Đã có 201 người tử vong và mất tích do bão, lũ cuốn và sạt lở đất

Đăng ngày 11/09/2024

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích.

Lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tổ chức tìm kiếm các nạn nhân bị lũ quét vùi lấp tại huyện Bảo Yên, Lào Cai. (Ảnh: TTXVN phát)
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tổ chức tìm kiếm các nạn nhân bị lũ quét vùi lấp tại huyện Bảo Yên, Lào Cai. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê một số thiệt hại tính đến 9 giờ ngày 11/9/2024, có 201 người tử vong, mất tích (trong đó 143 người tử vong, 58 người mất tích).

Một số địa phương có số người tử vong và mất tích nhiều như: Lào Cai: 66 người (45 người tử vong, 21 người mất tích); Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người tử vong, 23 người mất tích); Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người tử vong, 3 người mất tích); Quảng Ninh 13 người tử vong (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người); Phú Thọ: 9 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người tử vong do sạt lở đất); Hòa Bình: 5 người tử vong do sạt lở đất; Lạng Sơn: 3 người tử vong do lũ cuốn, sạt lở đất; Hà Giang: 2 người (1 người tử vong; 1 người mất tích)….

Trước tình hình thiệt hại của người dân, hôm qua 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 92/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão gửi các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa và các Bộ, ngành.

Hiện tỉnh Cao Bằng vẫn còn 33 người mất tích do mưa lũ và sạt lở đất, tại các điểm sạt lở vẫn còn khối lượng đất đá lớn, nước vẫn chảy xiết, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm cứu nạn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng.

Các địa phương tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các quân khu và đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ,… cho người dân vùng còn bị chia cắt; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật; kịp thời phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu; Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán./.

Nguồn: (Vietnam+)