Cửa Lò ngày một có nhiều người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Đăng ngày 25/09/2015

Sau 10 năm phục vụ trong quân đội, đến năm 1975, ông Trần Văn Vân trở về quê ở Khối Trung Hòa, phường Nghi Hòa thị xã Cửa Lò. Là thương binh 2/4 và mỗi khi trái gió, trở trời vết thương chiến tranh lại hành hạ nhưng hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn buộc ông phải bươn chải để tăng thu nhập. Ngoài làm ruộng, phát triển chăn nuôi, ông Vân còn mạnh dạn vay vốn đầu tư vào nghề sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ cung ứng phân bón, giống cây trồng cho bà con. Với sự kiên trì chịu khó của ông đã giúp gia đình không chỉ thoát nghèo mà nay đã trở thành hộ khá giả. Hiện tại thu nhập của gia đình ông Vân đạt 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Vân còn tạo việc làm cho 3 – 4 lao động ở địa phương với mức lương từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi mà ông Vân còn luôn gương mẫu trong các phong trào thi đua do Hội CCB, Hội người cao tuổi phát động. Ông Trần Văn Vân, Thương binh ở Khối Trung Hòa, Phường Nghi Hòa,thị xã Cửa Lò tâm sự: “Trong tư tưởng của tôi khi nào cũng nghĩ tiến lên, tôi cũng không chấp nhận vấn đề nghèo khó trong gia đình cho nên tôi nghĩ ra nhiều ngành nghề để kiếm sống cho gia đình, bên cạnh đó phục vụ cho cả xã hội nữa”

HoiNCTCơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của ông Trần Văn Vân

Không chỉ ông Vân mà hiện nay trong số 4500 hội viên người cao tuổi ở thị xã Cửa Lò thì có tới 70% hội viên đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Từ lĩnh vực nông, ngư nghiệp tiểu thủ công nghiệp, khai thác, chế biến hải sản, làm vườn, chăn nuôi đều xuất hiện những điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi với mức thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch dịch vụ đã có nhiều cụ ở Nghi Hương, Nghi Thu và Thu Thủy đầu tư vào dịch vụ lưu trú và ăn uống. Phương châm của các cụ là đề cao chất lượng các dịch vụ, giá cả hợp lý và coi trọng văn hóa giao tiếp. Nhờ đó, lượng khách đến nghỉ cũng như doanh thu ngày một tăng. Hiện tại, mỗi nhà hàng, khách sạn do người cao tuổi làm chủ, sau khi trừ các chi phí còn lãi từ 200 – 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các cơ sở này còn tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.

HoiNCT1

Ông Trần Dũng Lệ phó chủ tịch Hội người cao tuổi thị xã Cửa Lò cho biết: “Người cao tuổi sản xuất được thì đời sống được nâng lên và tham gia hỗ trợ con cháu phát triển kinh tế và đóng góp một phần cho xã hội, bên cạnh đó cải thiện được đời sống cho các cụ. Do làm tốt kinh tế nên các hoạt động của Hội như đóng góp quỹ trên địa bàn Cửa Lò ngày càng phát huy mạnh mẽ, làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng, chính quyền cơ sở”
        Ngoài đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, phấn đấu trở thành những tấm gương sáng cho con cháu học tập, Hội người cao tuổi thị xã Cửa Lò còn triển khai nhiều hoạt động nhân “tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm 2015. Để làm sao người cao tuổi trên địa bàn đô thị du lịch thật sự Sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội./.
                                                              Hữu Lương – Thanh Bình