Du lịch làng nghề – Hướng đi đầy triển vọng cho phát triển du lịch Cửa Lò

Đăng ngày 17/12/2018

Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đúng đắn, phù hợp trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch hiện nay. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận về kinh tế, giúp người dân giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn là cách thức để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Hai san k.

Làng nghề không đơn thuần chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm thủ công mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ phong tục tập quán, bản sắc và tinh hoa nghệ thuật của từng nhóm cộng đồng. Với giá trị này, khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ đến làng nghề để mua sắm sản phẩm đặc trưng của làng mà còn đến để cảm nhận và trải nghiệm lối sinh hoạt cộng đồng, sự bền bỉ, sáng tạo và tài hoa của bao thế hệ được hun đúc trong lao động sản xuất với bàn tay và khối óc.

Tính đến nay, thị xã Cửa Lò có 4 làng nghề đã được công nhận: Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 ở phường Nghi Hải; Làng nghề bảo quản, chế biến hải sản ở phường Nghi Tân; Làng nghề đánh bắt và chế biến hải sản ở phường Nghi Thủy; Làng nghề làm bánh bún ở Khối Đông Khánh, phường Nghi Thu. Ngoài ra, Hiệp hội cá thu nướng Cửa Lò cũng được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận là thương hiệu tập thể.

che bien ruoc

Với địa thế sát biển, có thể dễ dàng nhận ra rằng, làng nghề ở Cửa Lò đa số đều gắn với chế biến hải sản.Các làng nghề này có nguồn gốc từ hàng trăm năm, xuất phát từ những hộ gia đình ngư dân ở các làng chài ven biển. Trước đây, họ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho gia đình và địa phương là chủ yếu. Trải qua thời gian và đặc biệt cùng với sự phát triển vượt bậc của nghành du lịch thị xã, làng nghề ngày càng lớn mạnh, dần xây dựng và định hình thương hiệu của mình. Từ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ và sản phẩm đơn điệu không nhãn mác, các hộ gia đình đã biết liên kết với nhau, sản phẩm ngày càng đa dạng về mẫu mã và có chỗ đứng về chất lượng trên thị trường: như nước mắm của Hải Giang 1, cá thu nướng của Hải Giang 2, các sản phẩm mắm tôm, tôm nõn, hải sản khô của làng nghề phường Nghi Tân, Nghi Thủy. Đặc biệt, mấy năm gần đây nhiều hộ gia đình trong làng nghề Nghi Thủy đã tìm tòi, học hỏi và chế biến nhiều sản phẩm ngon từ nguyên liệu hải sản của làng như cá cơm rang vừng lạc, cá bống chiên giòn, mực rim me, mực xé chiên giòn… Các sản phẩm này đều được đóng hộp, đăng ký nhãn mác, cấp giấy phép an toàn thực phẩm.

Boc tom non

Tom non

 Phát huy lợi thế của vùng kinh tế, trong những năm qua các cấp chính quyền của thị xã Cửa Lò đã dành sự quan tâm thỏa đáng, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển như chính sách hỗ trợ vay vốn cho các hộ dân, tập huấn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức cho các hộ dân làm nghề đi tham quan học hỏi các mô hình làng nghề điển hình ở một số địa phương trên cả nước… Nhờ vậy, các sản phẩm của làng nghề ngày càng phong phú và đa dạng về mẫu mã, gây nhiều ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước.

Là một đô thị du lịch biển, có thể thấy Cửa Lò có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái biển – văn hóa – làng nghề. Bởi các làng nghề tập trung khá gần nhau, gần sát trung tâm du lịch, dễ dàng kết nối với các điểm du lịch văn hóa – tâm linh khác trên thị xã. Các làng nghề đều có nguồn gốc lâu đời, duy trì qua nhiều thế hệ, không gian sinh hoạt cộng đồng trong lao động sản xuất vẫn được lưu truyền. Người làm nghề trong làng cũng đã có tư duy làm du lịch, họ thân thiện, mến khách.Thêm vào nữa, phương tiện giao thông đi lại đều rất thuận tiện.

Nuong ca Nghi Thủy

Ca thu

Và nếu so sánh lợi thế du lịch làng nghề của Thị xã Cửa Lò với các đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh thì thấy chúng ta có bước tiến hơn hẳn. Đó là làng nghề của Thị xã đã được biết đến trong các tour farmtrip, tour du lịch của một số công ty lữ hành như làng nghề nước mắm Hải Giang 1, làng nghề Nghi Thủy; Khách du lịch tìm đến và mua sản phẩm của làng ngày càng đông… Tuy nhiên, vẫn phải nghiêm túc nhận định rằng du lịch làng nghề chưa phát triển tương xứng với tiềm năng mà chúng ta có. Các làng nghề còn mang tính tự phát, chỉ dừng lại ở việc bày bán các sản phẩm hiện có cho du khách, một số hộ gia đình trong làng nghề còn chưa dán nhãn mác sản phẩm, chưa thật sự quan tâm đến nhu cầu sau cùng của khách du lịch, việc tiếp thị vùng miền còn thiếu tính sáng tạo…

Khi đời sống ngày càng phát triển thì nhu cầu tìm đến với các điểm du lịch làng nghề truyền thống của du khách ngày càng cao. Họ đến không chỉ để mua sản phẩm của làng mang về làm quà mà còn có nhu cầu được sống và trải nghiệm trong một không gian văn hóa địa phương khác, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống, giá trị nét đẹp của con người và mảnh đất làm nghề. Ngoài ra họ còn muốn được tham gia học kỹ năng làm nghề và tự tay làm ra sản phẩm.

Phoi muc

Những người làm du lịch ở Cửa Lò hoàn toàn có thể kết nối để du khách tham quan và cùng với người dân trải nghiệm hoạt động nướng cá, làm các sản phẩm hải sản khô chế biển sẵn ở làng nghề, tham quan bến cá, tham quan làng chài truyền thống… đưa vào tour du lịch. Đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề về mẫu mã, kiểu dáng và uy tín về chất lượng. Cần chú trọng việc bảo vệ môi trường ở làng nghề, nâng cao cơ sở hạ tầng cũng như chuyên nghiệp hóa trong việc tiếp đón du khách của dân cư trong khu vực làng nghề. Đặc biệt, Cửa Lò cũng cần chú trọng việc quảng bá du lịch làng nghề. Bởi đây là khâu quan trọng, quyết định để hình ảnh làng nghề đến với du khách thập phương.

Trong thời gian tới,Thị xã tiến hành xây dựng chợ đêm, chợ ẩm thực tại khối 8, phường Nghi Thủy gồm 74 gian hàng, trên diện tích 5.000m². Đây là tín hiệu vui cho phát triển du lịch thị xã nói chung cũng như loại hình du lịch làng nghề của Thị xã. Việc này sẽ hình thành nên tổ hợp làng nghề truyền thống kết hợp giữa giới thiệu ẩm thực, các món ăn ngon, đặc sản của địa phương còn tập trung và giới thiệu sản phẩm tinh hoa của các làng nghề truyền thống của Thị xã đến du khách. Đưa làng nghề vào hoạt động du lịch vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Thông qua hoạt động du lịch, mỗi khách du lịch sẽ là một kênh quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề hiệu quả.

Về với Cửa Lò, du khách không những được đắm mình vào cát trắng, biển xanh, tham quan các điểm di tích mà còn được khám phá và trải nghiệm ở các làng nghề truyền thống. Hy vọng trong tương lai không xa, loại hình du lịch làng nghề thị xã Cửa Lò sẽ được đầu tư đúng hướng, trở thành một trong những kênh quảng bá hữu hiệu nhất hình ảnh con người Cửa Lò thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa nhưng không ngừng đổi mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.

Dương Tân