc của cán bộ giám sát và nhà thầu thi công. Điều này rất cần thiết vì cán bộ giám sát nhiều lúc không thể kiểm soát được toàn bộ khối lượng công việc tại hiện trường. Để làm được việc này, bộ phận  giám sát kỹ thuật của Ban thường xuyên được đào tạo về nghiệp vụ nhằm nâng cao được trách nhiệm và trình tự, nội dung nhiệm vụ.

Ba là, có kế hoạch và biện pháp lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện, năng lực: Ban quản lý dự án phải kiểm tra thực tế kết hợp với kiểm tra trên hồ sơ, đồng thời kết hợp nhiều kênh thông tin để xác định chính xác điều kiện, năng lực của nhà thầu trước, trong khi đấu thầu và trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Bốn là, quản lý bằng phương pháp hành chính và hợp đồng kinh tế: Phương pháp hành chính là truyền đạt các yêu cầu của chủ đầu tư thông qua các “phiếu yêu cầu” hoặc “phiếu kiểm tra”, báo cáo thường xuyên bằng “phiếu” thay vì nói bằng miệng. Cần quản lý chất lượng bằng hợp đồng kinh tế. Theo đó, các yêu cầu về chất lượng cần được thể hiện chi tiết trong hợp đồng (hoặc phụ lục hợp đồng). Đây là yêu cầu pháp lý bắt buộc.

Năm là, xây dựng chiến lược và kế hoạch đảm bảo chất lượng: Đề ra mục tiêu, lộ trình, nội dung, mô hình quản lý chất lượng;  đồng thời kỷ luật nghiêm với các đối tượng vi phạm chất lượng. Song song với đó, phải xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng cho từng công trình với các biện pháp đảm bảo chất lượng, thay vì lối làm tuỳ tiện, không có bài bản.

Sáu là, coi trọng vai trò giám sát của cộng đồng, nơi có công trình được xây dựng, họ có thể giám sát về hành vi trách nhiệm của cán bộ giám sát cũng như của nhà thầu xây dựng.

Các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng công trình mà Ban quản lý các dự án ĐTXD Thị xã đề ra và quyết tâm thực hiện bằng được, để ngày càng có những công trình vừa đảm bảo chất lượng vừa có tính mỹ thuật cao, từ đó góp phần xây dựng thị xã Cửa Lò sớm trở thành đô thị loại 2, tạo tiền đề xây dựng thành phố du lịch biển xanh, sạch, đẹp, giàu mạnh, văn minh theo tinh thần Nghị quyết đại hội đảng bộ thị xã Cửa Lò nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.

Ban quản lý các dự án TX Cửa Lò