Kỳ lễ cổ truyền ”Phúc Lục Ngoạt” tại Đền Yên Lương

Đăng ngày 04/08/2020

Đền Yên Lương, phường Nghi Thủy  là ngôi đền cổ được nhân dân xây dựng vào thời nhà Lê cuối thế kỷ XVI, để thờ Tứ vị Thánh nương, thần bản cảnh,cá ông, Đức Thánh sơn Thần đảo Lan Châu và phối thờ Tam thế phật. Đền được UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2012.

Theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích đền Yên Lương lưu tại Ban quản lý Di tích – Danh thắng nghệ An cho biết: Ngày xưa, hàng  năm tại di tích diễn ra nhiều kỳ lễ trọng như: lễ khai sắc, lễ cầu ngư, lễ Trung Nguyên, lễ khai hạ … Nhưng lễ hội diễn ra dịp trung tuần tháng 6 âm lịch là lễ hội chính, lễ hội truyền thống của đền có quy mô lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Nghệ, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về tham dự, đó là lễ “ Phúc lục ngoạt” ( lục ngoạt có nghĩa là: Lục là số 6, tháng 6 và 6 lễ tổng hợp gồm lễ báo cáo thiên địa, lễ thỉnh, lễ rước vong nghênh, lễ cầu ngư, lễ tế, lễ tạ. Cũng là 6 tuần thượng, trung hạ tuần; ngoạt là định kỳ của ngày lễ, là nghi thức không thể thay đổi); lễ được tổ chức 3 năm một lần vào những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu và 3 ngày 14,15,16 tháng 6 (âm lịch). Vật phẩm cúng tế ở đền ngoài hương, đăng, trà, quả còn có cỗ mặn tam sinh do làng cử các giáp, các gia đình thay nhau luân phiên làm và tế thần vào ngày 16 tháng 6 và trong kỳ lễ này một vật phẩm nhất thiết phải có đó là “oản nếp”.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đền đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, lễ hội không có điều kiện để tổ chức. Từ năm 2007, thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương kỳ lễ Lục Ngoạt đã được phục dựng lại. Từ đó đến nay, cứ 3 năm làng tổ chức lễ hội 1 lần với nhiều hoạt động văn hóa giàu bản sắc dân tộc, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân, du khách gần xa tham dự. Việc tổ chức lễ hội thể hiện nguyện vọng thiết tha của người dân vùng biển, là điểm tựa tinh thần của đông đảo ngư dân trong vùng cầu cho mỗi chuyến ra khơi vào lộng được sóng yên bể lặng, tôm cá đầy thuyền…

Trong 3 ngày lễ thì lễ cúng cá ông ( tục thờ cá ông ) là lễ to nhất – Đây là lễ cúng được chú trọng trong sinh hoạt văn hóa của ngư dân sống bằng nghề chài lưới. Ngày cúng ông bao giờ cũng được chia làm ba thời điểm: Lễ cúng nghinh ông, lễ cúng tiền hiền hậu hiền và lễ cúng chánh tế.

Ngày 14 tháng 6 là lễ cáo thiên địa trời đất, lễ thỉnh mời các vị thần thánh, các anh linh liệt sỹ. Bắt đầu từ ngày này nhân dân trong làng gồm những người phụ nữ khéo tay, trai tráng khỏe mạnh là những người được chọn lên Đền để chuẩn bị làm oản nếp, một vật phẩm đặc trưng không thể thiếu của lễ lục ngoạt tại đền. Quy trình làm bánh khá công phu và độc đáo. Trước tiên ngâm nếp độ 10 tiếng rồi vớt ra để ráo và hông, khi đã chín được cho vào cối đá giã nhuyễn cho đến khi có độ dẻo là được, với công đoạn này rất cần sức khỏe của trai tráng. Tiếp đó, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, xôi đã giã nhuyễn được cho vào khuôn hình vuông bằng thân cây và lá chuối trông rất lạ và đẹp mắt.

Sáng ngày 15/6 khoảng 9h tổ chức lễ rước với 3 kiệu: 01 kiệu lên cây Đu – Nghi Khánh, 01 kiệu ra Đảo Lan Châu làm lễ, 01 kiệu với khoảng 100 thuyền đánh cá ra biển cách đảo Lan Châu 2 hải lý neo thuyền làm lễ. Thuyền ra khơi nghinh ông chờ ông lên Vọi, có năm thuyền gặp lên vọi, có năm không, năm nào ông lên vọi, năm ấy được mùa. Sau đó diễu hành dọc bờ biển rồi rước cả 03 kiệu ở 03 hướng về đền, bắt đầu phần cúng lễ tại làng ( cúng tiền hiền, hậu hiền) và các chủ thuyền cũng đều có lễ cúng tại thuyền của mình.

Sở dĩ rước kiệu lên cây Đu, là vì nguyên trước đây thần Cao Sơn Cao Các được phối thờ tại đền Yên Lương được thờ ở miếu cây Đu, về sau khi làng Yên Lương tách khỏi xã Nghi Khánh và nhập vào xã Nghi Thủy thì dân làng Yên Lương đã rước long ngai bài vị Cao Sơn Cao Các về đền Yên Lương phối thờ. Còn ra Đảo Lan Châu vì Đức Thánh sơn Thần đảo Lan Châu nguyên được thờ tại miếu trên đảo Lan Châu, đến năm 1953 miếu bị hư hỏng nặng, không còn điều kiện để tu bổ, nhân dân đã rước về đền Yên Lương phối thờ từ đó.

Phần cuối cùng là của buổi lễ chính tế được tổ chức ngày 16 tháng 6, điều khiển buổi cúng là một ngư dân cao tuổi nhất, có uy tín trong làng, những người được mời làm nghi lễ cúng thần cũng là những ngư dân cao tuổi và có uy tín, Ngư dân cao tuổi nhất, đọc điếu văn cẩn cáo thần, tiếp sau 06 ngư dân dâng hương, trà rượu lên trung, thượng điện lần lượt 03 tuần.

Qua đây cho thấy, trong kỳ lễ “ Phúc Lục Ngoạt” có nhiều hoạt động văn hóa thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa độc đáo của nhân dân địa phương, qua đó đã  thể hiện được nguyện vọng thiết tha của người dân vùng biển, là điểm tựa tinh thần của đông đảo ngư dân trong vùng cầu cho mỗi chuyến ra khơi vào lộng được sóng yên bể lặng, tôm cá đầy thuyền… và cũng là dịp để nêu cao tinh thần đoàn kết, kết nối cộng đồng, tưởng nhớ công đức to lớn của các bậc tiền nhân, góp phần bảo lưu các giá trị truyền thống, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần thượng võ, đoàn kết cộng đồng cho thế hệ trẻ.

                                                                          Nguyễn Thị Quỳnh Ngân