Di tích danh thắng Nghệ An

Đăng ngày 28/03/2014

I. Vài nét về hệ thống di tích danh thắng Nghệ An.

Nghệ An là một trong những địa chỉ văn hoá đặc biệt của cả nước với hệ thống di tích – danh thắng đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, có niên đại trải dài từ thời khởi thuỷ con người có mặt trên trái đất đến ngày nay.

Tự thuở đất nước có tên gọi Văn Lang, Nghệ An đã là một trung tâm của nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng và là một bộ phận tạo thành của nước Văn Lang. Từ đó, nhân dân xứ Nghệ luôn vươn lên trong lao động và đấu tranh, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.

Trong con mắt của các nhà chiến lược, Nghệ An là “phên dậu” của nước nhà với địa bàn trọng yếu về quốc phòng, từng là căn cứ địa vững vàng của nhiều cuộc kháng chiến giữ nước và đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nghệ An là quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt mà tên tuổi và sự nghiệp còn vang mãi với non sông đất nước. Đó là Mai Thúc Loan, Nguyễn Xí, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu… Nơi đây cũng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Nghệ An là quê hương của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng đã viết nên trang sử vàng rạng rỡ mở đầu cho lịch sử cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến dựng nước và giữ nước (nhất là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ), nhân dân xứ Nghệ đã có nhiều đóng góp lớn lao cho đất nước và cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Nằm trên bờ tây Thái Bình Đương, phía Bắc giáp Thanh Hóa, phía Nam giáp Hà Tĩnh, bờ biển phía Đông dài 92km, đường biên giới giáp nước bạn Lào, phía Tây dài 419km, Nghệ An có tổng diện tích 16.370km2, phần lớn lãnh thổ Nghệ An nằm trong hệ uốn nếp Trường Sơn, 2/3 là núi, đồi và trung du. Địa bàn không bằng phẳng, bị cắt xẻ nhiều bởi các dòng sông. Nghệ An là một đất nước Việt Nam thu nhỏ có đủ rừng, biển, đồng bằng và đô thị. Thiên nhiên ưu đãi cho Nghệ An có nhiều danh thắng thu hút du khách về tham quan và nghiên cứu. Đó là bãi biển Cửa Lò, rừng nguyên sinh Pù Mát, thác Khe Kèm, lên nữa có đỉnh Pu Lai Leng cao nhất của hệ Trường Sơn (độ cao 2.711m và hệ thống di tích danh thắng hang động ở đường 48 với Thẩm Ồm, Hang Bữa (Quỳ Châu), Hang Poòng (Quỳ Hợp)…

Hệ thống di tích – danh thắng Nghệ An được sinh ra và nuôi dưỡng bằng tín ngưỡng, đạo lý và phong tục truyền thống của dân tộc nên có sức sống, sức lan tỏa lâu bền, mãnh liệt. Từ những di tích khảo cổ, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng, danh nhân hay di tích – danh thắng đều phải chống đỡ với sự tàn phá của thời gian, của thiên nhiên khắc nghiệt và của con người (cả kẻ thù và cả những người dân thiếu ý thức trách nhiệm). Mặc dù có những biến cố thăng trầm, song nhìn chung, từ các triều đại phong kiến Việt Nam đến chế độ ta hiện nay, nhân dân vẫn nhận thức được rằng: di tích – danh thắng là một trong những chứng cứ thể hiện cội nguồn, truyền thống và bản sắc văn hoá xứ Nghệ. Vì thế, nhiều di tích được xây dựng sớm, bảo vệ và tôn tạo chu đáo. (tiêu biểu: đền Cuông, đền Còn, đền thờ và miếu mộ Mai Hắc Đế, đền Quả Sơn, đền Bạch Mã, khu di tích Kim Liên…).

Đặc biệt, từ khi có Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh của Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành (năm 1984) đến nay, ngành Văn hóa – Thông tin đã có nhiều biện pháp để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích, góp phần vào giáo dục truyền thống, chấn hưng văn hoá dân tộc. Cùng với việc triển khai chương trình chống xuống cấp di tích của Bộ Văn hóa – Thông tin, ngành đã tiến hành và hoàn thành tổng kiểm kê di tích trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 872 di tích, trong đó có 112 di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng công nhận di tích quốc gia; 13 di tích được Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định đăng ký bảo vệ. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tôn tạo và phát huy tác dụng di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn của tỉnh.

II. Các loại hình di tích danh thắng Nghệ An.

1. Di tích danh thắng.

Là những khu vực thiên nhiên có cảnh quan đẹp nổi tiếng có giá trị văn hoá do thiên nhiên sắp đặt, bài trí, bao gồm núi non, hang động, rừng cây biển cả… hợp thành những khung cảnh, hình thù có sức thu hút, say mê lòng người, tạo cho con người cảm giác sảng khoái tâm hồn, nhẹ nhõm tâm tư khi đến với vẻ đẹp bào ta hùng vĩ của thiên nhiên.

Nhờ vào thế núi, hình sáng, sự phân bố tự nhiên của địa hình và miền khí hậu đã tạo cho Nghệ An có được hệ thống danh thắng có giá trị cả về kinh tế – văn hoá – du lịch và quân sự. Tiêu biểu cho loại hình di tích này có: bãi biển Cửa Lò, rừng nguyên sinh Pù Mắt, thác Khe Kèm, thác Sao Va, Hang Bữa, lèn Kim Nhan, sông Lam, núi Quyết… Hầu hết những di tích danh thắng của Nghệ An được phân bố ở hai khu vực: miền núi với những dãy núi đá vôi chứa đựng nhiều hang động kỳ thú, nơi ghi lại dấu tích của con người cổ đại, vùng biển với những bãi tắm, những hải cảng, nhưng cửa biển gắn với những di tích nổi tiếng như: đền Còn, đền Cuông, đền Vạn Lộc…

2. Các di tích khảo cổ.

Là những di chỉ khảo cổ lưu giữ những dấu tích về quá trình hình thành, phát triển của người Việt cồ trên đất Nghệ An. Di tích khảo cổ học bao gồm: hang động, gò đồi, bãi đất… các hiện vật phần lớn được lưu giữ trong lòng đất, cũng có trường hợp tồn tại trên mặt đất (ví dụ các bức chạm trên vách đá…). Di chỉ khảo cổ học được phân chia thành di chỉ cư trú và di chỉ mộ táng.

Di chỉ khảo cổ học ở Nghệ An được phân bố rộng từ miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, song tập trung đậm nhất là dọc triền sông Lam.

Qua hệ thống di tích được phát hiện cho thấy, di chỉ khảo cổ học ở Nghệ An có niên đại thời kỳ đồ đá (đã cũ, đá giữa, đá mới), thời kỳ đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt với các di chỉ tiêu biểu nổi tiếng trong nước và trên thế giới.

Khi nghiên cứu những chiếc răng và xương động vật, răng của người vượn cổ hoá thạch, công cụ đá bằng thạch anh được ghè đẽo khá thô sơ thuộc thời kỳ Cách Tân được tìm thấy Ở hang Thẩm Ồm bên suối bản Thắm, xã Châu Thuận huyện Quỳ Châu, các nhà khảo cổ học khẳng định, Nghệ An là một trong những nơi sinh ra của người vượn cổ cách ngày nay khoảng 20 vạn năm.

Các di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hoá Sơn Vi như Đồi Dùng, Đồi Rạng (Thanh Chương). Trong nhiều hang động ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Con Cuồng, Tương Đương đã phát hiện được các di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Hòa Bình. Cồn Sò Điệp (Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu) là di chỉ khảo cổ học tiêu biểu của thời kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay 2000 đến 2500 năm. Phong phú và có mặt tương đối rộng rãi là các di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ đồ đồng, cổ niên đại cách ngày nay trên dưới 2000 năm (Đồi Đền ở Tương Dương, rú Trăn ở Nam Đàn, Bảo Thành – Yên Thành, Đồng Mõm – Điển Châu…). Di chỉ khảo cổ học làng Vạc (xã Nghĩa Hoa, Nghĩa Đàn) đã đạt đến đỉnh cao, ở vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hoá Đông Sơn. Với hàng nghìn hiện vật được phát hiện, trong đó có nhiều hiện vật quý như rìu, dao găm cán tượng người phụ nữ, dao găm cán tượng người đàn ông bằng đồng, dao găm cán hình rắn quấn chân voi, bao chân bao tay có lục lạc, các loại trang sức bằng đá, thuỷ tinh được chế tác tinh xảo, các loại khuôn đúc… đặc biệt có một loại hiện vật mới phát hiện được duy nhất ở làng Vạc mà các di chỉ văn hoá Đông Sơn khác chưa có được, đó là lẩy nỏ.

Nhưng di tích khảo cổ học Nghệ An vừa khẳng định vị trí của Nghệ An trong quá trình sinh trưởng và phát triển người Việt cổ, đồng thời khẳng định vùng đất này có một nền văn hoá truyền thống lâu đời, góp phần xứng đáng vào tiến trình lịch sử trọng đại của dân tộc, tạo nên dòng chảy văn hoá Việt Nam.

3. Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Là những công trình văn hoá có kiến trúc cổ, đẹp; thường là những ngôi đình, đền, chùa, miếu mộ và nhà thờ của các dòng họ lớn. Di tích kiến trúc nghệ thuật Nghệ An có mặt khắp các miền quê và tập trung nhiều ở huyện miền xuôi. Trong số 85 di tích kiến trúc nghệ thuật còn lại sau tổng kiểm kê năm 1996, có 19 di tích đã được xếp hạng quốc gia. Những di tích nổi tiếng như đền Còn, đền Quả, đền Bạch Mã, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, đình Sừng… đã thể hiện bàn tay tài hoa của những nghệ nhân xứ Nghệ với lối kiến trúc cổ độc đáo của miền quê khí hậu khắc nghiệt: gió Lào và bão lụt triền miên. Đó cũng là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hoá tâm linh, tôn giáo lành mạnh, những sinh hoạt văn hoá làng xã của các cộng đồng dân cư.

4. Di tích lịch sử.

Là những sản phẩm của lịch sử để lại, bao gồm những nơi ghi dấu về sự hình thành dân tộc, ghi dấu những sự kiện chính trị quan trọng, chiến công chống giặc ngoại xâm, những chứng tích tội ác của kẻ thù, nơi lưu niệm danh nhân…

Hiện nay, Nghệ An còn 474 di tích lịch sử, trong đó 89 di tích đã được xếp hạng quốc gia và được chia làm 3 loại: di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng và di tích lưu niệm danh nhân.
Di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu có đền Cuông, đền thờ Mai Thúc Loan, đền Bạch Mã, đền thờ Nguyễn Xí, núi Lam Thành, núi Dũng Quyết – Phượng Hoàng Trung Đô, thành cổ Vinh… Di tích lịch sử Nghệ An phản ánh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân xứ Nghệ trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc; đồng thời, qua hệ thống di tích này, chúng ta có thể hiểu và khẳng định vai trò, vị trí của Nghệ An trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Di tích cách mạng là di tích ghi dấu những cơ sở cách mạng, những phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ An dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Tiêu biểu cho loại hình di tích này ở Nghệ An là hệ thống di tích Xô Viết Nghệ Tích như: mộ các chiến sỹ hy sinh trong ngày 12/9 ở Thái Lão – Hưng Nguyên; đình Võ Liệt; đình Quỳnh Đôi, làng Đỏ Hưng Dũng di tích Tràng Kè ở Yên Thành; di tích nhà cụ Vi Văn Khang ở Môn Sơn, Con Cuông; Ngã ba Bến Thuỷ… Những di tích thời kỳ chống Mỹ cứu nước tiêu biểu có Truông Bồn, cột mốc số 0 – đường mòn Hồ Chí Minh…

Di tích lưu niệm danh nhân: thiên nhiên và con người xứ Nghệ luôn gắn bó với nhau. Thiên nhiên cùng lịch sử đã hun đúc nên con người xứ Nghệ. Nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Xuân Ôn từng thốt lên:
                                                       “Non nước Châu Hoan đẹp tuyệt với
                                                         Sinh ra trung nghĩa biết bao người …”

Những con người xứ Nghệ đã góp công sức, trí tuệ của mình tạo cho văn hoá xứ Nghệ có bản sắc dân tộc độc đáo. Đó là những con người mang trong mình những đức tính: khi xông pha lửa đạn thì anh dũng hy sinh, khi chịu đựng gian khổ thì gan góc lầm lì; khi theo việc lớn, việc nghĩa thì thuỷ chung son sắt. Chính họ đã hy sinh trọn cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc tự do của nhân dân và đã để lại cho quê hương một hệ thống các di tích lưu niệm danh nhân. Trong số 26 di tích lưu niệm danh nhân, tiêu biểu: Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, nhà cụ Phan Bội Châu ở Nam Đàn, nhà đồng chí Lê Hồng Phong ở Hưng Nguyên, nhà đồng chí Phan Đăng Lưu ở Yên Thành, nhà thờ cụ Hồ Án Nam và nhà Hồ Tùng Mậu ở Quỳnh Lưu …

Hầu hết các di tích lưu niệm danh nhân của Nghệ An đều được bảo tồn và phát huy tốt tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, Khu di tích Kim Liên hàng năm phục vụ hàng chục triệu lượt khách thập phương hành hương về quê Bác.

Theo: Theo nghean24h.com