Những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch tắm biển Cửa Lò

Đăng ngày 23/03/2022

(Baonghean.vn) – Không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, Cửa Lò còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử quý giá. Du khách đến nghỉ dưỡng ở Cửa Lò, ngoài thú vui tận hưởng đặc sản miền biển, còn có dịp chiêm ngưỡng các danh thắng, tham quan các điểm du lịch tâm linh.
Thị xã biển Cửa Lò có lịch sử khai phá hàng trăm năm, thể hiện qua những công trình kiến trúc tâm linh, hệ thống di tích lịch sử chứa đựng bề dày văn hóa. Những công trình này là điểm đến lý tưởng cho những du khách có nhu cầu gửi gắm đời sống tâm linh và tìm hiểu, khám phá mạch nguồn văn hóa của khu du lịch biển nổi tiếng miền Trung này. Ảnh tư liệu
Cách trung tâm thị xã Cửa Lò khoảng 2km về phía Bắc, đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí – bậc khai quốc công thần thời Hậu Lê, người có công lao lớn trong sự nghiệp Bình Ngô của Vua Lê Thái Tổ. Ảnh: Thành Cường
Một góc kiến trúc độc đáo của đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí. Ảnh: Thành Cường
Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí là 1 trong 100 danh nhân lịch sử được Thủ đô Hà Nội vinh danh trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sau đại lễ, bức tượng được rước về thờ tại đền thờ Nguyễn Xí tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc. Với những giá trị đặc sắc về công trình kiến trúc, nghệ thuật, năm 1991, đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí được công nhận là Di sản văn hóa lịch sử cấp Quốc gia. Đặc biệt, ngày 31/12/2020 đền được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Thành Cường
Trong quan niệm của người dân miền biển, đền Vạn Lộc thuộc phường Nghi Tân (TX.Cửa Lò) là một ngôi đền rất linh thiêng. Đền được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô. Ảnh: Thành Cường
Đền là nơi thờ tự Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (1444 -1506) – con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí. Ông là người có công lớn trong việc giúp triều đình nhà Lê đánh đuổi giặc ngoại xâm và an dân. Ông cũng được biết đến với công lao chiêu dân, lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc ngày nay. Ảnh: Thành Cường
Đền Vạn Lộc có vị trí rất đẹp, trước mặt đền là dòng sông Cấm êm đềm, sau lưng là núi Lò, bên phải có núi Rồng, bên trái có núi Tượng Sơn tạo thế “rồng chầu, hổ phục”. Đền được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1991. Ảnh: Thành Cường
Được xây dựng từ thời Lê, đền Mai Bảng thuộc phường Nghi Thủy thờ Chiêu Trưng Vương Lê Khôi – người có công giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh; thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu – một Quý phi tài sắc vẹn toàn, được nhân dân suy tôn làm nữ thần biển… Ảnh: Thành Cường
Đền Mai Bảng thể hiện đậm nét tín ngưỡng của cư dân vùng biển là thờ các vị thần cai quản vùng sông, biển, che chở cho bà con ngư dân trước sóng gió biển khơi. Mỗi khi ra khơi, vào lộng, ngư dân Cửa Lò thường đến đền cầu an. Ảnh: Thành Cường
Có lịch sử hơn 300 năm, đền Làng Hiếu thuộc khối Lan Thịnh, phường Nghi Hải là nơi thờ Đức Thánh Mẫu, thần Cao Sơn Cao Các, Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn và thờ Phật. Ảnh: Thành Cường
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh, đền làng Hiếu đã bị hủy hoại khá nhiều. Đến năm 2012, đền mới được chính quyền cùng người dân góp công, góp sức phục hồi. Đặc biệt là phong cách cổ kính của truyền thống của đền được chú ý lưu giữ. Ảnh: Thành Cường
Đặc biệt, trong khuôn viên đền Làng Hiếu có 88 ngôi mộ cá voi (cá ông) và am thờ, là tín ngưỡng mang đậm bản sắc của cư dân vùng biển. Mỗi khi có cá voi bị chết dạt vào bờ, bà con phường Nghi Hải tổ chức nghi lễ mai táng. Đình Làng Hiếu là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, nơi hội tụ tín ngưỡng của người dân vùng biển, quanh năm đối mặt với sóng gió. Ảnh: Thành Cường