Kết nối tiềm năng Du lịch ven Sông Lam

Đăng ngày 28/03/2014

Đường ven sông Lam sẽ là tuyến kết nối trực tiếp vùng du lịch biển Cửa Lò với cửa ngõ phía Nam của thành phố Vinh từ cầu Bến Thủy, vòng lên Nam Đàn qua khu di tích Kim Liên, rồi nối quốc lộ 46 về cảng Cửa Lò. Chính vì vậy, tỉnh đã qui hoạch tuyến này trở thành một trục quan trọng về kinh tế du lịch- dịch vụ.

Qui hoạch Vinh- Cửa Lò từ sau 2010 là Vinh sẽ kết nối mạnh hơn với Cửa Lò, vì vậy ngoài trục Quán Bàu- Cửa Lò đang khởi công xây dựng, thì tuyến đường ven sông Lam sẽ là một trục không gian quan trọng nữa để kết nối hai đô thị, nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, làm động lực phát triển kinh tế cho hai đô thị. Trong Quyết định số 38/ 2005 của UBND tỉnh về xác định tiêu chí đất “sinh lợi” thì đây cũng là tuyến tiềm năng, chứa đựng nhiều lợi thế mà tỉnh đang ban hành cơ chế khai thác. Trong đó, các phương án đấu giá đất dọc hai bên tuyến theo qui hoạch được duyệt để vừa tạo nguồn thu, vừa thu hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá là một lựa chọn tối ưu. Việc qui hoạch vì vậy càng phải được đẩy nhanh tốc độ, để vừa đạt mục đích kinh tế, song cũng đảm bảo môi trường sinh thái đặc dụng ven sông, bảo vệ Đê tả Lam và các cơ sở an ninh quốc phòng.

Tuyến đường ven sông Lam dài 57 km từ Cửa Hội đến Nam Đàn, hiện nay Viện qui hoạch kiến trúc xây dựng Nghệ An mới qui hoạch xong hai bên đoạn từ Cửa Hội đến Bến Thuỷ. Đó là các cơ sở du lịch: – Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Cửa Hội được tổ chức với hình thức nghỉ dưỡng sinh thái, kết hợp khai thác du lịch với bảo vệ rừng phi lao phòng hộ ven biển. Kiến trúc chủ yếu là nhà thấp tầng, mô hình là xây dựng khu Resort- tức là khu nghỉ dưỡng cao cấp. – Khu du lịch sinh thái ven sông Hưng Hoà là điểm nhấn khai thác du lịch quan trọng trên toàn tuyến. Sẽ xây dựng hệ thống khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu tham quan rừng sinh thái ngập mặn (rừng bần). Hệ thống khách sạn và khu vui chơi giải trí bố trí ở trong đê của xã Hưng Hoà. Quy mô công trình phân tán, tầng cao trung bình từ 3-5 tầng. – Khu cửa cống Rào Đừng thuộc xã Phúc Thọ là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi: gần bờ sông, gần khu rừng bần, có mối liên hệ giao thông thuận tiện từ nhiều hướng, có thể kết hợp du lịch sinh thái và tham quan làng nghề truyền thống vạn chài. Kiến trúc ở đây chủ yếu là nhà thấp tầng, mật độ xây dựng 20%-25%. Trên toàn tuyến tổ chức các cụm du lịch nhỏ, nhằm khai thác hệ thống cảnh quan ven sông được bố trí tại phường Nghi Hải, bãi bồi xã Hưng Hoà và cầu Hói Trại xã Phúc Thọ. Trên đường ven sông Lam cũng sẽ xây dựng những cầu cảng.

Các xí nghiệp, cụm cảng, kho lạnh và một số xưởng sửa chữa tàu thuyền khu vực Cửa Hội vẫn được giữ nguyên và phát triển. Thực hiện việc kè lấn bờ sông từ xí nghiệp 12/9 Khải Triều – Cửa Lò đến Công ty cổ phần nhập khẩu Nghệ An, đi song song với đường ven sông Lam để xây dựng Cảng cá vùng khu vực Bắc miền Trung cho các tàu đánh cá loại 800 CV cập bến (theo Quyết định 239 của Thủ tướng chính phủ về việc Phê duyệt đề án phát triển thành phố Vinh, trở thành trung tâm kinh tế văn hoá vùng Bắc Trung Bộ). Bố trí 1 điểm bến neo tàu thuyền của dân cư nghề cá tại xã Nghi Xuân, đáp ứng nhu cầu phục vụ hậu cần nghề cá, chủ yếu là các công trình cầu cảng, bến đỗ, đường lên xuống.

Cụm công trình cảng Bến Thuỷ mới và kho xăng dầu Nghệ Tĩnh bố trí ở đầu tuyến. Khu kho xăng dầu được mở rộng quy mô so với hiện tại theo yêu cầu phát triển Khu đô thị mới phường Hưng Dũng được bố trí khu dân cư cao tầng và thấp tầng, khu công cộng, khách sạn, cây xanh. Thị tứ chợ Mai Trang, khu dân cư phường Nghi Hải, Phúc Thọ sẽ phát triển hơn trong tương lai. Sắp tới cầu qua sông Lam nối trục đường phía đông Thành phố Vinh sang Trung tâm thị trấn Nghi Xuân – Hà Tĩnh sẽ được xây dựng; xây dựng trục đường phía sau kho xăng dầu nối sang trung tâm xã Hưng Hoà rộng 33m, xây dựng cảng Bến Thuỷ mới, xây dựng khu du lịch ven sông bên cạnh cảng Bến Thủy mới và bến thuyền du lịch.

Sở Tài chính hiện đang soạn thảo cơ chế đấu giá đất tại hai bên tuyến, tạo điều kiện để đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá. Cơ quan chức năng cần công khai qui hoạch được duyệt. Việc cắm mốc chỉ giới toàn bộ hệ thống theo quy hoạch, bao gồm đường trục chính và hệ thống đường ngang là việc làm cấp thiết nhằm đẩy nhanh việc thông tuyến của tuyến đường ven sông Lam.

Theo: Theo cer.com.vn