Bếp lửa – Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

Đăng ngày 24/01/2019

Bếp lửa được coi là linh hồn trong ngôi nhà nhỏ bé của mỗi người. Bếp lửa tuy nhỏ bé nhưng mang trong mình cả hơi thở cuộc sống sinh hoạt và nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngày trước ở Cửa Lò nhà nào cũng có một gian bếp với kiềng ba chân hoặc được làm bằng đất sét, dùng các loại như tràm, liễu,  đặc thù của cây lấy củi của người miền biển để đốt. Người ta coi trọng bếp và có những kiêng kị cần thiết như không được dẫm chân hoặc bước qua bếp, không được gõ hoặc đánh vào bếp. Bếp được người dân sử dụng để nấu cơm, nấu rượu, cám lợn, đun nước uống. Người ta thường bỏ thóc thành từng bì gác trên dàn bếp với mục đích gia đình sẽ luôn ấm no, đủ đầy, hòa thuận, yên vui.

bep lua

Vào ngày tết bếp phải luôn cháy, lửa phải đỏ rực, người dân cúng thần bếp một cách trang trọng nhất, 23 âm lịch hàng năm là ngày tiễn ông táo về trời, gia chủ cúng bài nghiêm túc, thành tâm. Những sinh hoạt hàng ngày của người dân diễn ra xung quanh bếp lửa, hình ảnh và giá trị của nó luôn được con cháu thế hệ người Việt quan tâm, lưu giữ. Tết đến hay mùa đông lạnh giá, người ta thường quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm, tâm tư trò chuyện.

Từ xa xưa đến nay, ngọn lửa trong mái ấm gia đình luôn được hình tượng hóa như một điểm sáng báo hiệu niềm vui sum họp. Bếp chính là nỗi nhớ của những người con xa quê mỗi khi tết đến xuân về, chỉ mong tết đến để vùi mình vào hơi ấm của những người thân yêu, bên bếp lửa hồng đỏ rực, khói bếp cay nồng con mắt, hong bàn tay khô cùng cười rả rích ngắm nhìn mưa xuân.

49764912_1401561439978354_1791605479646953472_n

Tin thang 01.00_31_47_05.Still147

Hội thi nấu bánh chưng ở Trường THPT Cửa Lò 2 trong ngày:23/01/2019 tức ngày 18 tết vừa qua

Đêm cuối năm, cái rét còn cắt da cắt thịt, bếp lửa đêm giao thừa vẫn bập bùng cháy rực với ánh than đỏ hồng, bên nồi bánh chưng thơm nồng vị lá, bên nồi cháo cốm nổ lách tách giòn tan. Bánh chưng được vớt ra ép lại cho vuông góc cạnh để bày lên bàn thờ tổ tiên. Hương bánh chưng hòa quyện cùng hương cốm làm ngọt ngào căn bếp nhỏ. Đó là không khí rất riêng của ngày tết.

Bếp lửa giúp hình thành nên cảm xúc con người, giúp ta ý thức hơn về truyền thống văn hóa của quê hương. Sáng mồng một tết mâm cơm cúng đầu tiên được chuẩn bị bên bếp lửa. Hiện nay, cuộc sống của người dân thị xã biển đã no đủ hơn, sung túc hơn nên nhiều nhà không dùng bếp củi nữa nhưng ở các phường như Nghi Thu, Nghi Hương….người dân vẫn lưu giữ và dùng song hành hai loại bếp này để phục vụ sinh hoạt. Người dân quan niệm về việc giữ lửa ngày tết, lửa phải cháy bùng trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để báo hiệu điều tươi vui sẽ đến.

bl9

Mùa xuân đang về, nhẹ nhàng bước vào từng ngôi nhà, quanh những con phố nhỏ, chạm khẽ vào tâm hồn say đắm trước muôn vàn sắc hoa khiến con người bâng khuâng tưởng nhớ về một cái tết đoàn viên bên gia đình. Sẽ trở về ký ức khi còn là những đứa trẻ đầu trần chân đất, nghịch ngợm suốt ngày đến xế chiều lại vào bếp lửa để ăn củ khoai lang vùi tro hay bắp ngô nướng ngọt thơm vị quê nhà.

Nơi phố phường chật chội xa xôi, người ta lại khao khát những bữa cơm bên gia đình, có những người thân yêu, có ngọt lửa miệt mài cháy trong mỗi căn bếp, nâng niu những giá trị ân tình, thảo thơm, chắt chiu qua từng năm tháng.

Ấy vậy mà người ta thường bảo với nhau rằng: “ Một nửa hồn tết luôn nằm trong góc bếp mỗi nhà”./.

                                

                                            Nguyễn Hương