Mở rộng địa giới hướng đích sáp nhập TX. Cửa Lò vào TP. Vinh

Đăng ngày 21/03/2018

(Baonghean.vn) – Việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Cửa Lò tạo động lực và bước đệm cho quá trình thị xã Cửa Lò phấn đấu phát triển toàn diện, trên mọi lĩnh vực để trở thành đô thị loại II và sát nhập vào thành phố Vinh trước năm 2030.
Đồ họa bản đồ thị xã Cửa Lò nếu sáp nhập thêm 7 xã (màu hồng) từ Nghi Lộc.

Chiều 21/3, dưới sự chủ trì của đồng  chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nghi Lộc để mở rộng thị xã Cửa Lò.

Địa giới hành chính thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh cách nhau địa bàn các xã Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Hợp, Nghi Khánh, Phúc Thọ của huyện Nghi Lộc. Trong khi đó điều kiện bắt buộc để sát nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh thì địa giới hành chính thị xã Cửa Lò phải liền kề với địa giới hành chính thành phố Vinh. Do vậy cần phải tiến hành sát nhập 7 xã trên của Nghi Lộc vào thị xã Cửa Lò.

Sau khi điều chỉnh, diện tích đất tự nhiên của thị xã Cửa Lò từ 27,93 km2 tăng lên 74, 49 km2 và dân số tăng từ 59.756 người lên trên 110.527 người, có 14 đơn vị hành chính trực thuộc.

Các đại biểu dự họp góp ý kiến vào đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nghi Lộc để mở rộng thị xã Cửa Lò. Ảnh: Quang An

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá tác động và định hướng phát triển của các đơn vị hành chính có liên quan sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Cửa Lò.

Theo các đại biểu, việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nghi Lộc để mở rộng thị xã Cửa Lò trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của 7 xã huyện Nghi Lộc nên không làm phân tán nguồn lực đầu tư, không tăng kinh phí chi thường xuyên cho bộ máy hành chính. Nguồn lực hành chính công sẽ được thị xã tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Đô thị du lịch biển Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nghi Lộc để mở rộng thị xã Cửa Lò sẽ có tác động tích cực về kinh tế – xã hội, tạo động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên địa bàn, góp phần mở rộng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc phát biểu. Ảnh: Quang An

Về phía huyện Nghi Lộc, sau khi điều chỉnh 7 xã về thị xã Cửa Lò quản lý sẽ đáp ứng phù hợp chủ trương, quy hoạch chung của tỉnh. Đồng thời sẽ tạo động lực thúc đẩy huyện Nghi Lộc chuyển dịch lại cơ cấu kinh tế – xã hội trên toàn huyện, đảm bảo phát triển hài hòa, hợp lý giữa các vùng, cụm công nghiệp, dịch vụ, thương mại trên cơ sở duy trì ổn định phát triển nông lâm ngư nghiệp. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là các xã, các vùng phía Tây của huyện đang có kinh tế kém phát triển.

Tuy nhiên, khi tiến hành việc chuyển các xã sáp nhập về Cửa Lò thì tốc độ phát triển kinh tế của huyện Nghi Lộc sẽ có thay đổi. Do đó sẽ ảnh hưởng đến cân đối thu chi và nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng của huyện trong những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò phát biểu. Ảnh: Quang An

Ý kiến lãnh đạo các sở: Xây dựng, Tài nguyên Môi trường đều nhấn mạnh 7 xã nằm gọn trong vùng quy hoạch thành phố Vinh mở rộng, có địa giới hành chính phù hợp với việc điều chỉnh. Tuy nhiên, Cửa Lò là đô thị du lịch biển, đô thị loại 3, do đó đề án phải phân tích, làm rõ tính chất đô thị biển sẽ như thế nào khi nhập 7 xã này vào; các tiêu chí về hạ tầng xã hội, giao thông, dân cư… liệu có đáp ứng không? Ngoài ra, với việc tăng thêm tới 7 xã, thì bộ máy quản lý cấp huyện ở Cửa Lò sẽ thay đổi như thế nào, giải pháp cụ thể sau khi có điều chỉnh ra sao…

Những băn khoăn này của các đại biểu được Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò giải đáp khi cho rằng, việc mở rộng thị xã sẽ làm tăng cơ sở cho đô thị loại 3, phấn đấu nâng Cửa Lò lên đô thị loại 2. Bộ máy thị xã vẫn giữ nguyên sau khi sáp nhập.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng đề án phải phân tích, làm rõ tính chất đô thị biển sẽ như thế nào khi nhập 7 xã này vào. Ảnh: Quang An

Ngoài ra, những kiến nghị mang tính đột phá, định hướng lớn về phát triển Nghi Lộc; giải pháp về đầu tư, quy hoạch KT – XH, xây dựng của huyện được lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc, phía Cửa Lò đề nghị đơn vị tư vấn đưa vào.

Kết luận hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cho rằng: Việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Cửa Lò tạo động lực và bước đệm cho quá trình thị xã phấn đấu phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, để trở thành đô thị loại II và sáp nhập vào thành phố Vinh trước năm 2030.

Đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các đại biểu hoàn thiện đề án, trong đó, chú ý cần quan tâm các giải pháp cho Nghi Lộc, Cửa Lò phát triển sau khi thực hiện tách – nhập các xã theo đề án; đồng thời huyện Nghi Lộc triển khai lấy ý kiến người dân về đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nghi Lộc để mở rộng thị xã Cửa Lò trong tháng 4/2018. Sau đó, tỉnh sẽ triển khai các bước tiếp theo.