Đó là nơi xuất phát và trở về của những con thuyền đánh cá mà cư dân các làng chài mưu sinh từ bao đời ở các địa phương thuộc Nghi Lộc ngày nay. Đấy cũng là nơi tắm biển, nghỉ ngơi dạo chơi của cộng đồng cư dân quần tụ còn thưa thớt cho đến cuối thế kỷ XIX. Như thế đủ biết tầm quan trọng của bãi biển này với cư dân trong vùng.
Nhưng cũng có thể nói rằng, Cửa Lò cho đến lúc đó vẫn chưa phải là nơi nghỉ mát tắm biển thực sự quan trọng của cư dân đất Việt nói chung, ngay cả khi Lam Thành ra đời đầu thiên niên kỷ I hay Phượng Hoàng Trung Đô ra đời cuối thế kỷ XVIII. Bởi lẽ du lịch nghỉ mát, tắm biển nghỉ dưỡng vốn chưa phải là nhu cầu bức thiết của cộng đồng cư dân sinh sống trên địa bàn. Và dọc mảnh đất miền trung này, có nhiều bãi biển mà cư dân có thể sử dụng làm bãi tắm biển nghỉ mát, rất thuận lợi do gần nơi ở, dễ đi bộ, đi thuyền đến. Và sông nước trong vùng cũng sẵn cho cư dân lựa chọn vẫy vùng. Cửa Lò khi đó khí đó cũng mờ nhạt như nhiều bãi biển tự nhiện khác của vùng Hoan – Ái xưa.
Cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và chính sách khai thác thuộc địa của chúng ở Việt Nam đã làm thay đổi cả kết cấu cộng đồng cư dân ở một số vùng, trong đó có vùng Bắc miền Trung. Sau khi dập tắt phong trào Cần Vương mà cuộc kháng chiến cuối cùng và lớn nhất là khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo diễn ra trên địa bàn 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình), thực dân Pháp đã nhìn ra vị thế kinh tế- xã hội, quân sự – chính trị quan trọng của Bắc Miển Trung. Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1914) sau khi đã thành lập Liên bang Đông Dương(17/10/1887), thực dân Pháp không chỉ thay đổi cơ cấu hành chính mà còn chủ yếu là làm thay đổi cơ cấu knh tế – xã hội của Việt Nam. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được thực hiện ở nhiều địa phương và cùng với nó là sự ra đời của một số trung tâm công nghiệp, trong đó có trung tâm công nghiệp Vinh – Bến Thủy. Nơi đây người Pháp cho xây dựng một số nhà máy vào loại lớn lúc đó là nhà máy xe lửa Tràng Thi, nhà máy cưa xẻ Bến Thủy, nhà máy diêm Bến Thủy… Giao thông và đô thị mở mang với hệ thống đường bộ, đường sắt qua Vinh, cảng sông, cảng biển ở Vinh, Cửa Lò cúng ra đời. Con kênh lớn nối Thanh Hóa – Nghệ An cúng được mở rộng để làm đường thủy cho vận chuyển từ thời kỳ này.
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam đã tác động mạnh mẽ tới Nghệ An. Vinh trở thành một trung tâm công nghiệp, nơi tập trung đông đảo công dân và cả bộ máy hành chính với cả đội ngũ viên chức người Pháp và người Việt. Sự phát triển kinh tế và sự thay đổi cơ cấu xã hội ở Vinh cũng tác động đến các địa phương lân cận. Nắng gió nơi đây cùng với nhu cầu nghỉ mát tắm biển, nghỉ dưỡng cuối tuần của đội ngũ viên chức hành chính ở Vinh thời kỳ này là lý do chủ yếu để người Pháp chọn Cửa Lò làm nơi xậy dựng nhà nghỉ vào đầu thế kỷ XX.
Người Pháp vốn có truyền thống và kinh nghiệm phát hiện lựa chọn và xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch ở Pháp và các thuộc địa. Với đất nước có khí hậu nhiệt đới, ẩm và gió mùa như Việt Nam, nhu cầu nghỉ mát, nghỉ dưỡng được người Pháp đặt ra khá bức thiết. Vì vậy, ngay sau khi cuộc xâm lược kết thúc và chính sách khai thác thuộc địa lần 1 đang dần ổn định và thu được kết quả bước đầu, cuộc tìm kiếm và tiến hành xây dựng các khu du lịch đã diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Vào đầu thế kỷ XX, một loạt địa điểm được người Pháp lựa chọn bắt đầu việc xây dựng hệ thống khách sạn, nhà nghỉ và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện nước, trung tâm thương mại kèm theo. Cũng từ đó các điểm du lịch đã ra đời trong thời gian đó: Sapa (1903), Mẫu Sơn (1906), Tam Đảo (1904), Ba Vì (1906), Sầm Sơn(1907), Bạch Mã (1906), Bà Nà(1904), Vũng Tàu(1907), Đà Lạt(1903)…..Riêng các điểm du lịch như Vịnh Hạ Long, Đồ Sơn.. vẫn được người Việt lựa chọn xây dựng từ trước cũng được người Pháp cho mở rộng quy mô xây dựng và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Theo logic đó, người Pháp cũng bắt đầu cho khảo sát và xây dựng khu du lịch biển Cửa Lò từ đầu thế kỷ XX.
Có khá nhiều tài liệu cho thấy điều đó. Trong một vài bài viết ở tạp chí L’Avenin du Tonkin có nhan đề: “Le tourisme du Tonkin” (Du lịch Bắc Kỳ), tác giả Andre Masson có xác định: Ở Cửa Lò đã có đường ô tô từ Vinh xuống và có một nhà hai tầng cùng với 2 dãy nhà kiểu truyền thống của người Việt đã được xây dựng từ năm 1907. Bài viết vào tháng 2/1910. Trong một bài viết khác của Barbisier có nhan đề: L’ogasation Touristique dela baie d’ Halong ( Tổ chức du lịch của Vịnh Hạ Long) trên tạp chí L’Eveil economique de L’Indochine số 598 và 599 tháng 12/1928, tác giả cúng nhắc đến khu du lịch Cửa Lò và cho rằng Vịnh Hạ Long có lợi thế hơn so với các khu du lịch biển ở Bắc Kỳ và Trung kỳ như Sầm Sơn hình thành từ 1907 và Cửa Lò hình thành từ 1907 vì Vịnh Hạ Long đã có cơ sở hạ tầng từ trước đó khác lâu. Như vậy có thể thấy là từ trước đó, Cửa Lò đã được người Pháp chú ý và là lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng, du lịch hè và du lịch cuối tuần, trước hết cho đội ngũ viên chức Pháp – Việt ở trung tâm công nghiệp và hành chính Vinh – Bến Thủy cách đó hơn 10 km.
Theo một số tài liệu như ghi chép, bút ký của những nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ…để lại thì những năm đầu thế XX, thời trai trẻ của họ đã đến với Cửa Lò và được ở trong những nhà nghỉ và biệt thự ven biển. Khu biệt thự này đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp. Cửa Lò cũng là khu du lịch được ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại cho đem giống hoa cúc biển khá hấp dẫn và chịu được nắng gió và về trồng trên lối đi, thảm cỏ, tạo nên nét đặc sắc riêng có của Cửa Lò những năm đó. Và cũng theo tài liệu lưu trữ để lại hiện nay, đến 1907, Cửa Lò đã được tiếp tục xây dựng nhà nghỉ, biệt thự ven biển để phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, du lịch biển của khách mà trước đó do nhiều nguyên nhân chưa xây dựng được dù người Pháp đã khảo sát và cấp phép xậy dựng.
Đường giao thông thuận lợi, điều kiện tự nhiên – tài nguyên du lịch – hấp dẫn có thể khai thác dễ dàng cho hoạt động du lịch. Thêm vào đó là sự tập trung đông dần của đội ngũ viên chức hành chính, quản lý công nghiệp ở Vinh, Bến Thủy cùng hệ thống giao thông thủy bộ phát triển, khí hậu nóng bức, gió lào..Cửa Lò càng là nơi nghỉ mát cần thiết và được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy, trong sách hướng dẫn du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Cửa lò cũng được khẳng định: năm 1907 đã có một khu biệt thự được bắt đầu xây dựng.
Tất cả đó cho thấy, năm 1907 là một mốc lịch sử quan trọng trong sự ra đời và phát triển của khu du lịch biển Cửa Lò. Văn bản ký ngày 05/6/1907 của toàn quyền Đông Dương cho phép tiếp tục sử dụng đất ở Cửa Lò chúng tỏ ý nghĩa đó. Văn bản này cũng cho thấy trước đó, việc cho phép sử dựng đất ở Cửa Lò đã không thực hiện được sau hơn năm năm. Như vậy xét về mặt logic lịch sử, mốc 1907 có thể coi là mốc mở đầu cho quá trình hình thành khu du lịch biển Cửa Lò. Văn bản của toàn quyền Đông Dương cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến việc khai thác Cửa Lò cho du lịch nghỉ dưỡng, mở ra cho Cửa Lò vị thế mới ngang tầm với các khu du lịch biển khác hồi đó ở Việt Nam. Xin lưu ý thêm rằng vào đầu thế kỷ XX, khi chọn các địa điểm cho du lịch nghỉ dưỡng .. ở Việt Nam, người Pháp không hề có quyết định hay nghị định về thành lập khu hoặc điểm du lịch – dù là để du lịch hay nghỉ dưỡng – mà đều là quyết định sử dựng đất hay rừng, hồ để xây dựng, làm đường.. Các khu du lịch, điểm du lịch thường lấy ngày phát hiện, ngày xây nhà nghỉ đầu tiên làm ngày truyền thống.
Vì vậy việc lấy ngày 05/6/1907 làm ngày ra đời của du lịch biển Cửa Lò là hợp lý và xác đáng cả về lịch sử và ý nghĩa xúc tiến quảng bá cho du lịch Cửa Lò hiên tại và tương lai, cả về giáo dục nhận thức cho phát triển bền vững cho Cửa Lò nói chung. Việc xác định ngày hình thành ( và cũng có thể gọi là ngày truyền thống) của du lịch biển Cửa Lò cũng nhằm khẳng định các giá trị vốn có và lâu đời của Cửa Lò để có giải pháp khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Cửa Lò thành đô thị du lịch thật sự theo đúng chuẩn của nó trong tương lai, khơi dậy niềm tự hào về một vùng đất không chỉ kiên cường, gan góc, có truyền thống cách mạng với những danh nhân bất hủ được ghi nhớ, thờ phụng vừa còn là vùng đất giàu tiềm năng thực sự. Nếu biết khai thác có hiệu quả và lâu bền tiềm năng đó, Cửa Lò nói riêng, Nghệ An nói chung sẽ là điểm đến đặc biệt quan trọng của du lịch Việt Nam.
Sau một thời gian gián đoạn vì những thăng trầm lịch sử như chiến tranh cách mạng hơn 30 năm, rồi khủng hoảng kinh tế trầm trọng những năm cuối 70 đầu 80 thế kỷ XX, chỉ chừng 20 năm qua, Cửa Lò mới được “đánh thức”. Cửa Lò không chỉ lấy lại vị thế xưa đã từng có, từng được kỳ vọng vào đầu thế kỷ XX mà còn phát triển nhanh, mạnh và bề thế trong nhưng năm gần đây. Nghệ An đã có chính sách đầu tư, phát triển cho Cửa Lò.
Vấn đề đặt ra hiện nay của Cửa Lò là một quy hoạch thật sự khoa học, những chính sách đồng bộ để phát triển và sự đồng thuận cao để biến tiềm năng, nhân lực, vật lực thành sản phẩm. Sự phát triển bền vững của Cửa Lò cần được khẳng định một cách có trách nhiệm và tự hào của người Cửa Lò, người Nghệ An trong quá trình chuẩn bị cho kỷ niệm 105 năm ngày truyền thống du lịch Cửa Lò và trong suốt quá trình phát triển tương lai.