Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 là phát huy tiềm năng, lợi thế, vị trí địa – văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú để tạo bước đột phá cho du lịch Nghệ An, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu của tỉnh.
Bãi biển Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Trần Duy Ngoãn
Mục tiêu cụ thể: đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9 – 10%. Đến năm 2035 Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch Châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10 – 12%.
Từ đó, đưa vào Chiến lược các chỉ tiêu phát triển du lịch cho mỗi giai đoạn; đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ ưu tiên đột phá; xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh Nghệ An.
Du khách nghe thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên
Trên cơ sở đó định hướng xây dựng 7 loại hình sản phẩm chính, gồm: Du lịch văn hóa – lịch sử; Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái, khám phá, thám hiểm; Du lịch cộng đồng, trải nghiệm; Du lịch đô thị, mua sắm; Du lịch MICE và Du lịch chuyên đề, danh nhân.
Về định hướng phát triển không gian du lịch, Chiến lược đề ra 4 hướng phát triển, bao gồm: Hướng 1 (thành phố Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc); hướng 2 (Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai); hướng 3 (Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn); hướng 4 (Quỳ Châu, Qùy Hợp, Quế Phong).
Vẻ đẹp Đảo chè (Thanh Chương). Ảnh: Lê Quang Dũng
Dựa trên đặc điểm về địa hình và tài nguyên của mỗi hướng phát triển sẽ tập trung đầu tư xây dựng, phát triển loại hình du lịch phù hợp. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đề ra định hướng phát triển không gian du lịch trọng điểm, trọng tâm…
Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 còn quan tâm đến bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên du lịch; phát triển không gian theo phân vùng tài nguyên du lịch; định hướng phát triển hệ thống kết nối du lịch, tour du lịch; định hướng phát triển hạ tầng du lịch và các nhóm giải pháp phát triển du lịch.
Lộ trình thực hiện chiến lược theo hai giai đoạn, giai đoạn I (2023 – 2030); giai đoạn II (2031 – 2935); trên cơ sở đặc điểm tình hình của mỗi giai đoạn sẽ lựa chọn cách triển khai phù hợp.
Rừng săng lẻ (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuyên
Trong Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã giao các các Sở, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã, doanh nghiệp có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để tổ chức thực hiện, đẩy mạnh công tác phối hợp, tăng cường hiệu quả thực hiện…
Công Kiên – Báo Nghệ An