Dòng họ văn hóa Phùng Phúc Kiều

Đăng ngày 06/02/2019

Họ Phùng Đại Tôn (Phùng Phúc Kiều) sinh sống, lập nghiệp trên mảnh đất Rộc Kén làng Thu Lũng, xã Hiếu Hạp, tổng Phù Long nay là khối Hòa Đình, Phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.Từ năm 1999, nhà thờ họ Phùng Đại Tôn được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Dòng họ Phùng tồn tại và phát triển đi lên cùng với các dòng họ Hoàng, Lê, Chế, Nguyễn, Võ….. làm tôn thêm nét phong phú và sắc màu của các dòng họ.

Để hiểu thêm về dòng họ Phùng, ta ngược dòng lịch sử về với những dấu tích.

h8

Cuối thế kỷ XVI, cuộc chiến tranh giành quyền thống trị giữa hai thế lực phong kiến Lê – Trịnh với nhà Mạc kéo dài từ năm 1527 – 1590. Khi cuộc chiến kết thúc, Nhà Mạc chạy lên vùng núi Cao Bằng, còn Vua Lê chúa Trịnh lấy lại kinh đô Thăng Long. Chiến tranh diễn ra làm hao người tốn của, tài chính nhà nước kiệt quệ, các toán cướp nổi lên nhiều nơi. Thời gian này, Triều Trung Hầu Phùng Bá Giàu đang giữ chức Trung lang Tướng, tham tri bộ binh được lệnh dẫn binh đi khai phá đất hoang hóa ở các vùng xung yếu ven sông, biển và trấn áp bọn cướp hoành hành. Phùng Bá Giàu đưa người các địa phương đến khai khẩn lập trang ấp các vùng ven biển Nghi Xuân, dọc sông Hưng Nguyên, Cửa Lùa (Cửa Lò ngày nay), Nghi Lộc, dọc sông Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành.

Tại vùng ven biển Cửa Lùa, Phùng Bá Giàu cùng ông Hoàng Nhàn ở Quỳnh Lưu vào, hai ông đã tổ chức đưa dân và các dòng họ khác để khai khẩn lập nghiệp, lập nên các thôn Thu Lũng (Nghi Thu), Văn Trung (Nghi Hương), các thế hệ con cháu hai vị ngày càng phát triển đông đã tỏa đi các địa phương khác như Thiên Lộc, Xuân Đỉnh, Long Trảo, Yên Lương, Mai Bảng, Vạn Lộc để sinh sống và lập nghiệp.

Năm 1635, tại Thu Lũng các ông Phùng Bá Đằng, Phùng Bá Pháo được vua Minh Mệnh cấp lệnh khai khẩn vùng đất hoang, ao hồ dọc ven biển Cửa Lùa được 60 mẫu 8 sào để nhân dân lấy đất sản xuất gọi là đồng Bao Khẩn.Đầu thế kỷ XVII, họ Phùng và các dòng họ đến sinh sống lập nghiệp đông đúc, làng xóm vì thế mà được hình thành. Con cháu họ Phùng nhiều người được học hành thi cử đỗ đạt đi làm quan, sinh sống lập nghiệp tại các địa phương khác hoặc mở lại trường dạy học để nâng cao dân trí. Trong đó nổi bật như thừa tướng đô trung hầu Phùng Phúc Kiều, Phùng Văn Thanh, tướng lĩnh nghĩa quân Tây Sơn, cử nhân Phùng Thời Giai, Phùng Văn Bút… Năm 1792, sau khi mất do có công lao to lớn nên phần mộ của Đô trung hầu Phùng Phúc Kiều và bà Lê Thị Loan (vợ ông) được xây tại Mé tả đình làng Thu Lũng, tại xóm Nam Đình (nay là khối Hòa Đình), phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò).

Đến năm 1999, dòng họ chuyển nhà thờ từ khối Đại Thống về bên cạnh lăng của Đô Trung Hầu Phùng Phúc Kiều và được nhà nước công nhận nhà thờ và lăng mộ Tướng công Phùng Phúc Kiều là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhà thờ có Thượng điện, Trung điện, Hạ điện. Cũng trong năm này, nhà thờ thành lập “Hội đồng gia tộc” cùng với tộc trưởng để điều hành công việc chung của cả họ. Nhà thờ được con cháu dòng họ quản lý, chăm sóc, bảo quản tốt. Tại đây, vào các ngày rằm, mồng một mở cửa để con cháu thực hiện các hoạt động tâm linh. Các ngày lễ trọng đại của dòng họ, tết, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, giỗ tổ 22/2 toàn thể con cháu tập trung tổ chức lễ tế.

Năm 2008, dòng họ xây dựng nhà văn bia. Năm 2010 hoàn thành cổng Tam Quan và nhà chờ của dòng họ được sử dụng vào năm 2012. Với diện tích khuôn viên 1600m2, có tường rào, sân lát gạch. Dòng họ hiện nay có 229 hộ với 916 nhân khẩu trong đó nữ 441, nam 475 người. Dòng họ có 8 chi gồm 18 đời, mỗi chi nhánh cũng có nhà thờ riêng. Dòng họ xây dựng được bộ văn tế từ ngày 01/01 đến 30/12 trong năm, có nhạc lễ, đội ngũ phục vụ ban lễ gồm chủ tế, chấp sự, đọc văn, bồi bái, xướng lễ. Ban nhạc gồm có trống lớn, trống nhỏ, chiêng, xập xèng, nhị.

Sắc phong, gia phả nhà thờ họ Phùng còn lưu giữ, đây là một chỉ tiêu cơ bản để công nhận một dòng họ văn hóa.

Dòng họ Phùng đã hình thành và kế thừa các truyền thống của đất nước, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc thể hiện qua lòng yêu nước thương dân, uống nước nhớ nguồn và hiếu học. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, con cháu họ Phùng có 60 người tham gia quân ngũ, 17 liệt sỹ, 01 người phong hàm thiếu tướng, 10 người có quân hàm từ thiếu tá đến thượng tá. Con cháu có nhiều người giữ những vị trí quan trọng tại Thị xã. Hiện nay, dòng họ có nhiều cử nhân, thạc sỹ, phó giáo sư, tiến sỹ công tác tại nhiều tỉnh trong nước. Con cháu họ Phùng luôn phát huy truyền thống yêu nước thương dân, tích cực góp công góp của cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn thịnh, giàu đẹp, luôn phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong dòng họ và trong cộng đồng dân cư, cần cù, sáng tạo, hăng hái lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thi đua sản xuất lao động giỏi, phát triển kinh tế xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Là dòng họ có nhiều thành tích trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Hàng năm có nhiều học sinh đỗ cao đẳng, đại học, học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi Thị xã. Được UBND tỉnh tặng bằng khen số 113/QĐ-KT ngày 11/11/2004 về công tác khuyến học; được UBND thị xã Cửa Lò và UBND phường Nghi Thu biểu dương nhiều năm vì thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học. Họ Phùng còn vinh dự được nhận quỹ khuyến học Phùng Phúc Khoan của họ Phùng Việt Nam.

Để được công nhận là dòng họ văn hóa, họ Phùng đã thực hiện tốt 5 không (Không vi phạm tệ nạn xã hội, các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước hay địa phương; Không có hộ nghèo hay cận nghèo; Không vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; Không nợ nần các khoản đóng góp xã hội; Không lười biếng trong lao động sản xuất). Từ lâu, họ Phùng luôn coi trong thực hiện nếp sống văn hóa mới, luôn phát huy nề nếp gia phong, tránh những điều đi ngược với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, luôn giữ đoàn kết trong dòng họ và cộng đồng dân cư. Với 50% con cháu sản xuất chính là nông nghiệp, chăn nuôi kết hợp với các ngành nghề khác như thương mại, thủ công nghiệp, 40% là công chức, viên chức, còn lại là một số ngành nghề khác. Các hộ gia đình trong dòng họ có 100% nhà kiên cố cấp bốn trở lên, có phương tiện nghe nhìn và sinh hoạt cá nhân như ô tô, xe máy, ti vi… Hiện nay, có khoảng 10 hộ cá thể có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm, giải quyết 70- 100 lao động cho con cháu trong dòng họ.

h9

Trải qua gần 20 năm kể từ khi được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, dòng họ Phùng Đại Tôn (Phùng Phúc Kiều) luôn coi trọng việc xây dựng và gìn giữ những nét đẹp đạo đức con cháu trong xã hội và không ngừng vươn lên khắc phục những khó khăn, làm giàu cho quê hương chính là tôn vinh và đề cao dòng tộc mình. Năm 2018, dòng họ Phùng được công nhận là một trong 8 dòng họ văn hóa của Thị xã. Điều này đã biểu dương những đóng góp không ngừng nghỉ của con cháu dòng họ trong việc phát triển bảo tồn di tích. Có thể nói rằng việc công nhận dòng họ văn hóa đã góp phần nâng tầm di tích lịch sử cho nhà thờ họ Phùng Phúc Kiều, xứng đáng với những chữ vàng mà bút tích văn tế của dòng họ viết bằng chữ Nôm còn lưu truyền nhằm răn dạy con cháu: “Vật bản Hồ thiên – Nhân sinh do tổ/ Ấm hà tư nguyên – Cương thường thiên cổ” (tạm dịch: Con cháu đều do tổ tiên sinh ra và cần có trách nhiệm nối tiếp truyền thống của tổ tiên).

                                                                            Nguyễn Hương