Đặc sản Cửa Lò vào vụ Tết

Đăng ngày 06/02/2015

Có mặt tại làng có nghề chế biến hải sản tại Khối Hải Giang, phường Nghi Hải – thị xã Cửa Lò – nơi được xem là vựa cung cấp mặt hàng đặc sản cá thu nướng cho không chỉ Cửa Lò mà cả tỉnh, chúng tôi dễ dàng nhận thấy một không khí lao động hối hả. 
 
Chị Nguyễn Thị Nồm làm nghề nướng cá thu đã 20 năm nay
Chị Nguyễn Thị Nồm làm nghề nướng cá thu đã 20 năm nay.                   -Ảnh: Quỳnh Trang
 
Khách đến nhà cũng không thể bỏ dở công việc, miệng vừa nói, tay vừa thoăn thoắt trở những miếng cá trên than hồng, chị Nguyễn Thị Nồm – chủ cơ sở kinh doanh cá thu nướng Hùng Nồm vồn vã trò chuyện.
 
Chị cho biết, từ đầu tháng 12 âm lịch gia đình chị và nhiều gia đình trong khối đã có khách lấy hàng Tết. Bình quân mỗi ngày gia đình nướng và giao từ 4-5 tạ cá thu nướng. Năm ngoái gia đình dự trữ 12 tấn cá tươi để nướng phục vụ Tết nhưng năm nay theo số lượng khách đặt hàng, gia đình đã chuẩn bị nguồn khoảng 20 tấn cá, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Khách hàng chủ yếu từ Cửa Lò, Vinh, xa hơn nữa là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Giá cả đến thời điểm này, giá đầu đuôi khoảng 80.000đ/kg, cá thịt từ 200.000đ – 220.000 đ/kg, so với tháng trước chỉ tăng nhẹ chút ít. Để kịp hàng cho khách, những ngày này gia đình đã phải huy động cả con cái và phải thuê thêm nhân công nướng cá, vận chuyển. 
 
Nhiều chị em ở Nghi Hải có thêm thu nhập nhờ vụ cá Tết
Nhiều chị em ở phường Nghi Hải có thêm thu nhập nhờ vụ cá Tết.            -Ảnh: Quỳnh Trang
Hỏi về bí quyết tăng gần gấp đôi lượng hàng so với năm ngoái, chị Nồm chỉ khẽ cười và nói gia đình luôn ý thức trau hàng của mình, từ khâu chọn cá, đến nướng và nhất là đảm bảo ổn định giá cả. Có những trường hợp vận chuyển xa, hàng có thể bị ảnh hưởng do khâu bảo quản của khách nhưng gia đình vẫn vui vẻ đổi hàng nếu khách chưa hài lòng. Mỗi ngày, cá được vận chuyển từ Cửa Lò lên thành phố Vinh 5 đến 6 chuyến. Năm nay gia đình dự kiến phục vụ khách đặt hàng cho đến tận ngày 30 Tết bởi đến ngày đó vẫn có khách lấy hàng gửi đi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Và ra Tết, ngày mồng 4, cơ sở đã bắt đầu đỏ than cho mẻ cá đầu năm. Chị cũng cho biết, mỗi vụ cá Tết cũng đem lại cho gia đình thu nhập vài chục triệu đồng nên ai cũng tích cực.
 
Cá thu tươi nướng đúng kỹ thuật có thể bảo quản lâu trong tủ đá
Cá thu tươi nướng đúng kỹ thuật có thể bảo quản lâu trong ngăn đá tủ lạnh.        -Ảnh: Quỳnh Trang
 
Là khách quen nhiều năm, anh Nguyễn Hữu Lâm – ở phường Nghi Hải – thị xã Cửa Lò năm nay lại tìm đến nhà chị Nồm để mua cá gửi cho bạn bè ở Hà Nội. Anh cho biết, cá thu nướng Cửa Lò đã trở thành món ăn ưa thích của không riêng gia đình anh và của nhiều bạn bè ở khắp nơi, nhất là Hà Nội. Năm nào bạn bè cũng nhờ anh lấy hộ ít cân để ăn Tết bởi cá tươi và rất ngon. 
 
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thị xã Cửa Lò có 40 hộ chuyên nghề cá thu nướng, riêng phường Nghi Hải có tới 37 hộ, trung bình mỗi hộ bán ra mỗi ngày từ 150 đến 200kg cá thu nướng. Dịp Tết năm nay, số lượng bán ra tăng hơn so với năm ngoái. Bà con cũng phấn khởi hơn vì mặt hàng cá thu nướng ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt năm nay, bà con làm nghề phấn khởi hơn bởi thị xã Cửa Lò được hỗ trợ 260 triệu đồng xây dựng nhãn hiệu cho cá thu nướng Cửa Lò, từ đây sẽ mở ra hướng phát triển tốt hơn cho người làm nghề và để đặc sản này có thể vươn tới nhiều thị trường hơn trong cả nước. 
Các hộ của làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 chuẩn bị đầy đủ hàng Tết
Các hộ của làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 chuẩn bị đầy đủ hàng Tết    -Ảnh: Quỳnh Trang
 
Nếu như cá thu nướng đông khách hơn năm ngoái thì nước mắm – cũng là đặc sản của Cửa Lò cho đến thời điểm này có vẻ thưa khách hơn năm ngoái. Chị Lê thị Kim – chủ cơ sở sản xuất nước mắm Võ Kim – cơ sở lớn nhất của làng nghề nước mắm Hải Giang 1- phường Nghi Hải – Thị xã Cửa Lò cho biết, thời điểm này năm ngoái đã nhiều người lấy hàng tết nhưng năm nay chưa nhiều. Nguyên nhân là do năm ngoái được mùa cá tróng nên các hộ trong làng đã mua tăng lượng cá nên lượng nước mắm cung ứng ra thị trường năm nay cũng vì thế nhiều hơn. Và lượng khách cũng rải đều cho các hộ trong làng nghề. Với 4 loại là đặc biệt, thượng hạng, loại 1 và loại 2, có giá dao động theo từ 20.000 đ đến 80.000đ/lít, năm nay gia đình chị chuẩn bị cho Tết hơn 10 nghìn lít nước mắm đặc biệt. 
 
Ông Đặng Quốc Đồng – Phó Ban quản lý làng nghề cho biết hiện cả khối có hơn 70 hộ gia đình làm nghề sản xuất nước mắm, sản lượng cá thu mua năm nay lên đến 400 tấn, ngoài phục vụ trong năm còn gối vụ cho cả năm sau vì một chu kỳ sản xuất kéo dài từ 15 đến 18 tháng. Tuy nhiên ông cũng khẳng định sức mua năm nay kém hơn năm ngoái. Tuy nhiên để có thể giữ nghề và kinh doanh tốt hơn trong các dịp Tết, các hộ kinh doanh ngoài quan tâm chất lượng sản phẩm cũng đã chú ý đến việc chăm sóc và giữ nguồn khách “ruột” của mình. 
 
Tết đến là cơ hội làm ăn của nhiều làng có nghề, làng nghề ở Nghệ An, nhất là các làng nghề chuyên các mặt hàng là nhu yếu phẩm phục vụ cho dịp Tết. Nắm bắt tâm lý khách hàng, nhanh nhạy trong tiếp cận thị trường, quan tâm chất lượng sản phẩm đang là những cách làm hiệu quả của các hộ kinh doanh để Tết đến lại được xem là mùa làm ăn chính của năm. Cũng như chị Nồm, chị Kim đang chăm lo các sản phẩm của mình để trong bữa cơm ngày Tết của nhiều gia đình hay món quà biếu bạn phương xa của nhiều nhà là những đặc sản của Cửa Lò như nước mắm, cá thu./. 
 
 
An Nhân