Bốn biện pháp kiểm soát, ứng phó trước biến chủng Omicron

Đăng ngày 03/12/2021

“Tăng giám sát, xét nghiệm, thúc đẩy tiêm chủng và nâng cao năng lực y tế cơ sở trong ứng phó với biến chủng Omicron”, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ nhấn mạnh như vậy tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngày 30/11.
Tiêm vắc xin và đeo khẩu trang giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19.
Tiêm vắc xin và đeo khẩu trang giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19.

Cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long với ông Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam; ông John MacArthur – Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á và ông Matthew Moore – Giám đốc chương trình An ninh Y tế toàn cầu CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhằm trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến thể Omicron.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến sáng 30/11, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 với biến thể mới Omicron. Để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo: Tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia Nam Phi, Botswana, Namibia… và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên; Chỉ đạo hệ thống tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Đại diện WHO và CDC Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến 4 yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron, bao gồm: tăng giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; thúc đẩy công tác tiêm chủng để bao phủ vắc xin phòng COVID-19; tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống khi ca bệnh tăng cao, truyền thông nhiều hơn nữa về các biện pháp phòng chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gen các ca bệnh COVID-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới.Khẩn trương chuẩn bị phương án phòng, chống

Ngày 30/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 do biến chủng Omicron trên thế giới và dự báo tình hình dịch COVID-19 trong nước, để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra. Trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương, nhất là TPHCM và các tỉnh phía Nam tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Y tế cùng đại diện WHO, CDC Hoa Kỳ Khu vực Đông Nam Á và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thống nhất sẵn sàng chia sẻ và cập nhật kết quả giải trình tự gen các ca bệnh COVID-19 để có thêm thông tin cùng tìm phương pháp ứng phó.

Các bên cũng thống nhất quan điểm tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm chủng, ưu tiên các đối tượng nguy cơ cao và đảm bảo tiêm chủng an toàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 120 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, tiến độ tiêm tiếp tục được đẩy nhanh; công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đang được thực hiện tại hơn 30 tỉnh, thành phố.

Tuân thủ nghiêm quy định 5K

Liên quan đến biến chủng mới, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, cho biết đến nay những điều thế giới biết về biến chủng Omicron này còn rất ít, chủ yếu ghi nhận ở các nước nam châu Phi. “Chúng ta thấy nó có nhiều đột biến hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng chưa có dữ liệu về dịch tễ, khả năng lây lan cũng như độc lực của virus. Virus luôn luôn đột biến, vì thế người dân cần tuân thủ 5K- khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế là quan trọng nhất”, GS.TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Trong lúc này người dân luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người. Đặc biệt, nếu biến chủng này xâm nhập thì thực hiện tốt 5K có thể hạn chế nguy cơ lây lan dịch”.

Tuyệt đối không được chủ quan

Liên quan đến biến chủng Omicron, BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM khuyến cáo cộng đồng không nên quá hoang mang nhưng cũng tuyệt đối không được chủ quan. Biến chủng Omicron cũng như những biến chủng khác, cơ chế lây nhiễm như nhau, mọi người, mọi nhà cần tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên để tránh nguy cơ lây nhiễm.

“Ở khu vực Nam Phi trên cơ sở giải trình tự gen đã xác định đây là biến chủng mới của COVID-19. Trong chủng Omicron đặc tính lâm sàng khác với chủng Delta khi không có triệu chứng mất mùi, mất vị, chứng ho sổ mũi cũng ít. Bệnh nhân mắc biến chủng Omicron có biểu hiện mệt mỏi một cách kỳ lạ, đau nhức cơ thể như biểu hiện cảm cúm, số ca nhập viện tăng nhưng tử vong không tăng”, BS Khanh nói.