Một số giải pháp nhằm tăng cường giáo dục di sản văn hóa Cửa Lò cho học sinh trên địa bàn góp phần quảng bá du lịch địa phương

Đăng ngày 07/06/2021

Việc chú trọng di sản văn hóa (DSVH) để dạy học và giáo dục trong nhà trường phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục cho học sinh. Điều này hoàn toàn đúng với tinh thần của nghị quyết số 29 của BCHTW Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”, cụ thể là: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại…”. Hơn nữa, thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với yêu cầu cần đạt là hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi. Bên cạnh đó, chú trọng giáo dục di sản góp phần thực thi kế hoạch giáo dục THPT: không chỉ tích hợp vào các môn bắt buộc như Văn, Ngoại ngữ 1, nhóm môn khoa học xã hội như Lịch sử, Điạ lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật mà còn định hướng cụ thể cho hoạt động giáo dục bắt buộc (hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp chiếm đến 105 tiết /năm học/lớp và nội dung giáo dục của địa phương (chiếm 35 tiết /năm học/lớp).

Đền Vạn Lộc

Cửa Lò có nhiều lợi thế về Di sản văn hóa. Tuy vậy, phần lớn học sinh trung học phổ thông (HSTHPT) ở Cửa Lò chưa có những hiểu biết cụ thể, đầy đủ về các DSVH địa phương đồng thời các em chưa nhập cuộc, chưa thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc quảng bá và góp phần phát huy những ưu thế về DSVH để phát triển du lịch thị xã. Bởi vậy, ở bài viết này chúng tôi xin đề cập đến một số giải pháp nhằm:“Tăng cường giáo dục DSVH Cửa Lò cho HS THPT trên địa bàn góp phần quảng bá du lịch địa phương”.

Chùa Song Ngư

Chúng tôi dựa trên sáu nguyên tắc: Phải đáp ứng yêu cầu phát triển nhân cách của HS, tôn trọng thế mạnh, đặc điểm riêng biệt của từng học sinh; đảm bảo quan điểm giáo dục theo phương pháp sư phạm tương tác, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh; đảm bảo mục tiêu cụ thể của cấp học THPT; đảm bảo tính hoạt động thực tiễn giáo dục tại trường THPT Cửa Lò; dựa trên quan điểm dạy học khai thác tiềm năng giáo dục của DSVH; dựa trên nguyên tắc hướng đến mục đích của việc sử dụng DSVH trong trường THPT. Đồng thời xuất phát từ những vấn đề lý luận dạy học hiện đại đến nghiên cứu thực trạng trên địa bàn Cửa Lò và trường THPT Cửa Lò, chúng tôi đề xuất các giải pháp như sau:

1. Đề xuất giải pháp chung mang tính định hướng về giáo dục DSVH ở Cửa Lò

Tại phạm vi trường học đóng tại thị xã Cửa Lò, thực hiện hoạt động giáo dục DSVH vào nhiều mảng công tác: trong công tác giảng dạy Ngữ văn với vai trò của một giáo viên bộ môn đồng thời vận dụng các hoạt động giáo dục khác để kết nối, lan tỏa với các em học sinh trong nhà trường như: liên kết với các câu lạc bộ, các đội nhóm trong trường THPT Cửa Lò. Chúng tôi định hướng hoạt động giáo dục DSVH như sau:

 

Phân loại di sản

Địa danh văn hóa Các phương diện của DS cần khai thác Các hoạt động hướng tới Sản phẩm hướng tới cho HS quảng bá du lịch
1. DSVH vật thể -Đền Vạn Lộc; Nhà Thờ họ Hoàng Văn; Đền Diên Nhất; Nhà thờ danh y Hoàng Nguyên Cát;  Đền Làng Hiếu; Nhà thờ Họ Lê; chùa Song Ngư; Đền Yên Lương;  Đền Mai Bảng;  Đền Đô đốc tướng quân Phùng Phúc Kiều; Đền Bàu Lối; Nhà thờ danh y Hoàng Nguyên Cát; Đền Làng Hiếu; Nhà thờ Họ Lê.

-Biển Cửa Lò; Đảo Lan Châu; Đảo Hòn Ngư; Đảo Mắt;…

– Hình ảnh về di sản

– Âm thanh về di sản

– Thông tin , kiến thức về di sản

– Hiện vật về di sản

– Giá trị của các DSVH

– Các bài viết, tài liệu , video. Các chương trình quảng bá về DS

– Dựng video

– Soạn powerpoint

– Đọc sách, báo

– Viết cảm nhận

– Sáng tác

– Thiết kế (sách cẩm nang, tờ rơi, slogan, thẻ học,…)

-Thuyết trình

– Trải nghiệm các di sản

 

-Video

-Sách (Cẩm nang DSVH Cửa Lò)

– Tranh vẽ

– Thẻ học bài

– Sáng tác

– Review sách hoặc các bài viết về DSVH Cửa Lò

-Powerpoint thuyết trình

– Trang Fanpage

– Brochure

– Cẩm nang song ngữ

– Các tờ note định hướng

– Bài thu hoạch

 

2.DSVH phi vật thể Lễ hội truyền thống (truyền thống lễ cúng ông Ngư – đền Hiếu, lễ hội sông nước cuối tháng Tư); các nghề thủ công truyền thống (Làng nghề chế biến hải sản, làm nước mắm Nghi Hải, Nghi Thủy,…); …

2. Các giải pháp cụ thể để giáo dục DSVH ở Cửa Lò

Giải pháp 1: Lồng ghép giáo dục DSVH vào dạy học bộ môn Ngữ văn

Đầu tiên cần xác định hệ thống bài học trong chương trình Ngữ văn có thể lồng ghép với nội dung giáo dục DSVH Cửa Lò. Thứ hai, cần xác định các hình thức tiến hành giáo dục DSVH (tiến hành bài học trên lớp, tiến hành bài học tại nơi thực địa). Thứ ba, cần xác định một số phương pháp dạy học khi giáo dục DSVH .Thứ tư, cần xác định cách thức kiểm tra, đánh giá đối với việc sử dụng DSVH. Đồng thời, bài kiểm tra cần chú trọng để học sinh biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Cuối cùng là cần thiết kế một số bài dạy, hoạt động có sử dụng DSVH. Về cơ bản giáo án của bài học giáo dục DSVH giống như thiết kế một giáo án bình thường cần có năm hoạt động: Khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, củng cố và nâng cao, mở rộng.

 Học sinh tham quan Chùa Song Ngư

Giải pháp 2: Lồng ghép giáo dục DSVH vào tiết sinh hoạt lớp

Khi lồng ghép giáo dục DSVH vào tiết sinh hoạt lớp, cần chú ý xác định mục đích: Với chủ đề về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Cửa Lò hướng tới quảng bá du lịch địa phương, tiết sinh hoạt nhằm nâng cao hiểu biết về các di sản văn hóa trên mảnh đất Cửa Lò bằng nhiều hình thức, tiếp đó khơi gợi lòng tự hào, tinh thần, trách nhiệm của các em đối với quê hương đặc biệt là trách nhiệm quảng bá du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tiếp theo, GV tổ chức, hướng dẫn cho HS sáng tạo: thiết kế tờ rơi, vẽ tranh, slogan, thẻ học bài, video chia sẻ về các di sản văn hóa Cửa Lò, các bài hát về Cửa Lò, review sách viết về Cửa Lò, viết bài, sáng tác văn thơ,.. có tính chất tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa Cửa Lò. Sau đó, GV hướng dẫn cho HS thực hiện các hoạt động lan tỏa tới cộng đồng (lập fanpage, chia sẻ lên các trang mạng như Facebook, zalo, Twintter,Instagram,, đăng bài, phát thanh, kênh Youtobe). Quan trọng nhất là dạy cho HS kỹ năng sử dụng Công nghệ thông tin, làm video ca nhạc dựng cảnh, hát về Cửa Lò. GV khuyến khích các em lập pange về Cửa Lò: Tôi yêu Cửa Lò, Quảng bá di sản văn hóa Cửa Lò,..

Giải pháp 3: Giáo dục DSVH qua hoạt động ngoại khóa

Lớp học ngoại khóa tại Đại đội 33 trên Đảo ngư

Các hoạt động ngoại khóa ở đây bao gồm: hoạt động của các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm tại các nơi di sản văn hóa, hoạt động của các đội tình nguyện như: ‘‘Sứ giả Đại dương”, “Sứ giả xanh”, … Mục đích: Tăng cường hiểu biết cho các em HS bằng các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tăng cường sự trải nghiệm và hướng các em vào những hoạt động cụ thể để góp phần tìm hiểu, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Cửa Lò. Góp phần quảng bá di sản văn hóa Cửa Lò một cách cụ thể, thiết thực. Cách thực hiện: GV liên hệ tới các câu lạc bộ trong trường, chủ yếu tôi liên hệ tới câu lạc bộ văn học, câu lạc bộ truyền thông và câu lạc bộ tiếng Anh của trường THPT Cửa Lò. GV định hướng cho HS trải nghiệm đến các di tích lịch sử, tới các làng nghề: làng làm nước mắm, bến cá Nghi Thủy,… từ đó ghi chép, chia sẻ về trải nghiệm này. Tổ chức các đội tình nguyện, các HS tham gia lao động, vệ sinh quang cảnh ven biển, khu di tích,…

Lớp học ngoại khóa của các em học sinh tại đơn vị Bộ đội Đảo Ngư

Giải pháp 4: Giáo dục DSVH qua hoạt động lan tỏa bằng các phương tiện truyền thông

Giải pháp này bao gồm các hoạt động: lập fanpage, chia sẻ lên các trang mạng, thiết kế sách, video, slogan, inforaphic, poster, tờ rơi, thẻ bài, chương trình phát thanh, kết nối skype với học sinh ở Bắc Giang, Sơn La,… Bên cạnh đó, GV còn hướng dẫn cách làm sách, cách làm video, inforaphic, poster, tờ rơi, thẻ bài, slogan bằng phần mềm hoặc sản phẩm handmade giới thiệu về di sản văn hóa Cửa Lò: Giới thiệu biển Cửa Lò, giới thiệu đảo ở Cửa Lò, giới thiệu ẩm thực Cửa Lò, giới thiệu làng nghề ở Cửa Lò,… với các thông điệp: “Cửa Lò- hội tụ và tỏa sáng”, “Cửa Lò – biển gọi”, “Cửa Lò – khát vọng vươn xa”, “Cua Lo beach…”, “Cửa Lò – khát vọng vươn xa”,..

 Khi tiến hành đồng thời các giải pháp đó, HS được hình thành và phát triển  năm phẩm chất và mười năng lực mà thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới. Đối với các trang fanpage, các bài báo, các tư liệu, trang cá nhân đăng bài liên quan đến Cửa Lò đã thu hút được số lượng khá lớn người thích và tham gia (hàng trăm, hàng nghìn người). Các em thiết kế nhiều sản phẩm để tuyên truyền về di sản văn hóa Cửa Lò phong phú, sinh động, đẹp về hình thức và có chất lượng cao về nội dung. Không những thế, việc giáo dục di sản văn hóa Cửa Lò còn góp phần mở rộng phạm vi hiểu biết về di sản văn hóa Cửa Lò và trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Cửa Lò để quảng bá phát triển du lịch địa phương tới HS toàn trường THPT Cửa Lò và tới HS trong tỉnh, ngoại tỉnh và du khách trong nước, ngoài nước khiến nhiều người biết đến Cửa Lò với một kho tàng DSVH phong phú và thêm yêu mến mảnh đất này.

Tóm lại, đây là hướng đi mới phù hợp với thời đại công nghệ 4.0, với xu thế và mục đích phát triển của giáo dục, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục toàn diện cho HS và phù hợp với yêu cầu thực tiễn kinh tế, xã hội ở địa phương hiện nay.

Hà Thị Vinh Tâm – Giáo viên trường THPT Cửa Lò