Khó trong thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Đăng ngày 24/03/2017

Tiến độ triển khai Nghị định số 43/2006 và Nghị định số 16/2015 về cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh còn chậm; nhiều đơn vị còn e dè, lúng túng. Đó là đánh giá của Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Tài chính về nội dung thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị hành chính công lập.

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Tài chính, thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Sở đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện.  Đồng thời Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Chiều 23/3, Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh do đồng chí Phan Đức Đồng – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Tài chính về việc thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, các đơn vị tự chủ được phân thành 4 loại: Đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động; tự đảm bảo một phần chi phí thường xuyên; do nhà nước đảm bảo chi phí hoạt động và Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Đức- Phó Giám đốc Sở Tài chính báo cáo kết quả
Đồng chí Nguyễn Ngọc Đức – Phó Giám đốc Sở Tài chính báo cáo kết quả thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị hành chính công lập trên địa bàn tỉnh. Ảnh Thanh Lê.

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, trong thời gian tới, Sở Tài chính đang tập hợp rà soát, phân loại những đơn vị nào đủ điều kiện chuyển sang tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị tự chủ toàn phần để giảm gánh nặng cho ngân sách và tăng tính chủ động cho các đơn vị. Theo đó, năm 2017 tỉnh đang tập trung các đơn vị thuộc ngành Y tế.

Liên quan đến việc triển khai Nghị định 43 và Nghị định 16 của Chính phủ, đồng chí Thái Thị An Chung – Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phản ánh: Qua kiểm tra ở một số đơn vị cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp ở tỉnh ta quá chậm. Cụ thể, Nghị định ban hành từ năm 2015 nhưng tỉnh chỉ mới ban hành kế hoạch thực hiện. Đến năm 2017, UBND tỉnh và Sở Tài chính mới ban hành các văn bản đôn đốc các đơn vị.

“Nhiều đơn vị còn lúng túng trong việc thực hiện cơ chế tự chủ do chưa có đơn vị đầu mối tham mưu. Đoàn giám sát tại Trường THPT Hà Huy Tập, lãnh đạo trường còn không hiểu tự chủ cái gì, tự chủ như thế nào”? – đồng chí Thái Thị An Chung dẫn chứng.

Cùng chung quan điểm, đồng chí Đặng Quang Hồng – Phó Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị: “Qua đợt giám sát này, đề nghị Ban Pháp chế cần kiến nghị UBND tỉnh cần giao cho đơn vị chủ quản triển khai quán triệt Nghị định không nên để tình trạng chung chung như hiện nay”.

Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình cổ phần hóa theo Nghị định 22 của Chính phủ đến nay tỉnh mới thực hiện 7/131 có quyết định của UBND tỉnh giao thực hiện. Khó khăn từ đâu? – cơ chế quản lý tài sản các đơn vị hành chính công lập đang tự chủ hoàn toàn chuyển sang mô hình cổ phần hóa – đồng chí Hoàng Quốc Hào – Giám đốc Sở Tư pháp băn khoăn.

Đồng chí Phan Đức Đồng
Đồng chí Phan Đức Đồng – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh Thanh Lê.

Về việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Ngọc Đức cho rằng: “Hiện nay, các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tự chủ chỉ dừng lại tự chủ kinh phí được ngân sách cấp. Vì vậy,vẫn trong tình trạng chạy xin biên chế bởi biên chế nhiều mới được cấp kinh phí nhiều.

Trả lời những nội dung đoàn giám sát quan tâm, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Việc quán triệt Nghị định 16/2015-NĐ-CP do Sở Nội vụ chủ trì. Tuy nhiên, việc triển khai là do các đơn vị phải tìm hiểu để thực hiện.

Mặc dù Nghị định đã ban hành, nhưng các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành chưa đồng bộ nên Sở chưa ban hành. Liên quan đến việc chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp hành chính sang công ty cổ phần, đồng chí Nguyễn Ngọc Đức cho biết: Sở tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần, tuy nhiên không có đơn vị đáp ứng được tiêu chí yêu cầu đề ra.

Tại buổi làm việc, Sở Tài chính làm rõ băn khoăn của thành viên đoàn giám sát về giá dịch vụ, cơ chế kiểm soát tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản nhà nước sau khi cổ phần hóa các đơn vị hành chính sự nghiệp, tự chủ về biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập,…

Cơ chế tự chủ đã giúp Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh phát triển nhiều kỹ thuật mới. Ảnh tư liệu
Cơ chế tự chủ đã giúp Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh phát triển nhiều kỹ thuật mới. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở đánh giá kết quả, hạn chế trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, đồng chí Phan Đức Đồng đề nghị Sở Tài chính phối hợp với ngành liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện, tăng cường đôn đốc đánh giá, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết chuyển đổi các đơn vị đủ điều kiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục dịch vụ công. Theo đó, cơ quan chủ trì phải thực hiện báo cáo tiến độ thực hiện hàng năm và có cơ chế thưởng phạt rõ ràng. Từ đó, vừa đảm bảo giảm dần nguồn kinh phí nhà nước, nhưng vẫn tăng hiệu quả công việc.

Tính đến hết năm 2016 trên địa bàn tỉnh có trên 1.901 đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 43/2006 và NĐ số 16/2015 của Chính Phủ có 21 đơn vị sự nghiệp đảm bảo chi phí hoạt động; Tự đảm bảo một phần chi thường xuyên là 272 đơn vị và có 1.608 đơn vị do Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.

Thanh Lê