(Baonghean.vn) – Chọn trường, chọn lớp đang là băn khoăn của nhiều phụ huynh trước Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay. Trên thực tế, cơ hội lựa chọn của phụ huynh không nhiều khi có quá ít trường tuyển sinh NV2, NV3 và địa bàn tuyển sinh cũng không thuận lợi với đại đa số thí sinh.
Nhiều đắn đo
2 ngày trước khi Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chính thức mở hệ thống đăng ký tuyển sinh vào lớp 10, chị Trần Thị Hằng ở phường Trung Đô (TP. Vinh) vẫn chưa biết sẽ nộp cho con vào trường công lập nào ở thành phố Vinh.
Con tôi học lực ở mức khá, các kỳ thi thử chỉ đạt từ 18 – 19 điểm. Kỳ thi gần nhất do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức thì cháu đạt tới hơn 24 điểm. Điều này chứng tỏ phong độ cháu chưa ổn định, làm bài chưa chắc chắn. Cháu muốn thi vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nhưng gia đình tôi muốn định hướng cho cháu sang trường khác có điểm chuẩn thấp hơn để đảm bảo có một suất vào trường công lập. Ngoài ra, tôi cũng muốn đăng ký cho cháu thêm NV2, NV3 vào một trường công lập khác, nhưng quả thực rất khó khăn, vì trên địa bàn thành phố Vinh không có trường công lập nào tuyển NV2.
Nghệ An có 90 trường THPT, trong đó có 72 trường THPT công lập. Tại thành phố Vinh, ngoài các trường đặc thù, trường chuyên, toàn thành phố chỉ có 3 trường công lập là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Hà Huy Tập và THPT Lê Viết Thuật. Từ 3 năm trở lại đây, tất cả các trường này đều chỉ tuyển sinh NV1 khiến cho việc lựa chọn của phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn.
Học sinh Nguyễn Thanh Ngọc – lớp 9A – Trường THCS Nghi Ân (thành phố Vinh) là học sinh giỏi liên tục 4 năm THCS. Nữ sinh này cũng từng được chọn đi thi học sinh giỏi tiếng Anh thành phố. Tuy nhiên, ở kỳ thi sắp tới, em cho biết, sẽ thi vào Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc) để dễ dàng trúng tuyển, tránh phải cạnh tranh với nhiều học sinh khác ở trong thành phố.
Lớp chúng tôi có 45 học sinh và chỉ khoảng 30% học sinh thi vào các trường công lập hoặc trường chuyên của thành phố. Còn lại các em đều lựa chọn đăng ký vào các trường huyện kế cận như Trường THPT Nghi Lộc 3, Nghi Lộc 4 và Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Điều này sẽ dẫn đến những thiệt thòi nhất định nhưng so với mặt bằng chung, học sinh vùng ven điều kiện học tập còn nhiều hạn chế nên các em khó có thể cạnh tranh với các trường nội đô. Để tăng cơ hội trúng tuyển, tôi cũng mong rằng ở kỳ thi tới, Sở cần quan tâm đến việc ra đề thi, làm sao đề phải sát với năng lực chung của học sinh toàn tỉnh và có tính phân hóa, đảm bảo được quyền lợi cho học sinh ở tất cả các vùng miền.
Thực tế, việc đăng ký vào các trường ngoài công lập hoặc một số trường đặc thù có tính chất ưu tiên cũng khiến nhiều phụ huynh đắn đo. Chị Nguyễn Thị Tuyết có con đang học lớp 9 ở một trường trung tâm thành phố Vinh nói rằng, chị được cô giáo chủ nhiệm thông báo về kết quả học tập của con tại trường và điểm thi giữa kỳ, khảo sát cuối kỳ. Với tổng điểm 3 môn dưới 16 điểm, cháu được xếp vào danh sách khó thi đậu vào trường công lập. Nhà trường cũng đề nghị, với những cháu này, phụ huynh có thể không đăng ký dự thi vào lớp 10 và nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào một trường ngoài công lập. Trong khi đó, gia đình chị Tuyết vẫn muốn cho con được thử sức ở Kỳ thi vào lớp 10.
Tương tự, sau đợt học phụ huynh lớp 9 vào cuối tuần vừa qua, chị Lan đang có con học tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực hành Sư phạm – Trường Đại học Vinh cũng buộc phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Trước đó, theo thông báo của nhà trường, đây là năm đầu tiên trường tuyển sinh 3 lớp 10 và dành 50% chỉ tiêu ưu tiên cho những học sinh đang theo học bậc THCS ở trường. Điều kiện để theo học đó là sau khi có kết quả trúng tuyển, học sinh sẽ nhập học và cam kết không làm thủ tục xin chuyển sang trường khác.
Điều đó, đồng nghĩa với việc các học sinh không có cơ hội để học các trường công lập hoặc trường chuyên khác dù trúng tuyển.
Nói thêm về điều này, chị Lan cho biết: Nếu học ở trường thực hành sư phạm các con sẽ không còn áp lực tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, sau 9 năm phổ thông, tôi và cháu vẫn muốn được thử thách ở Kỳ thi lớp 10 và có thêm nhiều cơ hội khác. Việc nhà trường đưa ra quy định này khiến nhiều phụ huynh rơi vào thế “khó”.
Không nhiều cơ hội lựa chọn
Trường THPT Con Cuông là 1 trong 2 trường công lập trên địa bàn huyện Con Cuông. Những năm qua, do nguồn tuyển sinh không cao nên điểm chuẩn đầu vào của trường khá thấp, thậm chí có những năm dưới điểm trung bình. Hiện tại, dù có nhiều cơ hội để có thể tuyển sinh thí sinh có chất lượng hơn ở các địa bàn khác, nhưng Trường THPT Con Cuông chỉ tuyển sinh thí sinh đăng ký NV1.
Mặc dù số lượng học sinh lớp 9 trên địa bàn huyện Con Cuông năm nay tăng hơn so với năm học trước, nhưng dự báo sẽ có khá nhiều học sinh phân luồng, không đăng ký thi lên THPT. Do đó, để đảm bảo đủ số lượng học sinh, chúng tôi sẽ ưu tiên thí sinh đăng ký NV1 và chủ yếu là học sinh trên địa bàn. Nếu tuyển sinh NV2, học sinh ở các địa phương khác có thể về đăng ký nhưng tính ổn định không cao. Có thể, một số học sinh sau một hai năm học các em sẽ chuyển trường hoặc bỏ học, ảnh hưởng đến sĩ số học sinh của toàn trường.
Trên toàn tỉnh Nghệ An, theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm nay trong số hơn 100 các trường THPT công lập, ngoài công lập, các trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có 44 đơn vị có tuyển sinh học sinh đăng ký xét tuyển theo NV2 và NV3. Tuy nhiên, số trường công lập có tuyển sinh NV2 lại chỉ đếm trên đầu ngón tay với 6 trường, đó là Trường THPT Yên Thành 2, THPT Yên Thành 3, THPT Kỳ Sơn, THPT Quế Phong, THPT Anh Sơn 2 và Trường THPT Cát Ngạn (Thanh Chương).
Đây đều là những trường nằm ở vùng miền núi hoặc nằm ở khu vực khó khăn, nguồn tuyển sinh không nhiều. Việc tuyển sinh NV2 về lý thuyết sẽ tăng cơ hội để các trường tuyển thêm học sinh có đầu vào chất lượng. Nhưng, thực tế, điều này khó xảy ra bởi do địa bàn quá xa trung tâm nên số học sinh ở các địa bàn khác sẽ đăng ký NV2 không nhiều. Về phía phụ huynh, rất nhiều người muốn đăng ký thêm nguyện vọng cho con nhưng với khoảng cách địa lý này, điều này là không khả thi.
Do không có nhiều cơ hội lựa chọn, nên điều phụ huynh lo lắng nhất ở Kỳ thi lớp 10 năm nay đó là điểm chuẩn sẽ tăng, nhất là trong bối cảnh số học sinh thi vào lớp 10 năm nay tăng đột biến. Đây cũng là dự báo của nhiều nhà trường, đặc biệt là ở những trường có tỷ lệ chọi cao.
Năm nay dù huyện Quỳnh Lưu tăng hơn 600 học sinh nhưng trường chúng tôi chỉ tuyển 630 học sinh với 14 lớp và chỉ tăng 14 chỉ tiêu so với năm học trước. Với thực tế này, tôi nghĩ rằng nếu đề vẫn giữ ổn định như các năm trước thì điểm chuẩn sẽ tăng.
Trước đó, ở năm học trước, điểm chuẩn vào lớp 10 tăng đồng loạt trên toàn tỉnh. Như ở Trường THPT Quỳnh Lưu 1 tăng 4 điểm, nhiều trường ở huyện Diễn Châu tăng từ 3 – 6 điểm, các trường ở thành phố Vinh cũng tăng trung bình từ 2 – 3 điểm. Việc điểm chuẩn tăng liên tục qua các năm là áp lực của nhiều học sinh và của các nhà trường và khiến cho cuộc đua vào lớp 10 công lập càng trở nên khó khăn. Về Kỳ thi năm nay, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10, với quan điểm nội dung đề thi phải thuộc phạm vi nội dung chương trình Trung học cơ sở, chủ yếu thuộc chương trình lớp 9 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Ngoài ra, đề phải yêu cầu có đủ bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, trong đó mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm 50 – 60% tổng số điểm và mức độ vận dụng và vận dụng cao: 40 – 50% tổng số điểm.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng cho biết, so với năm trước, đề thi vẫn giữ nguyên tính ổn định. Tuy nhiên, đề thi sẽ có tính phân hóa cao hơn để phân hóa thí sinh và cũng giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong việc tuyển chọn đầu vào. Ngay sau khi ban hành cấu trúc đề thi, Sở cũng yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo dựa các văn bản tuyển sinh của Sở và cấu trúc đề thi để tổ chức dạy học và ôn tập để phù hợp với từng đối tượng học sinh./.
Nguồn: Mỹ Hà – Báo Nghệ An