Xây dựng đô thị văn minh trên nền bản sắc văn hóa truyền thống của đô thị du lịch biển Cửa Lò

Đăng ngày 17/02/2018

Vấn đề xây dựng đô thị văn minh trên nền bản sắc văn hóa truyền thống đang được nhiều địa phương quan tâm chú trọng, nhất là trong thời kỳ đô thị hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay. Đây cũng là một trong những vấn đề đang được đặt ra hàng đầu của thị xã Cửa Lò chúng ta – vùng đất có nhiều danh thắng và huyền tích, giàu bản sắc văn hóa truyền thống đang vươn lên phát triển mạnh mẽ trở thành đô thị du lịch biển đầu tiên trong cả nước.

Cửa Lò được khai phá từ khá sớm, chịu sự bồi đắp bởi hai con sông lớn là sông Lam ở phía Nam, sông Cấm ở phía bắc, phía trước là Biển Đông rộng lớn. Lại được bao bọc bởi nhiều ngọn núi lớn: núi Kiếm, núi Lò, Hòn Ngư, hòn Mắt. Chính vì vậy, Cửa Lò có một vị trí hết sức đắc địa, cảnh trí vô cùng nên thơ, vừa có được sự quần tụ của núi sông, vừa có sự bao bọc của biển cả. Mảnh đất này gắn với nhiều huyền tích: Huyền tích về sự hình thành đảo Mắt với câu chuyện nàng Tố Nương mỏi mắt trông chồng. Hay câu chuyện công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành trở về Thăng Long, đã dừng chân nghỉ ngơi rồi tu tập tại chùa Song Ngư vì cảnh trí quá đẹp. Cửa Lò cũng có nhiều di tích cổ, như chùa Song Ngư, chùa Lô Sơn, đền thờ thái úy đô đốc quận công Nguyễn Sư Hồi, đền Mai Bảng…. Mảnh đất địa linh đã hun đúc và sản sinh ra nhiều người con kiệt xuất, nhiều nhân tài hào kiệt từ văn tới võ, từ y học tới kỹ thuật không đời nào không có, nổi tiếng   “văn dành đỉnh bút, võ chiếm đề đao, nền y học chưa nơi nào sánh kịp”. Sau này, Cửa Lò còn là quê hương của nhiều vị anh hùng cách mạng nổi tiếng như chí sỹ Phan Hoàng Thái, Hoàng Văn Tâm, Lê Thị Bạch Cát ….

a

Lễ hội sông nước – nét đẹp văn hóa của người dân Cửa Lò

Cho đến thời điểm hiện tại, thị xã Cửa Lò có 11 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 8 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Con người Cửa Lò xưa nay vốn hiền lành chất phác, những chàng trai hàng ngày vẫn bám biển, bầu bạn với nhau trong những chuyến khơi xa, hồn hậu và ồn ào như sóng nước Biển đông. Những người vợ ở nhà chờ chồng từ biển về, buôn bán từng mớ tôm cá chồng vừa đánh bắt được, í ới gọi nhau từ tờ mờ sáng để ra bến cá cho kịp những chuyến thuyền về. Những ngày biển động, họ đến nhà nhau uống ấm trà nói vài ba câu chuyện. Trước mỗi chuyến đi biển, lại sửa soạn ra đền làng, thắp nén tâm hương, cầu mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Tất cả những điều này làm nên sự gắn bó khăng khít của tình làng nghĩa xóm, tạo nên những nét giá trị văn hóa dân gian đậm đà bản sắc.

Nói như vậy để lần nữa khẳng định rằng, Cửa Lò là mảnh đất rất giàu truyền thống lịch sử, đa dạng nền văn hóa. Và việc xây dựng đô thị văn minh cốt yếu phải dựa trên nền bản sắc văn hóa truyền thống đó, để văn hóa vừa là động lực, là bệ đỡ, vừa là định hướng cho sự phát triển vươn lên xây dựng đô thị văn minh của Thị xã.

Trong những năm gần đây, thị xã Cửa Lò đã phát triển rất nhanh quá trình đô thị hóa. Từ một dải đất ven biển hoang sơ được tách ra từ huyện Nghi Lộc năm 1994, trải qua gần 24 năm xây dựng và phát triển, Cửa Lò ngày càng được thay da đổi thịt bởi sự phát triển đồng bộ và có quy hoạch về hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, hệ thống khách sạn cao tầng hiện đại và nhiều khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Năm 2014, thị xã Cửa Lò đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng danh hiệu là “Đô thị du lịch biển” đầu tiên của cả nước. Năm 2016, 1/7 phường được công nhận đạt “phường chuẩn văn minh đô thị” (phường Nghi Hương). Nhiều dự án lớn du lịch sinh thái, thương mại, nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng, nhiều khu công nghiệp mọc lên thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều người trong độ tuổi lao động. Cùng với đó là liên tục chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân, cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” diễn ra sâu rộng, đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao. Thị xã đã từng bước giải quyết  tốt mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và văn minh đô thị.

Là một đô thị du lịch biển, cho nên trong quá trình phát triển quy hoạch đô thị văn minh, Cửa Lò cần chú trọng quy hoạch trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kể cả vật chất và tinh thần. Vì nếu không chú trọng phát triển mạnh mẽ dịch vụ, du lịch, thương mại, công nghiệp thì văn minh hiện đại sẽ bị hạn chế. Nhưng chú trọng đến mức bỏ qua các yếu tố bảo tồn ở đô thị du lịch sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa địa phương. Theo quan điểm cá nhân người viết, Thị xã có thể quy hoạch tổng thể thành các khu đô thị bảo tồn và khu đô thị phát triển, tránh tình trạng chồng chéo giữa xu hướng bảo tồn và xu hướng phát triển. Có nghĩa là khu bảo tổn bao gồm các khu đô thị có đền, chùa, miếu, mạo, di tích lịch sử sẽ được khoanh vùng trùng tu, bảo quản, tôn tạo và nương theo đó để phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị du lịch cho Thị xã. Các khu đô thị không cần bảo tồn thì tăng cường mở rộng phát triển văn minh đô thị theo hướng hiện đại hóa, thương mại hóa…Và trên hết, phát triển đô thị phải coi trọng việc bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, các công trình kiến trúc và danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, phải chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống  phi vật thể. Đó là tình làng nghĩa xóm, hương ước lệ làng, lễ hội truyền thống, các điệu hò dân ca ví dặm, những làng nghề chế biến hải sản, làng nghề thủ công… Bởi đó là cốt cách, là tâm hồn của con người Cửa Lò được hình thành, vun đúc và kế thừa qua biết bao thế hệ.

Vì lẽ đó, xây dựng đô thị văn minh Cửa Lò không thể làm vội vàng, nhất thời, manh mún mà phải chú trọng bền vững, có sự kết hợp chặt chẽ các yếu tổ lịch sử, văn hóa, địa hình, dân cư với văn minh đô thị. Cốt yếu là xây dựng đô thị văn minh trên nền tảng bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Làm tốt được điều này,  tin rằng Cửa Lò sẽ thực sự khởi sắc trở thành một đô thị du lịch biển vừa văn minh hiện đại, lại vừa đậm đà bản sắc.

Võ Hồng Hải

Giám đốc Trung tâm VHTT Thị xã