Ngày 18/8, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 608/KH-UBNDthực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 12-NQ/TU để các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp hiểu được vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đồng thời đề ra nhiệm vụ cụ thể, xác định lộ trình thực hiện và lựa chọn những nhiệm vụ ưu tiên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 về phát triển bền vững kinh tế biển.
UBND tỉnh yêu cầu, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch cần tạo sự thống nhất tư tưởng, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của từng đơn vị để huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế biển.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã; trong đó xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện đối với từng nhiệm vụ bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động các nguồn lực của tỉnh.
Quản lý tổng hợp biển, hải đảo
UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ quan điều phối liên ngành để thống nhất chỉ đạo và thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương để xác định phạm vi ranh giới quản lý biển giữa các địa phương có biển giáp ranh (Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh) tránh chồng lấn, tranh chấp, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về biển đảo có hiệu lực, hiệu quả.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến biển đảo đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW; tổ chức thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 sau khi được Chính phủ phê duyệt.
Mặt khác, tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, thực hiện công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
Phát triển kết cấu hạ tầng và công nghiệp ven biển
UBND tỉnh yêu cầu tập trung kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu bến Bắc Cửa Lò (nhất là Cảng nước sâu Cửa Lò với 03 bến cho tàu có 100.000 DWT thành cảng Quốc tế), khu bến Đông Hồi; thu hút đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào khu bến Nam Cửa Lò đảm bảo cho các tàu có trọng tải lớn cập bến… Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông kết nối đến cảng biển như đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); Đường nối Vinh – Cửa Lò, giai đoạn 2; đường đến các cảng biển, đường du lịch ven biển… Phối hợp đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, phía Đông… Cùng với đó, nâng cấp mở rộng các khu neo đậu, tránh, trú bão tại khu vực bến cảng đảm bảo điều kiện, nhu cầu cho các tàu của ngư dân và các tàu có công suất lớn, qua đó giải quyết tình trạng quá tải trong mùa mưa lũ.
Mặt khác, xây dựng và đưa vào hoạt động 01 chợ đầu mối thủy sản tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Phát triển các Khu công nghiệp, Khu kinh tế vùng ven biển với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp tập trung để hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.
Đẩy mạnh cơ cấu ngành công nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Đến năm 2025, công nghiệp Nghệ An nói chung và các huyện ven biển nói riêng phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và không gian; một số chuyên ngành, lĩnh vực có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP và đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách.
Phát triển kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới
Phát huy vai trò trọng yếu của vận tải biển trong kết nối Nghệ An với thị trường quốc tế, tạo sức hút với dòng vốn FDI trong giai đoạn 2021-2030. Xây dựng 01 Trung tâm logistics hạng II trong Khu kinh tế Đông Nam.
Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ logistics, có sự kết nối liên kết vùng với Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, hình thành nhiều hơn các doanh nghiệp liên doanhvới nước ngoài nhằm nâng cao năng lực vận tải của địa phương. Phát triển năng lực vận tải biển của các doanh nghiệp Nghệ An; tăng cường phạm vi hoạt động vận tải biển viễn dương (đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nướctrong khu vực ASEAN).
Phát triển du lịch và dịch vụ vùng ven biển
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 55-CT/TU ngày 04/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2030, trong đó có du lịch biển.
Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cho các địa bàn trọng điểm du lịch biển, hải đảo; từng bước hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao. Tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn với các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
Trong giai đoạn 2021-2030 vẫn giữ và tiếp tục hoàn thành các dự án sân golf ven biển như Sân golf Mường Thanh, Diễn Châu; Sân golf Cửa Lò, Nghi Hương; Sân golf Nghi Tiến, Nghi Lộc và thêm 2 dự án sân golf mới: Khu sân golf Diễn Trung, Diễn Châu, khu sân golf và nghỉ dưỡng tại xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, TX Hoàng Mai và khu vui chơi giải trí Thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu và 100% các khu du lịch có trung tâm vui chơi, giải trí.
Khai thác khoáng sản biển
Tiếp tục thực hiện công tác điều tra cơ bản tài nguyên biển, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; tăng cường tìm kiếm, điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên khoáng sản biển vùng biển của tỉnh. Đề xuất và thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đề án tăng cường năng lực, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển vùng ven biển gắn với chế biến sâu, trong đó có titan và cát trắng thạch anh…; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió và các dạng năng lượng khác theo quy hoạch.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh cũng đưa ra nhóm nhiệm vụ, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa vùng ven biển; nhiệm vụ, giải pháp trong ứng dụng khoa học công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển; giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.