Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: “Tiêm chủng phòng Covid-19 là lá chắn thép rất quan trọng”

Đăng ngày 08/12/2021

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đề nghị các địa phương quyết liệt trong việc vận động người dân tham gia tiêm chủng ngừa Covid-19 khi mà thời gian tới sau khi tiêm đủ 2 mũi, Nghệ An sẽ triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho nhóm tiêm bổ sung và nhóm tiêm nhắc lại.

Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, sáng 8/12, đồng chí Dương Đình Chỉnh – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, Phó Chỉ huy Trung tâm phòng, chống dịch Covid -19 tỉnh đã trao đổi một số nội dung liên quan đến dự đoán tình hình và giải pháp phòng, chống dịch Covid – 19 trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 8/12. Ảnh: Thành Cường

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Đến thời điểm này Nghệ An ghi nhận 5.361 ca nhiễm Covid -19, đặc biệt từ ngày 1/10 đến nay ghi nhận 3.343 ca nhiễm. Tính chất phức tạp của dịch bệnh tăng trong hai tuần vừa qua, đặc biệt dịch bệnh đã lây vào khu công nghiệp và trường học.

Hiện nay, đối với người từ 18 tuổi trở lên, Nghệ An đã tiêm vắc – xin mũi 1 đạt 98% và mũi hai đạt 72%. Đối với nhóm trẻ em từ 12 -17 tuổi có khoảng 320.000 trẻ em, trong đó đã tiêm vắc – xin cho 120.000 người, đạt 36%. Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Mục tiêu phủ vắc – xin sẽ đạt được trong thời gian ngắn sắp tới.

Nhận định tình hình dịch Covid -19 trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế dự đoán còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với tính chất phức tạp. Nhận định này xuất phát từ nguyên nhân, tình hình dịch bệnh hiện tại trên toàn quốc đang diễn biến phức tạp, trong khi đó chuẩn bị đến thời điểm Tết nên người từ các địa phương khác về tỉnh sẽ tăng lên.

PGS. TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường

Cùng với đó, việc phát hiện số ca nhiễm trong cộng đồng muộn hơn giai đoạn trước vì các trường hợp đã được tiêm vắc – xin nên thời gian ủ bệnh kéo dài, gần như không xuất hiện triệu chứng (gần 30% có triệu chứng, khoảng 60% không có triệu chứng, 10% triệu chứng nhẹ) nên việc phát hiện sớm rất khó khăn.

Từ bài học kinh nghiệm của các địa phương trong cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng, PGS.TS Dương Đình Chỉnh đã trao đổi một số giải pháp trọng tâm để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội trong thời gian tới.

Theo người đứng đầu ngành Y tế Nghệ An trước hết cần tiếp tục kiên trì thực hiện đúng định hướng, chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 quốc gia, các bộ, ngành liên quan quan điểm phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Cùng với đó, PGS. TS Dương Đình Chỉnh cũng mong muốn các địa phương tiếp tục phát huy tính chủ động trong công tác phòng, chống dịch. “Thành quả nhất định chống dịch không chỉ riêng của ngành Y tế mà là của cả hệ thống chính trị, cũng như sự chủ động, quyết liệt của các địa phương”, Giám đốc Sở Y tế bày tỏ.

Mặt khác cần tiếp tục phát huy tốt phương châm: “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch bệnh. Theo người đứng đầu ngành Y tế Nghệ An, lâu nay trên địa bàn tỉnh đã phát huy rất tốt phương châm “4 tại chỗ”; tuy nhiên sau một thời gian dài phòng, chống dịch bệnh, cũng như chuyển sang chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã có một số địa phương và cả một bộ phận người dân có tâm lý còn hơi chủ quan.

“Địa phương nào làm tốt, địa phương nào chủ động sớm thì chúng ta đỡ vất vả”, Giám đốc Sở Y tế nói, và chỉ rõ nội hàm “chủ động” là cần xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn, dựa trên quan điểm của Ban Chỉ đạo và Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid -19 của tỉnh.

Các đại biểu dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Cường

Đặc biệt, theo PGS. TS Dương Đình Chỉnh, tinh thần chủ động cần phải thực hiện triệt để đến tận cấp xã vì thực tiễn thời gian qua cho thấy, có những phường, xã khi chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ còn lúng túng; các hoạt động không thực hiện đúng theo cấp độ dịch tại địa bàn.

Chia sẻ khó khăn của các địa phương về bố trí nguồn lực sau một thời gian dài phòng, chống dịch, đặc biệt là nguồn kinh phí; tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An mong muốn các địa phương quan tâm khắc phục khó khăn, bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác phòng, chống dịch.

Một biện pháp hết sức quan trọng nữa mà Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh lưu ý là cần tiếp tục thực hiện kiểm soát biến động dân cư không chỉ từ tỉnh, thành phố khác về, mà ngay cả trong các địa phương toàn tỉnh, nhất là người đi đến từ các vùng dịch.

Cùng với đó cần “hâm nóng” lại, phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng với quan điểm phát huy vai trò của Nhân dân, lấy người dân làm chủ thể. Mặt khác cần thực hiện tốt khâu kiểm tra, giám sát vì trong thực tế vẫn còn những lỗ hổng nhất định dẫn đến có việc lây chéo ở khu cách ly tập trung, lây nhiễm ở các trường học, chợ…

Giám đốc Sở Y tế cũng đặc biệt nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông ở cơ sở để nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân; tránh tâm lý chủ quan.

Mặt khác, trên cơ sở phân tích hiệu quả của tiêm chủng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt vừa qua Bộ Y tế đánh giá Nghệ An là một trong hai địa phương của cả nước mà tỷ lệ tử vong do Covid -19 thấp nhất cả nước, đồng chí Dương Đình Chỉnh cũng đề nghị các địa phương quyết liệt trong việc vận động người dân tham gia tiêm chủng khi mà thời gian tới sau khi tiêm đủ 2 mũi, Nghệ An sẽ triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho nhóm tiêm bổ sung và nhóm tiêm nhắc lại. “Tiêm chủng là lá chắn thép rất quan trọng”, PGS.TS Dương Đình Chỉnh nhấn mạnh.

Cơ sở cách ly tập trung tại xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Ảnh: Thành Cường

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng đã trao đổi một số định hướng của ngành Y tế thời gian tới trong công tác phòng, chống dịch Covid -19. Theo đó, Sở đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo và Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid -19 tỉnh xây dựng chiến lược cách ly F1 tại nhà. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý việc thực hiện cách ly tại nhà cần phải thực hiện phù hợp thực tiễn để tránh lây nhiễm cho người trong gia đình và cộng đồng.

Cùng với đó, Sở Y tế cũng đã tham mưu chiến lược điều trị F0 tại cơ sở. Theo đó, thông qua mô hình thí điểm thực hiện tại Tân Kỳ điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân cho thấy kết quả tốt và có thể triển khai trên diện rộng trên địa bàn 19 huyện, thị; riêng TP. Vinh và thị xã Cửa Lò đã có cơ sở điều trị nên không hình thành cơ sở thu dung.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng cho biết, ngành xây dựng kịch bản điều trị cho F0 giai đoạn sắp tới, trong đó hình thành 2 trung tâm điều trị bệnh nhân nặng tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh và Bệnh viện giao thông (cũ), mục tiêu là giảm thiểu tối đa tử vong của bệnh nhân.

Trước đó tại Kỳ họp, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cũng đã trao đổi một số nội dung liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid -19.

Khẳng định, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid -19 đã quy định rất cụ thể, Giám đốc Sở Y tế đề nghị, các địa phương bám sát để thực hiện.

Vì qua nắm bắt tình hình thực tế thời gian qua, Sở Y tế thấy rằng, việc thực hiện chính sách cơ bản không có vướng mắc nhưng có một số địa phương do tình hình nguồn kinh phí có hạn, nên việc chi trả chậm hơn.