Hội LHPN Nghi Hương: Phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch

Đăng ngày 04/12/2017

Được thành lập tháng 3/2017, CLB “Phụ nữ cam kết nói không với thực phẩm bẩn phường Nghi  Hương” có 50 thành viên. Cùng với việc tuyên truyền hội viên cam kết nói không với thực phẩm bẩn, các thành viên CLB này còn xây dựng và phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch, để cung cấp sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

trang-moi-00_00_39_07-still001

Là một thành viên trong CLB “Phụ nữ cam kết nói không với thực phẩm bẩn phường Nghi  Hương”, ngay sau khi được tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ an toàn, tạo ra sản phẩm sạch, chị  Nguyễn Thị Thành, ở khối 11 đã thực hành trên diện tích hơn 1 sào đất vườn của gia đình.  Chỉ hơn một tháng gieo hạt, với 500 ngàn đồng tiền vật tư, phân bón, giống và ni lông phủ  thì  hơn một sào dưa của chị đã sinh trưởng và phát triển tốt, sắp sửa cho thu hoạch. Theo giá thành như hiện nay mỗi kg dưa chuột bán ra thị trường trên 20 ngàn đồng, thì  hơn một sào dưa của chị cũng cho thu nhập gần 20 triệu đồng.

trang-moi-00_00_49_10-still002

Chị Nguyễn Thị Thành, khối 11 phường Nghi Hương –  Thành viên CLB “Phụ nữ cam kết nói không với thực phẩm bẩn phường Nghi  Hương” – Thị xã Cửa Lò nói: “Khi ta làm luống  ta bỏ phân hoai, lân và ít NPK vun lên và ủ mầm lên rồi phủ ni lông lên. Sau đó một thời gian cây mọc hai lá thì bón phân rồi phun một ít thuốc rệp, rồi giăng choải cây lên thôi, giống ni nhạy bén quả ra được nhiều.”

Không chỉ riêng chị Thành, mà hiện nay CLB “Phụ nữ cam kết nói không với thực phẩm bẩn phường Nghi Hương” đã triển khai xây dựng được 25 mô hình trồng rau sạch và 10 mô hình nuôi lợn, gà sạch, tập trung chủ yếu tại chi hội phụ nữ khối 11 phường Nghi Hương – Thị xã Cửa Lò. Là địa bàn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhiều, nên các thành viên CLB tại chi hội 11 đã tích cực luân canh các loại cây, con cho thu nhập cao như: nuôi lợn thịt, nuôi gà thả vườn, trồng rau sạch, dưa chuột, dưa bở…Từ những mô hình này, môi năm trừ chi phí đã mang về cho các hội viên thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên các thành viên CLB mong muốn có được đầu ra ổn định để tiếp tục phát triển thêm các mô hình này.

trang-moi-00_03_05_14-still003

Chị Đặng Thị Minh, Phó chủ nhiệm CLB Phụ nữ cam kết nói không với thực phẩm bẩn phường Nghi Hương – Thị xã Cửa Lò cho biết: “Thực tế mà nói thì chị em khi ra thị trường thì vừa mới thành lập nên mới làm quen với thị trường rau sạch, với lại chị em cũng đang kiếm đầu mối để tiêu thụ sản phẩm làm ra. Như chị Thành đây là đã có mối nhập thì dưa làm ra đến đâu là tiêu thụ hết. Và cũng mong muốn rằng các cấp các ngành tạo điều kiện để chị em yên tâm sản xuất, chăn nuôi và để CLB phát triển.”

Với lợi thế là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, lại là địa bàn du lịch trọng điểm. Vì vậy, không chỉ  phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch, mà Hội LHPN phường còn muốn quảng bá, cung cấp sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng là một hướng đi trong thời gian tới của Hội LHPN phường Nghi Hương.

trang-moi-00_03_53_06-still005

Chị Đặng Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN phường Nghi Hương – Thị xã Cửa Lò nói: “Ngay từ khi thành lập thì Hội cũng đã đề xuất với UBND phường Hội LHPN phường dành riêng cho CLB một vị trí tại chợ Nghi Hương. Chúng tôi tổ chức giao cho một thành viên CLB và thành viên đó có nhiệm vụ thu gom toàn bộ sản phẩm sạch của CLB để trưng bày, quảng bá thực phẩm của mình và bán tại chợ Nghi Hương.”

trang-moi-00_03_29_01-still004

Mặc dù chỉ mới là những mô hình nhỏ của các thành viên CLB nhưng đã phần nào mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền vận động, sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Mong rằng, từ những mô hình này, không chỉ các hội viên Hội LHPN phường Nghi Hương thực hiện mà nó sẽ lan tỏa trong cộng đồng dân cư trên địa bàn Thị xã./.

Mỹ Hạnh – Duy Quý