(Baonghean.vn) – Những ngày đầu Xuân năm mới, các điểm du lịch tâm linh và di tích lịch sử trên địa bàn Nghệ An đã thu hút một lượng lớn khách du lịch về tham quan, chiêm bái và nguyện cầu những điều may mắn, tốt đẹp.
Đi lễ Xuân đầu năm
Chùa Anh Sơn tọa lạc trên địa bàn xã Hoa Sơn (Anh Sơn) được tôn tạo lại cách đây không lâu nhưng đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham quan, chiêm bái, nhất là những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024.
Bà Trần Thị Vân ở xã Tường Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Mấy năm gần đây, vào dịp đầu năm mới, chúng tôi thường du Xuân đến chùa Anh Sơn để cầu bình an, may mắn. Trong dịp này, chùa đón rất đông du khách về vãn cảnh, cầu an”.
Không chỉ người dân trên địa bàn huyện Anh Sơn, chùa Anh Sơn còn thu hút nhiều du khách từ các huyện Đô Lương, Tân Kỳ và Con Cuông về chiêm bái. Tính riêng trong dịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chùa đã thu hút hàng trăm người dân và du khách.
Đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên) là một trong những di tích thu hút rất đông du khách đến tham quan và cầu an, cầu lộc. Nơi đây mỗi ngày có đến hàng nghìn du khách tìm đến, tính riêng dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi có tổng số hơn 33.000 lượt khách về du Xuân. Không chỉ khách trong tỉnh, đền Hoàng Mười còn thu hút một lượng lớn khách ngoài tỉnh, chủ yếu là du khách đến từ các tỉnh phía Bắc.
Bà Trịnh Thị Hiền – du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đền Hoàng Mười nổi tiếng linh thiêng nên hàng năm vào dịp đầu Xuân, tôi cùng nhóm bạn của mình đều thuê xe vào đây dâng lễ cầu may mắn, làm ăn, buôn bán được phát đạt. Vì đền rất linh thiêng nên số lượng người tham gia vào nhóm của chúng tôi cũng tăng lên hàng năm, mỗi khi đến đây cảnh đền luôn đông đúc, nhộp nhịp”.
Đến từ tỉnh Hải Dương, mỗi năm vào dịp đầu Xuân, bà Nguyễn Phương Nhung đều sắp xếp thời gian, vượt hàng trăm cây số vào Nghệ An dâng hương tại đền Hoàng Mười. Với bà Nhung, đền Hoàng Mười thực sự là điểm du lịch tâm linh lý tưởng, có phong cảnh đẹp, linh thiêng, người dân hồn hậu và mến khách. Điều đó đã tạo nên sức hút lớn đối với du khách gần, xa.
Không chỉ chùa Anh Sơn và đền Hoàng Mười mà nhiều đền, chùa, di tích trên địa bàn tỉnh cũng thu hút nhiều khách du lịch. Có thể kể đến chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), chùa Cổ Am (Diễn Châu), chùa Diệc, đền Quang Trung (TP. Vinh), đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), đền Quả Sơn (Đô Lương)… là những điểm thường xuyên có đông du khách tham quan.
Đặc biệt, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương) cũng là điểm hành hương được nhiều du khách lựa chọn trong những ngày đầu năm. Theo ông Phan Trọng Lộc – Giám đốc khu di tích, dịp đầu năm mỗi ngày có hàng nghìn du khách về dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ tại Truông Bồn và cầu mong cuộc sống yên vui, hạnh phúc.
“Du khách về Truông Bồn đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với các lứa tuổi khác nhau, trong đó có rất nhiều người ở lứa tuổi thanh, thiếu niên”, ông Phan Trọng Lộc nói.
Những chuyển biến tích cực
Dịp đầu Xuân năm nay thời tiết đẹp, thuận lợi cho việc tham quan, chiêm bái các di tích lịch sử, hầu hết các điểm du lịch tâm linh luôn đông đúc, nhộn nhịp. So với những năm trước, dù lượng khách du lịch lớn hơn nhưng công tác tổ chức tiếp đón, hành lễ vẫn đảm bảo trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan sạch, đẹp.
Nổi bật là Di tích đền Hoàng Mười có nhiều chuyển biến rõ nét, trong khuôn viên đền không có quán bán lễ, hàng mã và dịch vụ ghi sớ, xóc xăm. Cũng không còn cảnh chen lấn, xô đẩy nhau lúc dâng hương, dâng lễ; phía bên ngoài không còn tình trạng “chặt chém” về giá gửi xe ô tô, xe máy.
Vì vậy, bà Trịnh Thị Hiền (du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ thực sự yên tâm và cảm thấy hài lòng khi trở lại chiêm bái đền Hoàng Mười dịp Xuân Giáp Thìn.
Có mặt tại một số đền, chùa, chúng tôi nhận thấy ban quản lý các khu di tích đã tổ chức sắp xếp khu vực để xe, có biển hướng dẫn từng khu vực phục vụ, bố trí các điểm hóa vàng mã hợp lý. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo tốt an ninh, trật tự, phòng, chống cháy, nổ, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung; giữ yên tĩnh nơi tôn nghiêm.
Nghiêm cấm lợi dụng các hoạt động tự do tín ngưỡng để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, cờ bạc, lừa đảo; không đặt tiền, cắm hương ở gốc cây, bỏ rác vào thùng và nơi quy định…
Một điều đáng ghi nhận nữa là hầu hết các đền, chùa, điểm di tích lịch sử, tình trạng du khách đặt tiền lẻ lên các ban thờ, tay Phật hay các gốc cây không còn xảy ra tràn lan, phổ biến như những năm trước. Phần lớn mọi người đã có ý thức cung tiến vào hòm công đức, thể hiện tính văn minh, lịch sự ở chốn linh thiêng và tôn nghiêm.
Đây là những việc làm thiết thực, góp phần đưa các hoạt động nghi lễ ở các đền, chùa thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam.
Nghệ An là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa với hàng trăm di sản văn hóa vật thể như đình, chùa, đền, miếu, danh lam, thắng cảnh. Do đó, phát triển du lịch tâm linh đã được tỉnh xác định là một loại hình du lịch góp phần quan trọng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để thu hút du khách về các điểm du lịch tâm linh, thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn. Từ đó, từng bước đáp ứng nhu cầu chiêm bái và đời sống tâm linh của người dân địa phương và du khách gần xa, nhất là vào dịp đón Xuân năm mới.
“Từ cuối tháng 12/2023, Sở Du lịch đã có công văn chỉ đạo về việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch trong dịp đón Tết, trong đó có các điểm du lịch tâm linh. Công văn yêu cầu các khu, điểm du lịch, kể cả đền, chùa bố trí nơi đón tiếp thuận tiện với hệ thống bảng, biển chỉ dẫn khoa học, phù hợp với cảnh quan, mỹ quan. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động du lịch, tuân thủ quy tắc ứng xử văn minh du lịch”.
ÔNG NGUYỄN MẠNH CƯỜNG – GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH NGHỆ AN
Nguồn: Công Kiên- Báo Nghệ An