Đồng chí Hồ Đức Phớc – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có những chia sẻ với Báo Nghệ An về sự phát triển của Cửa Lò trong tương lai.
PV: Là một người con của quê hương Nghệ An, từng là lãnh đạo tỉnh, và cũng từng là lãnh đạo thị xã Cửa Lò, đồng chí có thể cho biết cảm nhận của mình về Cửa Lò sau 30 năm phát triển?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Ngày 29/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 113-CP thành lập thị xã Cửa Lò trực thuộc tỉnh Nghệ An, trong suốt 30 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, thị xã Cửa Lò đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn về kinh tế – xã hội. Từ những làng chài nghèo ven biển, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, chỉ duy nhất một con đường nhựa ven biển, chưa có trường cấp 3, chưa có bệnh viện, chưa có nghĩa trang, chưa có nhà máy nước, cả thị xã chỉ có 7 khách sạn,… hộ nghèo cao, kinh tế khó khăn, du lịch phát triển không bền vững, Cửa Lò đã rũ cát đứng lên thành đô thị du lịch văn minh, hiện đại và là cực tăng trưởng cao của tỉnh.
Sau 30 năm chúng ta có một đô thị du lịch loại 3 hiện đại, văn minh và phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Chẳng hạn như lĩnh vực hạ tầng, có hệ thống đường giao thông hiện đại, có nhà thi đấu thể thao, nhà máy nước, nghĩa trang, bệnh viện, trường học các cấp, trong đó có 2 trường phổ thông trung học, cảng quốc tế Cửa Lò, cảng du lịch, gần 300 khách sạn hiện đại, có khách sạn 4,5 sao… đời sống nhân dân được nâng cao, đói nghèo giảm, văn minh đô thị phát triển nhanh.
Cửa Lò đã là khu du lịch, điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Có thể nói Cửa Lò đã đạt được những thành tựu hết sức lớn lao, từ một vùng đói nghèo trở thành một trong những vùng phát triển nhất của tỉnh nhà!
PV: Ngày 4/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 475/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Vinh mở rộng, tỉnh Nghệ An đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó thị xã Cửa Lò được sáp nhập vào thành phố Vinh. Có thể nói đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Cửa Lò. Đồng chí có nghĩ đây vừa là cơ hội lớn cho sự phát triển của thị xã nói chung và du lịch Cửa Lò nói riêng nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn hơn đối với cấp ủy và chính quyền thị xã Cửa Lò?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Phải khẳng định Quyết định sáp nhập Cửa Lò vào Vinh là quyết định đúng đắn và sát hợp nhằm phát triển đô thị du lịch thương mại Cửa Lò bền vững, bởi vì đất đai Cửa Lò hẹp, không gian hẹp và nguồn lực hạn chế. Khi nhập vào thành phố Vinh, Cửa Lò sẽ mở rộng không gian du lịch thương mại, đồng thời có nguồn lực để phát triển theo chiến lược, kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, Cửa Lò được thiên nhiên ưu đãi với tiềm năng lớn về du lịch và qua 30 năm xây dựng phát triển, Cửa Lò đã vươn mình đứng dậy và thể hiện tính chuyên nghiệp, thương hiệu lớn. Vì vậy sau khi sáp nhập không được để mất thương hiệu Cửa Lò hấp dẫn, thân thiện, hiếu khách, để Cửa Lò ngày càng phát triển!
PV: Đồng chí có thể gợi ý một số giải pháp để Cửa Lò tiếp tục bứt phá, phát triển trong thời gian tới?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Để Cửa Lò bứt phá, phát triển, chúng ta cần có nhóm giải pháp đồng bộ, nên lấy biển là trung tâm, vươn ra biển, lấy thành phố Vinh là nền tảng, tiềm năng, kết nối liên vùng, liên miền du lịch cả nước và quốc tế.
Chúng ta cần tập trung một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đặc biệt hạ tầng du lịch và hạ tầng kết nối đô thị du lịch Cửa Lò với Vinh và các vùng khác. Xây dựng công viên xanh; thủy cung, du lịch đảo, hội chợ, cáp treo, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính… nhằm tạo nên không gian hấp dẫn, mới mẻ để du khách không chỉ tắm biển, nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp, mà còn tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, mua sắm hàng hóa, thưởng thức chương trình, loại hình du lịch đa dạng hấp dẫn.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực du lịch thương mại, chuyên nghiệp chất lượng cao. Cửa Lò phải trở thành trung tâm đào tạo chuyên ngành du lịch, thương mại, công nghệ cao của vùng và là nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại ngữ tốt, marketing giỏi.
Thứ ba, tích cực thu hút đầu tư tạo ra nhiều loại hình du lịch đa dạng, phát triển du lịch ra đảo Ngư, đảo Mắt, du lịch dọc Sông Lam, kết nối Xuân Thành, ngã ba Đồng Lộc, Thiên Cầm (Hà Tĩnh), quê Bác, Pù Mát và các tua tuyến du lịch hấp dẫn khác. Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa phục vụ du lịch.
Thứ tư, cần có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển du lịch thương mại, thu hút khách nước ngoài ngày càng nhiều, chẳng hạn cơ chế mua hàng miễn thuế, cơ chế thưởng, cơ chế phát triển trò chơi điện tử, trường đua ngựa, đua chó, trung tâm thi đấu thể thao tổ chức các giải lớn,…Xây dựng thương hiệu quà lưu niệm, sản phẩm đặc sắc phục vụ du khách.
Thứ năm, xây dựng Cửa Lò xanh sạch, đẹp, an ninh trật tự tuyệt đối tốt, thân thiện, quý mến khách. Chắc chắn một ngày không xa Cửa Lò sẽ phát triển vượt bậc.
PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí Phó Thủ tướng!
Cửa Lò rực rỡ trong đêm khai mạc Lễ hội du lịch 2024. Ảnh: Sách Nguyễn
Nguồn: Thanh Thủy – Báo Nghệ An