Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Cửa Lò mỗi độ tết đến xuân về

Đăng ngày 05/01/2019

Tết nguyên đán là nếp sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Tết là khi hội tụ không khí tưng bừng, nhộn nhịp nhất trong không gian văn hóa của toàn dân tộc, góp phần hình thành nên vóc dáng văn hóa truyền thống của người Việt. Sau một năm với bộn bề lo toan cuộc sống, tết là dịp để mọi người nghỉ ngơi và sum họp.

Tết khởi đầu từ ngày 23 tháng chạp hàng năm cho tới hết ngày mồng của tháng giêng, trong đó 3 ngày đầu tiên được coi là nguyên đán – Tết đầu năm mới.

Ở nơi đâu khắp Việt Nam hay ở Cửa Lò cũng thế, trong thời gian tết các hình thức thực hành của cộng đồng người dân đã tạo thành một nếp văn hóa mang ý nghĩa nhân văn cực kỳ gần gũi nhưng sinh động, được các thế hệ bảo lưu, gìn giữ, trở thành mỹ tục trong đời sống văn hóa của dân tộc.

Trong tâm thức của mỗi con cháu người Việt và người Cửa Lò cũng không ngoại lệ thì hoạt động văn hóa tâm linh đầu tiên chính là thăm mộ tổ tiên (công việc này diễn ra từ ngày 23 cho đến 30 tết). Viếng thăm, quyét dọn, sửa sang mồ mả, cúng vái mời ông bà tổ tiên về đón tết cùng con cháu chính là những việc làm thể hiện sự hiếu đạo của thế hệ con cháu hôm nay.

Cũng như mọi vùng miền khác, người Cửa Lò cũng có thói quen dọn dẹp nhà cửa, trang trí đẹp đẽ không gian sinh hoạt của gia đình, tất bật chuẩn bị mua sắm hương vàng, cau trầu, hoa lá, bánh trái, ….Những người đàn ông trong gia đình thì có thú vui với những cây cảnh, chơi hoa, chơi cành thỏa mãn thú vui tao nhã của mình.

Không gian sinh hoạt chợ Hôm sầm uất, người buôn kẻ bán khắp nơi hội tụ tạo nên một không khí đón xuân rộn ràng với biết bao hi vọng cho một năm mới nhiều tài lộc, bình yên và may mắn. Các mẹ các bà thì mua câu đối đỏ, những bức tranh nhiều màu sắc, những tệp lá dong, còn thanh niên thì chọn lựa cây quất, những cành đào đẹp cùng những đồ trang trí để chưng diện cho ngôi nhà của mình.Tục lệ gói bánh chưng, gia đình quây quần bên bếp lửa chờ bánh chưng chín…..đều được thực hiện khắp nơi trong mỗi gia đình, là tục lệ ngàn năm coi như nét văn hóa truyền thống không thể nào thiếu được.

Lễ đón giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của mỗi gia đình. Giây phút thiêng liêng chào đón thời khắc giao thừa ấy thể hiện qua hành vi thực hành nghi lễ trang trọng trước bàn thờ tổ tiên và các vị thần linh. Mỗi năm, các đồng chí lãnh đạo thị ủy và UBND thị xã cùng ban giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thông tổ chức dâng hương dâng hoa tại các di tích trên địa bàn đềm đêm 30 tết. Đây là việc làm thể hiện nghĩa cử cao đẹp của các cấp chính quyền đối với các bậc thần linh đã luôn phù hộ, che chở cho con cháu thị xã một mùa kinh doanh du lịch no đủ, một năm kinh tế thắng lợi và mong muốn năm sau cũng có nhiều thành tựu như thế. Bên cạnh đó, việc quan tâm, thăm hỏi người nghèo cũng được diễn ra thường niên, làm xóa bỏ ranh giới giàu nghèo, giúp những người khó khăn có một cái tết ấm cúng, đầy đủ hơn.

IMG_8875

Lễ hội cầu ngư phường Nghi Hải

Cũng trong đêm giao thừa, tại các nhà văn hóa khối ở Cửa Lò luôn tổ chức đón giao thừa sớm cho toàn thể nhân dân, tổ chức giao lưu văn nghệ chào xuân với không gian ấm cúng, gắn kết hàng xóm láng giềng lại với nhau, hướng về những phút giây tươi đẹp đón chào xuân sang.

Phong tục thờ cúng tổ tiên trong đêm giao thừa được con cháu thực hiện trang nghiêm, tôn kính. Ngoài ra, gia chủ còn bày biện mâm cúng ngoài trời để tạ lễ các thần linh, cầu xin một năm mới nhiều hạnh phúc, đủ đầy hơn năm cũ.

Một trong những nghi lễ không thể thiếu và lưu truyền bao đời là con cháu ở Cửa Lò luôn hướng về đền Làng để thắp nến hương thơm tới ngài thành hoàng cùng các vị chư tiên chư phật để cầu mong một năm bám biển vươn khơi xa đầy ắp tôm cá, bình an ngoài biển rộng, bội thu từ lộc biển mang lại. Việc này, người dân Cửa Lò thường thực hiện tại các đền làng như Mai Bảng, Yên Lương, Làng Hiếu….Ngoài ra, con cháu trong dòng họ đều đến nhà thờ để viếng tổ tiên, tụ họp anh em, vui vầy chào năm mới bằng những hàn huyên tâm sự, chia sẻ.

Cửa Lò sau nhiều năm không ngừng đi lên và phát triển, kéo theo đời sống người dân ngày một nâng cao hơn, nên nhiều năm gần đây nhân dân cũng được đón một cái tết no đủ hơn, đời sống tinh thần của người dân vì thế cũng khác. Những chuyến du xuân hay những những chuyến du lịch chào năm mới được thực hiện nhiều hơn. Người dân cũng để ý chọn ngày lành tháng tốt để xuất hành hay làm lễ cầu yên cầu tài đầu năm mới, đồng thời cũng tránh những kiêng kị cần thiết để mọi việc được hành thông, suôn sẻ.

IMG_8567

Để nhân dân được vui xuân đón tết, hàng năm Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thông thị xã phối hợp với ban văn hóa các phường tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao sôi nổi: giải bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, kéo co, cờ thẻ, tiếng hót chim chào mào, phối hợp với thị đoàn tổ chức đêm giao lưu văn nghệ chào năm mới, tất niên đền Làng Hiếu vào đêm 25 âm lịch hàng năm…kết hợp các các trò chơi hiện đại góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa địa phương. Đây là một trong những hoạt động văn hóa phi vật thể được duy trì và phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia và cổ vũ, tạo nên một không khí hăng say, vui vẻ đón tết. Điều này cũng tạo ra sự cố kết cộng đồng dân cư lại với nhau, tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn. Các đơn vị liên quan cùng với nhân dân thực hiện phòng chống tố giác tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội (cờ bạc, đốt pháo, bói toán….) hướng tới môi trường sống lành mạnh, yên vui.

Ngoài ra, hàng năm tại các phường luôn tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ, tổ chức gặp mặt con cháu làm ăn xa đầu xuân năm mới, những con cháu đã có nhiều đóng góp công của cho địa phương. UBND các phường cũng tổ chức các ngày hội làng cho nhân dân như lễ hội làng Mai Bảng (12/2 âm lịch),… phối hợp tổ chức cầu ngư trong không trí trang nghiêm, thể hiện đạo “uống nước nhớ nguồn” nhằm răn dạy, bảo ban con cháu.

IMG_8719

IMG_8773 - Copy

Giải lắc múng trong lễ hội đền Mai Bảng – phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò

IMG_8914

IMG_0136

IMG_8706 - Copy

Tết là những ngày chúc nhau sức khỏe, tuổi tác, chúc làm ăn khẩm khá, con cháu đủ đầy, là khi được gần nhau hiểu nhau hơn để xóa bỏ những thù hận, có cơ hội cởi mở, cảm thông, sẻ chia nhiều hơn. Tết là lúc thể hiện rõ nhất những đặc thù văn hóa truyền thống của địa phương mình. Mặc dù nét văn hóa truyền thống qua thời gian đã có sự thay đổi và biến động song nội hàm và những giá trị cốt lõi của nó vẫn được lưu truyền và gìn giữ có tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng nét văn hóa trong cộng đồng dân cư, những nét đẹp đó luôn được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại và mai sau./.

 Võ Hồng Hải -Nguyễn Hương