Thêm một cây cầu nối đôi bờ sông Lam

Đăng ngày 09/06/2017

Đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua Sông Lam nối thị xã Cửa Lò, các vùng cửa sông của tỉnh Nghệ An với huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là mơ ước bao đời nay đối với người dân sinh sống 2 bên bờ sông Lam. Bởi cách nhau chỉ một dòng chảy, nhưng đó là cả một khó khăn, trở ngại trong giao thương, phát triển kinh tế cho cả khu vực rộng lớn, nhiều tiềm năng này.

Sau khi cập cảng Xuân Hội, 15 đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Nghi Xuân – tỉnh Hà Tĩnh đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Mặc dù có bến cảng, nhưng phần lớn số hải sản đánh bắt được của ngư dân Nghi Xuân tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Và khó khăn nhất mà người dân ở đây gặp phải, đó là giao thông cách trở, cách duy nhất để tiêu thụ hàng hóa là phải dong tàu thuyền sang neo ở khu vực Cửa Lò, chi phí rất tốn kém.

Mô hình cầu treo dây văng. Nguồn ảnh: internet
Mô hình cầu treo dây văng. Nguồn ảnh: internet

Ông Trần Quốc Rạng – người dân ở xã Xuân Hội – huyện Nghi Xuân – tỉnh Hà Tĩnh phấn khởi: Cầu bắc từ Hà Tĩnh sang Nghệ An là mơ ước lớn nhất của chúng tôi. Vì khi đánh bắt hải sản về, nếu thông thương xe sẽ sang thẳng bến bốc hàng, còn chưa có cầu, anh em vất vã hơn vì phải cấp ở Cửa Lò, do ở bên đó có đầu mối.

Đối với người dân khối Hải Triều, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, nếu có cầu Cửa Hội nghĩa là cách trở sông nước ngàn đời nay không còn, hơn nữa khoảng cách đôi bờ của 2 tỉnh sẽ xích lại gần nhau hơn. Đây chính là cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, và nhất là khai thác tiềm năng du lịch dịch vụ 2 bên bờ sông thơ mộng hữu tình này… Ông Lê Văn Kinh, khối Hải Triều, phường Nghi Hải, TX Cửa Lò mong mỏi ngày 2 địa phương có thể thông thương, đi lại, giao lưu phát triển du lịch. Cảnh quan quê hương sẽ đẹp hơn.

Cầu còn nối gần khoảng cách 2 khu di tích Bác Hồ với Đại thi hào Nguyễn Du
Cầu Cửa Hội được xây dựng sẽ nối gần khoảng cách khu di tích Bác Hồ với Đại thi hào Nguyễn Du

Với vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối giao thương, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trong nhiều năm qua, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều phương án, đề xuất lên Chính phủ, Bộ GTVT về sự cần thiết phải xây dựng cầu Cửa Hội nối sông Lam. Bởi vì, có cầu thì ngoài việc đảm bảo giao thông, còn tạo ra sức hấp dẫn trong thu hút các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh về kinh tế thủy hải sản, du lịch dịch vụ, và đặc biệt là truyền thống văn hóa được người dân Nghệ Tĩnh nuôi dưỡng hàng ngàn năm nay.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ – Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh: Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối khu du lịch Cửa Lò và Xuân Thành – Hà Tĩnh. Cầu còn nối gần khoảng cách 2 khu di tích Bác Hồ với Đại thi hào Nguyễn Du, nên ước mơ xây dựng chiếc cầu dây văng bắc qua sông là của nhiều người. Vì vậy, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, sẽ khánh thành cầu này vào dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác.

Việc thông thương, tiêu thụ sản phẩm của các đoàn tàu đánh bắt xa bờ sẽ dễ dàng hơn khi chiếc cầu hoàn thành
Việc thông thương, tiêu thụ sản phẩm của các đoàn tàu đánh bắt xa bờ sẽ dễ dàng hơn khi chiếc cầu hoàn thành

Với yêu cầu cấp thiết như vậy, nên ngày 6/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua Sông Lam- cây cầu dây văng với kỳ vọng đẹp nhất khu vực Bắc trung bộ, theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư  khoảng 1.700 tỷ đồng. Cầu Cửa Hội sẽ được xây dựng với chiều dài 6,2km; trong đó mặt cầu 1,63km, hệ thống đường dẫn 2 đầu cầu dài 4,57km, bề rộng cầu 12m với 2 làn xe cơ giới cộng với 2 làn xe hỗn hợp cùng gờ lan can. Công trình dự kiến hoàn thành vào ngày 2/9 năm 2018.

(Nguyễn Nam – Cảnh Toàn)