Khai thác lợi thế Văn hóa để phát triển Du lịch

Đăng ngày 28/03/2014

Đào tạo nhân lực cho ngành du lịch: Thừa nhưng vẫn thiếu

Văn hóa du lịch là văn hóa giao tiếp giữa con người với con người, do đó nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định, nhưng nguồn nhân lực này đã phát triển và được đào tạo như thế nào? Theo ông Hà Kim Vọng, Hiệu trưởng Trường Du lịch và Ngoại ngữ Khôi Việt, nhiều nhà đầu tư coi trọng việc xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng, khang trang nhưng bỏ qua việc đào tạo nhân lực, hay xem trọng nhân viên cao cấp mà xem thường nhân viên phục vụ… nên nhanh chóng thất bại. Thực tế cho thấy đa số nhà hàng khách sạn đang lâm vào cảnh nhân viên không ổn định khiến cho hoạt động kinh doanh luôn trong tình trạng bất ổn.

Hiện nay, các chương trình đào tạo về ngành quản lý du lịch – khách sạn – nhà hàng đang là môn học được nhiều trường tham gia tổ chức, thậm chí cả các cơ sở giáo dục nước ngoài, nhưng khó có thể đánh giá chất lượng đào tạo của các trường này vì đây là một ngành tương đối còn mới, nhưng một điều chắc chắn là đa số các trường đều đặt nặng phần lý thuyết mà thiếu hẳn thực hành, thực tập. Hiệu trưởng một trường du lịch cho biết, có chăng là sinh viên được gửi đi phục vụ bàn (không lãnh lương) ở một số khách sạn lớn trong khoảng vài tuần lễ, sau đó nhận được giấy chứng nhận là đã qua thời gian thực tập, cho nên, hậu quả là sau bốn năm học quản lý du lịch khách sạn, sinh viên chỉ giỏi về lý thuyết quản lý, chứ không thể trải nghiệm được các công việc cần thiết. Các trường hiện nay cũng đang thiếu giảng viên có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn. Trong khi các giảng viên có năng lực thực sự thì đa số đang phục vụ trong khách sạn lớn nên họ chỉ có thể dạy thêm ngoài giờ mà không cống hiến toàn thời gian cho công tác đào tạo được. Một thực tế nữa là, ít trường quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ để sinh viên thực tập trong môi trường làm việc thực tế.

Số liệu tổng hợp của trường ĐH Sài Gòn cho biết, hiện cả nước có 88 trường (TP.HCM được 21 trường) đào tạo nhân lực cho ngành du lịch ở bậc ĐH, CĐ và TCCN. Tuy vậy, cũng chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu, hiện tại TP.HCM có trên 50% số lao động trong ngành chưa qua đào tạo. Điều này cho thấy nguồn nhân lực này thiếu trầm trọng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trịnh Minh Hiếu, Giám đốc điều hành Cty Dịch vụ du lịch Phong cách Travel, nhìn chung, sinh viên mới ra trường thường có kiến thức mơ hồ chung chung, thậm chí ảo tưởng, thiếu kiến thức xã hội, thiếu ngoại ngữ, khả năng giao tiếp… Hằng năm có một lượng lớn sinh viên ra trường nhưng vẫn thiếu, thiếu vì nguồn nhân lực này chất lượng chưa cao, doanh nghiệp chưa thể dùng ngay được.

Nhân lực hoạt động du lịch phải có tố chất “văn hóa công nghiệp”

Ông Hà Kim Vọng nêu vấn đề, làm công tác du lịch là làm văn hóa, du khách ngoại quốc đánh giá nền văn hóa của một dân tộc thông qua các chuyến du lịch. Đất nước ta có nền văn hóa lâu đời, có truyền thống thân thiện, hiếu khách, thiên nhiên đẹp đẽ, khí hậu ôn hòa, an ninh ổn định… nhưng tại sao vẫn không thu hút nhiều du khách như các nước trong khu vực? Ông Vọng cho rằng nguồn nhân lực cho ngành văn hóa – du lịch không chỉ gói gọn hay giao khoán cho các nhân viên lữ hành, khách sạn, nhà hàng mà phải bao gồm tất cả những con người có liên quan đến du khách, từ thủ trưởng các cơ quan chính quyền cao cấp đến các em bé bán hàng rong trên bãi biển. Việt Nam có những “nét văn hóa” xấu như: nói thách, chen lấn, đeo bám, vòi tiền… đã và đang tồn tại làm ảnh hưởng trầm trọng đến du lịch nước nhà.

Ông Đào Văn Chiêu, Cty cổ phần Vận chuyển Saigontourist cho rằng, một trong các giải pháp của chúng ta là nên đẩy mạnh du lịch văn hóa bên cạnh các loại hình khác như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá hay hội họp. Chúng ta phải khai thác lợi thế văn hóa để phát triển du lịch trong xu thế hội nhập. Du lịch văn hóa là sản phẩm đặc thù của mỗi quốc gia, mỗi địa phương mà không nơi nào có được, ở Việt Nam đó chính là Tết cổ truyền, Hội đền Hùng, Hội chùa Hương, các lễ hội truyền thống ở từng địa phương, khai thác thế mạnh du lịch các bãi biển… từ đó tạo ra các sản phẩm đặc thù của riêng mình.

TS. Huỳnh Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường CĐ Văn hóa – Nghệ thuật TP.HCM chia sẻ, hoạt động du lịch ngoài tính chất là hoạt động văn hóa còn là hoạt động xã hội mang tính công nghiệp rất cao. Nguồn nhân lực tham gia hoạt động du lịch vì vậy phải có chất lượng (văn hóa) cao, thực chất đó là tố chất “văn hóa công nghiệp” để tạo ra tính chuyên nghiệp thực sự cho du lịch.

Theo: Anh Huy