Trước đó, như Báo Nghệ An đã đưa tin, ngày 26/12/2022, UBND thị xã Cửa Lò đã ban hành phương án quản lý hoạt động kinh doanh đối với xe điện 4 bánh chở khách du lịch trên địa bàn thị xã Cửa Lò năm 2023. Trong đó, với hạ tầng giao thông hiện có, thị xã chỉ cho phép bố trí tối đa 300 xe điện. Với phương án này, số lượng xe điện 4 bánh sẽ giảm từ 558 xe hiện có xuống còn 300 xe.
Bên cạnh đó, thực hiện các quy định của pháp luật, trong đó căn cứ theo các quy định của Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an và Thông tư 86/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải các phương tiện là xe điện 4 bánh phải qua đăng ký, đăng kiểm mới được phép hoạt động. Tuy nhiên, sau khi phương án được ban hành, nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ xe điện đã lên tiếng phản đối.
Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Doãn Tiến Dũng chủ trì buổi đối thoại với người dân. Ảnh: TĐ
Tại buổi đối thoại, các hộ dân kinh doanh dịch vụ xe điện cũng đã nói lên ý kiến của mình. Ông Võ Văn Bình, khối Bình Minh, phường Nghi Thuỷ cho rằng: Cuối năm 2022 các hộ dân đã nghe qua thông tin sẽ phải đổi xe. Gần nhất là cuối tháng 2/2023 nghe thông tin xe điện phải đăng kiểm mới được hoạt động khiến người dân rất hoang mang. Bởi những năm gần đây, dịch bệnh cộng với việc vay vốn ngân hàng gặp khó khăn, sẽ rất khó để người dân trong một thời gian ngắn có thể xoay xở. Vì thế ông Bình đã đề nghị được giãn thời gian đăng ký, đăng kiểm thêm 1 mùa du lịch nữa (năm 2024). Bởi vì thực tế, người dân cũng hiểu rằng, nếu đưa xe đi đăng kiểm sẽ rất khó đạt. Chưa kể nếu đi mua xe mới trong thời điểm này sẽ bị các cơ sở kinh doanh xe điện ép giá.
Ông Phan Văn Hải, chủ xe điện số 5033 cho rằng, trước đây xe điện do công ty quản lý. Từ năm 2016 trở lại đây, các hộ tự mua xe, đóng thuế đầy đủ. Khi các hộ dân nghe thông tin về việc hạn chế số lượng xe thì rất băn khoăn. Đề nghị UBND thị xã xem xét việc duy trì 558 xe cho chạy ngày chẵn lẻ hơn là 300 xe chạy 1 ngày…
Ông Phùng Minh Hồng, ở khối Đoàn Kết, phường Nghi Thủy thì có ý kiến rằng thời gian thay xe quá gấp, sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh xe điện lợi dụng để nâng giá xe. Số tiền mất đi khi phải bán xe cũ, trong khi phải bỏ ra mua xe mới là quá lớn. Đồng thời ông đề nghị UBND thị xã không đưa phương án ghép xe (2 hộ chung nhau 1 xe), vì sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn. Bên cạnh đó, UBND thị xã cũng cần có chính sách quản lý, khai thác xe điện 4 bánh, và công khai chính sách đó. Chưa kể người dân còn băn khoăn khi thị xã Cửa Lò sáp nhập vào thành phố Vinh thì chính sách đó sẽ thay đổi như thế nào?
Một số ý kiến cũng nêu quan điểm thời gian thay xe không kịp, trong khi mùa du lịch đã đến gần; đề nghị giữ nguyên phương án của năm 2022, vì năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc kinh doanh du lịch gặp khó khăn. Có ý kiến còn cho rằng việc thực hiện kế hoạch là không thể trì hoãn, tuy nhiên nên giãn thời gian thực hiện việc thay xe mới đến tháng 9/2023. Trong khoảng thời gian từ đây đến hết tháng 9/2023 thì tiến hành cắm biển dừng đỗ và tiến hành tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân…
Trước nay các xe điện 4 bánh trên địa bàn thị xã Cửa Lò hoạt động gần như không được đăng kiểm theo định kỳ. Ảnh: TĐ
Tại buổi làm việc, đại diện các phường Nghi Thuỷ, Thu Thuỷ là nơi có đông người dân hoạt động kinh doanh dịch vụ xe điện 4 bánh cũng đã phát biểu ý kiến cho rằng, sau khi nhận được chủ trương, kế hoạch của thị xã, chính quyền địa phương cũng đã thông tin đầy đủ đến các hộ dân. Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của xe điện, tạo hình ảnh du lịch thân thiện, vì sự phát triển chung của thị xã.
Ông Võ Văn Tuất – Chủ tịch UBND phường Nghi Thuỷ cho biết: Vào ngày 20/10/2022, sau khi UBND thị xã có thông báo về cho các phường, tuyên truyền người dân không mua thêm xe điện 4 bánh, phường cũng đã phổ biến đến các hộ dân. Thậm chí, phường cũng đã họp triển khai và xây dựng quy chế hoạt động của hiệp hội xe điện. Tuy nhiên đến nay việc thành lập hiệp hội đang tạm dừng chờ thực hiện xong phương án chuyển đổi xe điện sẽ tiến hành thành lập.
Ông Hoàng Năng Hiệp – Trưởng phòng Quản lý đô thị – UBND thị xã Cửa Lò, cho rằng: Thực hiện Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an và Thông tư 86/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, các sở, ban ngành cũng đã có hướng dẫn về việc đăng ký, đăng kiểm. Đặc biệt, ngày 28/4/2021, UBND thị xã cũng đã có văn bản số 565/UBND-ĐT bàn về phương án thay thế xe điện 4 bánh trên địa bàn gửi cho các phường để thông báo cho người dân được rõ. Thị xã đồng thời cũng có văn bản gửi các phường tuyên truyền người dân không mua thêm xe mới nhằm giữ nguyên con số 558 xe hiện tại.
Nhiều xe điện tại TX.Cửa Lò đã hoạt động nhiều năm đến nay không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, trong khi đó xe điện là phương tiện phải được tiến hành đăng kiểm định kỳ, nếu đảm bảo tiêu chuẩn thì mới được phép hoạt động. Ảnh: TĐ
Ông Hiệp cũng nhấn mạnh, thông tin về việc thay xe đã có từ lâu, không phải đến nay người dân mới được biết. Đến thời điểm này, việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường là điều không thể trì hoãn. Thực tế, dù đã có thông tin hạn chế tình trạng mua bán xe điện, nhưng nhiều hộ dân vẫn tiến hành mua bán “lốt” xe trị giá hàng trăm triệu đồng.Đầu tháng 4 thị xã sẽ tổ chức lớp tập huấn về văn hóa giao tiếp cho lái xe điện để mỗi người dân đều trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Sau khi tập huấn sẽ tiến hành sát hạch để được phép hoạt động.
Dưới góc độ là cơ quan làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự – an toàn giao thông trên địa bàn, Thượng tá Phan Thị Thu Thuỷ, Phó trưởng Công an thị xã Cửa Lò cho rằng: Các văn bản mà Thị ủy và UBND thị xã ban hành đã được quán triệt đến tất cả các cơ quan, ban ngành. Trải qua hơn 10 năm thí điểm kinh doanh xe điện, thị xã đã từng bước tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà xe điện mắc phải. Đến thời điểm này không thể trì hoãn việc thực hiện đúng quy định về đăng ký, đăng kiểm xe điện.
Theo Thượng tá Phan Thị Thu Thuỷ: Hàng năm xe điện vi phạm các quy định rất nhiều, cơ quan công an là đơn vị đứng ra xử lý. Hiện nay, muốn thay đổi bộ mặt du lịch Cửa Lò văn mình, hiện đại thì nhất thiết phải thực hiện việc quản lý chặt chẽ đối với loại hình phương tiện này.
Kết luận tại buổi đối thoại, ông Doãn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò một lần nữa nhấn mạnh, kể từ năm 2010, nhằm phù hợp với điều kiện phát triển, thị xã đã xin chủ trương thí điểm xe điện trong doanh nghiệp, đến 2015 đã phải điều chỉnh, đưa xe điện về cho người dân tự quản lý. Từ đó đến nay, số lượng xe điện hàng năm đều tăng gây khó khăn cho thị xã trong việc quản lý, nhất là hàng năm đều phải trình xin điều chỉnh từ UBND tỉnh.
“Hiện nay, quy định của pháp luật đã ban hành, việc chấp hành các quy định đó phải được thực hiện, chủ tịch UBND thị xã không có thẩm quyền để quyết định việc các xe không đạt đăng kiểm vẫn có thể duy trì hoạt động” – Ông Dũng khẳng định.
Tại buổi đối thoại này, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cũng giao trách nhiệm cho các phường, trong quá trình triển khai thực hiện Phương án số 02/PA-UBND về việc quản lý hoạt động kinh doanh đối với xe điện 4 bánh chở khách du lịch trên địa bàn thị xã Cửa Lò năm 2023, nếu có vấn đề gì vướng mắc thì phải hướng dẫn cho người dân thực hiện, nhằm đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.