Cửa Lò trên hành trình du lịch xanh

Đăng ngày 06/02/2019

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch bên cạnh đưa kinh tế tăng trưởng cao còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan môi trường và văn hóa – xã hội. Do đó, thị xã Cửa Lò tập trung phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực sẵn có và để cuộc sống người dân ngày một tốt đẹp hơn. Đây cũng là điều tạo nên sự khác biệt so với các điểm du lịch khác.

h10

Mấy năm gần đây, nếu du khách có dịp đến Cửa Lò và ra biển dạo chơi lúc sáng sớm sẽ thấy nhiều người tình nguyện nhặt rác trên bãi tắm. Chẳng được trả công nhưng họ làm việc đầy trách nhiệm. Điển hình như ông Chế Đình Phượng ở phường Thu Thủy đã tham gia công việc này được hơn 5 năm. Ông Phượng chia sẻ: “Nhờ du lịch mà hàng ngàn người trong đó có con cháu tôi có việc làm nên tôi góp chút công nhỏ bé của mình với mong muốn bãi biển luôn sạch đẹp để có nhiều du khách về đây”.

Để ông Phượng cũng như nhiều người dân thấy được trách nhiệm của mình và chung tay bảo vệ môi trường biển là cả một câu chuyện dài.

Năm 1994 khi thành lập Thị xã, các đồng chí lãnh đạo Cửa Lò xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và tạo bước đột phá để đưa Thị xã phát triển. Nhưng để trong quá trình khai thác tài nguyên không ảnh hưởng đến môi trường thì phải có quy hoạch rõ ràng. Do đó, Thị xã đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước về lập quy hoạch chi tiết cho khu du lịch biển. Từ đất ở, đất công cộng, đất trồng cây xanh, đất an ninh, quốc phòng, hệ thống đường giao thông cho đến các vị trí kinh doanh đều được bố trí một cách khoa học đảm bảo cho phát triển bền vững, hiệu quả mà không gây tổn hại đến môi trường tự nhiên. Chẳng hạn như khi xây dựng hệ thống nhà hàng ven biển, Thị xã không phá bỏ rừng phi lao phòng hộ ven biển mà còn chỉ đạo, động viên nhân dân trồng thêm cây xanh. Mục đích là cho phép phát triển du lịch theo cách thuận lợi và công bằng cho cộng đồng người địa phương, là phải tạo cuộc sống ngày một ổn định dài hạn và không làm tổn hại đến cảnh quan du lịch và môi trường thiên nhiên. Anh Dương Công Sơn – Chủ nhà hàng Hương Sơn cho biết:

 “Để được kinh doanh ở đây, ngoài chuẩn bị nhân lực, văn hóa giao tiếp, cơ sở vật chất chúng tôi còn phải cam kết thực hiện nghiêm các chủ trương của Thị xã đề ra, ví dụ 5 không, trong đó có nội dung không được gây tổn hại đến môi trường cảnh quan và giữ vệ sinh quanh khu vực hàng quán sạch sẽ”.

Ngoài những nội dung trên, các nhà hàng còn phải cam kết không được kinh doanh những mặt hàng gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định giờ và khu vực đổ rác để cho khu du lịch luôn sạch đẹp. Rồi nước thải từ nhà hàng, khách sạn cũng phải đấu nối vào hệ thống đường ống thu gom của Thị xã để chuyển về nhà máy xử lý sau đó mới thải ra môi trường. Đối với các doanh nghiệp khi xây dựng nhà nghỉ, khách sạn phải dành một diện tích đất trồng cây xanh. Tiêu biểu như khách sạn Hạ Long đã đầu tư một khoản tiền lớn cho hạng mục này.

Giám đốc khách sạn, chị Trần Thị Thu chia sẻ: “Để tạo một điểm nhấn, một không gian xanh, sạch, đẹp và ấn tượng với du khách thì chúng tôi quyết định đầu tư khu sinh thái, cà phê Trang Hoa Viên trên 300 tỷ đồng. Qua 4 năm hoạt động, khách rất hài lòng”

Ngành du lịch xanh chỉ có thể tăng trưởng khi nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Từ người dân, các công ty kinh doanh du lịch đến các cơ quan quản lý nhà nước. Từ công tác quy hoạch đô thị, đến phát triển sản phẩm du lịch. Điều này thể hiện rõ kể từ năm 2012 khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1393 phê duyệt chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. Cửa Lò đã ưu tiên những doanh nghiệp sản xuất ít gây khí thải nhà kính đầu tư vào Thị xã. Đồng thời, khuyến khích phát triển các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch sinh thái, trải nghiệm, mua sắm; triển khai các dự án về nông nghiệp sạch, sản xuất, chăn nuôi an toàn phục vụ du lịch. Tập trung phát triển các làng nghề chế biến hải sản theo phương thức cổ truyền để vừa hạn chế ô nhiễm và đảm bảo sức khỏe cho người dân vừa tạo điểm tham quan cho du khách. Đây là những bước đi vững chắc khi du lịch truyền thống đạt đến ngưỡng của sự tăng trưởng ổn định, trong khi đó du lịch sinh thái, di sản, văn hóa và du lịch khám phá đang tăng trưởng nhanh.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Thị xã đang quy hoạch lại toàn bộ hệ thống cây xanh, thảm cỏ trên toàn thị xã và trong tương lai phía đông đường Bình Minh chủ yếu là khu vui chơi giải trí, thể thao. Trong công tác quy hoạch và thu hút đầu tư các dự án cũng như khi xây dựng các khách sạn phục vụ du lịch, chúng tôi chú trọng đến tỷ lệ cây xanh. Còn về công nghiệp chỉ tập trung thu hút các dự án công nghiệp sạch, còn nông nghiệp chú trọng phát triển nông nghiệp sạch để phục vụ cho du lịch và chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn thị xã để cùng tham gia bảo vệ môi trường để đảm bảo là đô thị văn minh xanh, sạch, đẹp và có sự khác biệt với các đô thị khác”

Chị Lan Anh – du khách đến từ Hà Nội đánh giá: “Khi chọn điểm du lịch cho gia đình thì vấn đề chúng tôi quan tâm đầu tiên là môi trường, còn giá cả, tiện nghi là thứ yếu và Cửa Lò luôn được chúng tôi yêu mến vì có bãi biển đẹp, môi trường trong lành”.

Mỗi ngày qua đi, người dân địa phương và cả khách du lịch gần xa đều cảm nhận được sự thay đổi tích cực của du lịch Cửa Lò.  Điều này càng tạo thêm động lực để thị xã Cửa Lò tiếp tục phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Bởi đây là cơ hội, là mục tiêu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cũng là con đường ngắn nhất để đưa du lịch phát triển nhanh và bền vững.

Hữu Lương