Cửa Lò triển khai mô hình Trạm y tế lưu động quản lý, chăm sóc F0 tại nhà

Đăng ngày 07/01/2022

Chiều ngày 7/1, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức cuộc họp để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả mô hình Trạm Y tế lưu động để quản lý, chăm sóc người mắc Covid – 19 tại nhà. Đồng chí: Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND Thị xã chủ trì cuộc họp. Cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo phòng y tế Thị xã, Trung tâm y tế Thị xã, lãnh đạo 7/7 phường và trạm trưởng trạm y tế các phường.

Cuộc họp đã thông qua hướng dẫn số 60/HD-SYT-NVY ngày 05/1/2022 của Sở Y tế Nghệ An và công văn số 12/UBND – VX của UBND tỉnh Nghệ An về triển khai mô hình Trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc người mắc Covid – 19 tại nhà. Theo đó, mỗi phường trên địa bàn thị xã phải bố trí 1 Trạm Y tế lưu động đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời. Những F0 được điều trị tại nhà là những người có độ tuổi từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi; chưa phát hiện bệnh lý nền; sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất. Trước mắt, thị xã Cửa Lò triển khai kích hoạt trạm Y tế lưu động phường Nghi Tân, tiến tới nhân rộng ra các phường còn lại.

Tại cuộc họp, các địa phương đã trình bày những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện trên địa bàn, cụ thể: việc huy động cán bộ y tế, nhân lực tham gia công tác tại các Trạm Y tế lưu động, việc điều hành xử lý, trang thiết bị y tế, điều kiện cơ sở vật chất để F0 tự cách ly tại nhà, khả năng tự theo dõi sức khỏe của người dân và công tác quản lý, giám sát các trường hợp F0 tại nhà.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Văn Phúc nhấn mạnh, với mục tiêu giảm tải cho tuyến trên và tạo thuận lợi cho bệnh nhân F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà, mô hình Trạm y tế lưu động là tất yếu, khách quan trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, việc triển khai mô hình phải phù hợp để chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống. Công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà phải có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất nhịp nhàng giữa các Trạm y tế lưu động trên địa bàn và các ngành chức năng với nhau để làm tốt nhất công tác điều trị. Rà soát hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu của các Trạm y tế lưu động để có kế hoạch bổ sung; Đối với mô hình Trạm Y tế lưu động, lực lượng y tế cơ sở, tổ chăm sóc y tế đóng vai trò quan trọng. Trong đó, tuyên truyền mỗi người dân thuộc diện F0 điều trị tại nhà phải nâng cao tinh thần trách nhiệm góp phần tránh để phát sinh dịch bệnh trên địa bàn.

Dương Tân – Ngọc Ánh