Xứ Nghệ Quê tôi

Đăng ngày 28/03/2014

Nhiều nơi rừng núi, sông biển, ruộng đồng xen cài, gối lẫn vào nhau tạo nên cảnh sắc thiên nhiên vừa đa dạng, vừa kỳ thú.

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biết như tranh hoạ đồ”

Không được thiên nhiên ưu đãi cho ruộng đồng phì nhiêu, mưa thuận gió hoà nên người quê tôi đã sớm hun đúc nên một tinh thần nhẫn nại, kiên quyết của một cư dân nông nghiệp chật vật giành lấy một chỗ sống dưới mặt trời. Vì vậy, người xứ Nghệ có tiếng là gân guốc, khô khan, rắn rỏi; tư duy thường cứng nhắc, rạch ròi. Trước một sự việc, người quê tôi thường căng ra suy nghĩ phân tích cho rõ trước rõ sau, phải trái, trắng đen. Cách nói thường nặng nề, thiếu uyển chuyển.

Nổi bật của người xứ Nghệ là hành động, hành động đấu tranh đến quên mình. Thế nên, tính tình người quê tôi cũng có phần hơi khác: chịu gian khổ, chứ nhất quyết không chịu nhục, gan góc có phần bướng bỉnh, mưu trí đến liều lĩnh. Nhưng nổi hơn hết đó là khẳng khái, thẳng thắn biết quên mình vì nghĩa lớn, ý thức cộng đồng mạnh mẽ, tha thiết yêu quê hương đất nước.

Từ đức tính đó, miền quê này đã sản sinh ra biết bao lãnh tụ kiệt xuất từ Vua Mai đến Quang Trung, Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đó là những sao sáng của nước Việt, là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.

Người quê tôi còn tự hào là vùng đất cách mạng, là nơi đã dấy lên nhiều phong trào trong công cuộc đấu tranh giải phóng nước nhà.

Đất quê tôi còn tự hào là vùng đất học. Sự học ở đây không chỉ cho hiểu biết mà còn để “đổi đời”, học để “lấy chữ làm sang”.

Thời đại nào cũng vậy, học trò xứ Nghệ thường đỗ đạt cao, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài, nhiều nhà khoa học. Khi nói đến quê tôi, người ta hay nhắc “ông đồ xứ Nghệ”. Họ là những trí thức được học chữ thánh hiền, nhưng vì lý do nào đó mà không thể làm quan nên đành quay về nghề dạy học, khăn gói đi khắp bốn phương tìm nơi gieo chữ.

Thầy đồ quê tôi còn mang biệt danh “ông đồ gàn”. Gàn của ông đồ Nghệ là bắt nguồn từ ý thức buộc thiên nhiên, buộc hiện thực phải theo lý trí; bắt nguồn từ tính cách của một cộng đồng bất chấp khắc nghiệt của vùng đất khô cằn, sỏi đá nhằm “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” để tạo nên sự sống, bắt nguồn từ ý thức biết vượt qua hoàn cảnh bằng lòng quyết tâm nhiều khi đậm màu… duy ý chí của người xứ Nghệ.

Dù nghèo khó, phải tằn tiện, khăn áo đi khắp nơi làm nghề gia sư, gõ đầu trẻ để kiếm miếng cơm manh áo với giai thoại “cá gỗ” đeo đẳng suốt hành trình nhưng ông đồ Nghệ không bao giờ hèn kém. Tính gàn không chỉ ở mình ông mà của cả người xứ Nghệ. Thế mới có câu:

“Không đi không biết Nghệ An

Đi rồi mới thấy nó gàn làm sao”.

Gàn của người xứ Nghệ chính là trạng thái tâm lý mà ở đó có sự khác biệt, sự xung đột giữa lý trí và hiện thực, bắt hiện thực phải chiều theo tư duy của lý trí. Đó là thể hiện sự quyết tâm nhưng nhiều khi lại dẫn đến nhận thức và hành động có phần “lệch chuẩn” của người quê tôi.

Phải chăng tính gàn, tính cương trực, rắn rỏi, bất chấp là nét chung của người xứ Nghệ. Nhưng cũng không đâu như quê tôi, dù đời sống còn khó khăn mà người ta lại thích bàn chuyện “trên trời”, bàn chuyện văn chương; âu đó cũng là để quên đi những khó nhọc của đời thường.

Vậy nên, kho tàng văn học dân gian xứ Nghệ vô cùng phong phú. Qua những câu hò, điệu ví, người quê tôi đã gửi gắm cả tình cảm, kinh nghiệm sản xuất, tri thức cuộc sống đã được cộng đồng tích luỹ và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, chỉ duy nhất ở quê tôi có loại dân ca theo thể thơ năm chữ, nguồn mạch ấy dường như không cạn, dù giờ đây đã có nhiều loại hình sinh hoạt mới. Đó cũng là vườn ươm cho biết bao nhà văn, nhà thơ của đất nước.

Không được thiên nhiên ưu đãi nên người quê tôi đã hun đúc một tinh thần để giành lấy sự sống cho cộng đồng, rèn cho mình một ý chí vươn lên, rèn cho người xứ Nghệ một tính cách mạnh mẽ, dám xông pha, chịu gian khổ, sẵn sàng hy sinh để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vùng đất trên nắng chói dưới đất khô cằn đã sản sinh ra những con người nặng ân tình, nghĩa thuỷ chung, luôn ý thức vì cộng đồng, luôn cân nhắc điều ăn lẽ ở của mình đến mức:

“Đến câu hát cũng hai lần sàng lại

Lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm”.

Nên những gì viết ra đây chỉ là những sơ lược nhất về tích cách của con người xứ Nghệ, xin chép những vần thơ của Huy Cận, một nhà thơ xứ Nghệ để bạn hiểu thêm về quê hương tôi:

“Ai ơi cà xứ Nghệ,

Càng mặn lại càng giòn

Nước chè xanh xứ Nghệ

Càng chát lại càng ngon…

Khoai lang vàng xứ Nghệ

Càng nhai kĩ càng bùi

Cam xã Đoài xứ Nghệ

Càng chín lại càng tươi…

Ông đồ xưa xứ Nghệ

Càng dạy chữ càng nhiều

Tính tình người xứ Nghệ

Càng biết lại càng yêu…

*

* *

Ai ơi vô nơi đây

Xin dừng chân xứ Nghệ

Ai ơi qua nơi này

Xin dừng chân xứ Nghệ…

Ăn xứ Nghệ ăn đậm

Đã nói, nói hết lòng

Đất này bền nghĩa bạn

Đất này tình thuỷ chung…

Tình xứ Nghệ không mau

Nhưng bén rồi sâu lắng

Quen xứ Nghệ quen lâu

Càng tình sâu nghĩa nặng”…

.

Theo: Theo Thanh Lê – Diễn đàn VTV6