“Đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19”

Đăng ngày 10/05/2021

Tại cuộc họp sáng 10/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 nhận định tình hình hình thực tế tại Việt Nam cho thấy, dịch COVID-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao. Hiện nay, mầm bệnh đã có trong cộng đồng, do vậy các tỉnh chưa phát hiện ca mắc càng phải siết chặt phòng, chống dịch.

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam chưa thể có đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Do đó, người dân phải thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5K, xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Theo Bộ Y tế, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus, đặc biệt là biến chủng B.1.617 được phát hiện tại Ấn Độ với tốc độ lây nhanh hơn, mạnh hơn. Hiện nay, dịch xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương và sự xuất hiện các ca bệnh tại các cơ sở y tế.

“Chúng ta ở trong tình trạng báo động cao vì nguy cơ lây nhiễm và khả năng lây nhiễm mạnh. Với biến chủng SARS-CoV-2 của Anh gây gấp 170% (1,7 lần), chủng Ấn Độ còn nhanh hơn chủng Anh. CDC công bố khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Như vậy, đúng như ở Việt Nam, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín thì lây rất nhanh. Do vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn, đặc biệt là kịch bản mua sắm trang thiết bị y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu cụ thể tại cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ ngành liên quan chuẩn bị ứng phó với một kịch bản dịch bệnh bùng phát xấu hơn. Theo đó, đưa ứng dụng CNTT vào truy vết, phòng, chống dịch; đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất y tế, đặc biệt kit xét nghiệm kháng nguyên nhanh… để tiến hành xét nghiệm thường xuyên tầm soát tại các khu vực đông người, khu công nghiệp và các bệnh viện.

“Hiện công suất xét nghiệm của Việt Nam đã đạt cấp độ nhanh, đã tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng. Bộ Y tế cùng các lực lượng chức năng liên quan tổ chức Tổng rà soát những người nhập cảnh trong 1 tháng qua và những người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong 1 tháng qua bằng các biện pháp xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Chuyển từ việc chạy theo xét nghiệm sang chủ động “tấn công” thực hiện nhanh xét nghiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thành Long khẳng định, hiện nay, phải coi xét nghiệm là một trong những trọng tâm, trọng điểm phải làm và phải thay đổi phương thức xét nghiệm: “Về xét nghiệm với người cách ly, hiện chúng ta tiến hành cả xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Với người nhập cảnh thì dùng kháng nguyên nhanh để sàng lọc ngay ban đầu. Từ đó, đưa ra các phương thức ứng phó: Nếu kháng nguyên kháng thể  dương thì tiếp làm, nếu kháng nguyên âm và kháng thể dương thì rút ngắn thời gian quy trình cách ly”.

Bộ Y tế đề nghị chuẩn bị cho kịch bản 50.000 người mắc COVID-19. Tuy nhiên, các thành viên Bản Chỉ đạo nhất trí phải chuẩn bị chắc chắn và ngay lập tức cho kịch bản 30.000 người, trong đó, với mức 10.000 người hiện đã hoàn toàn đáp ứng.

Về tài chính, Bộ Y tế cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm COVID-19 khẳng định (Realtime RT-PCR). Như vậy, tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, nếu không thì không thể đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế xây dựng kế hoạch về trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm cho kịch bản 30.000 người mắc COVID-19 trình Chính phủ và tham khảo thêm giá các loại sinh phẩm xét nghiệm của thế giới, đồng thời nghiên cứu các loại sinh phẩm mới được sản xuất trong nước và nhập khẩu để đưa ra giá thành hợp lý.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, chỉ đạo các sở tài chính không để tình trạng nợ động việc mua trang thiết bị, sinh phẩm chống dịch đảm bảo không để thiếu kinh phí trong việc mua sắm sinh phẩm, thiết bị phòng dịch…/.